Chìa khóa phát triển du lịch Đông Nam Bộ

(PLO)- Theo đại diện các tỉnh, thành, liên kết và hợp tác chính là chìa khóa quan trọng để tạo thành vành đai phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 29-11, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị sơ kết liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025. Hội nghị đánh giá kết quả của những thỏa thuận, thống nhất giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đồng thời thống nhất nội dung trọng tâm trong chương trình liên kết du lịch vùng năm 2023.

Kết quả hai năm liên kết du lịch vùng

Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Phước, trong hai năm thực hiện liên kết hợp tác TP.HCM là trung tâm đầu mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch của cả vùng, đã gắn kết du lịch giữa các địa phương.

Cụ thể, giai đoạn 2020-2022 vùng đã tổ chức 18 sự kiện du lịch tiêu biểu, nhiều địa phương đã phối hợp tốt để triển khai đề án du lịch thông minh. TP.HCM đã chủ trì thực hiện bản đồ du lịch 3D + 2D tương tác thông minh cho vùng Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, theo Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Phước, lượt khách và doanh thu du lịch của vùng Đông Nam Bộ từ cuối năm 2020 đến đầu 2022 giảm mạnh. Nguyên nhân là các nội dung liên kết phát triển du lịch theo chương trình chưa có hiệu quả cao, ngoài tổ chức và tham gia các sự kiện quảng bá du lịch.

Cạnh đó, việc kết nối tour, tuyến du lịch giữa các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ chưa hiệu quả. Việc thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch của vùng bị ngưng trệ; ngoại trừ TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu có các tập đoàn, công ty lữ hành lớn đầu tư, khai thác.

Về kế hoạch năm 2023, đơn vị này cho biết các địa phương tập trung phát triển và liên kết sản phẩm du lịch nổi bật để doanh nghiệp du lịch hình thành tour. Sáu tỉnh, thành tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến về du lịch vùng Đông Nam Bộ; tập trung tổ chức các sự kiện hội chợ, triển lãm có quy mô lớn về du lịch…

TP.HCM chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn về du lịch. Ngoài ra là tổ chức hội nghị mời gọi xúc tiến đầu tư về du lịch vào sáu tỉnh, TP trong vùng. Mỗi tỉnh, TP đăng cai tổ chức tối thiểu một sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch để các địa phương khác cùng tham gia.

Bà Phan Thị Thắng (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, dẫn đầu đoàn công tác xúc tiến du lịch khảo sát tại núi Bà Đen, Tây Ninh vào cuối năm 2021.

Bà Phan Thị Thắng (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, dẫn đầu đoàn công tác xúc tiến du lịch khảo sát tại núi Bà Đen, Tây Ninh vào cuối năm 2021.

Bốn giải pháp thực hiện “Con đường du lịch” Đông Nam Bộ

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP là cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối các tỉnh, thành trong nước và quốc tế trên tất cả các loại phương tiện. Vì vậy, nếu thực hiện tốt liên kết này chúng ta sẽ xây dựng được “con đường du lịch” Đông Nam Bộ đầy tiềm năng, tăng chi tiêu và giữ chân được du khách. Để làm được điều này, bà Thắng đề xuất bốn giải pháp.

Thứ nhất, xác định hợp tác và liên kết là sự tất yếu để duy trì thị trường khách du lịch vùng Đông Nam Bộ, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp sáu địa phương - một điểm đến. Thứ hai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường để xác định thị trường mục tiêu, tránh quảng bá xúc tiến thiếu trọng tâm. Thứ ba, đồng bộ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch. Thứ tư là tiếp tục cải cách cơ chế chính sách thu hút hạ tầng du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nói: “Các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ muốn phát triển du lịch thì liên kết, hợp tác chính là điều tất yếu, đồng thời cũng là chìa khóa quan trọng để tạo thành vành đai phát triển du lịch vùng và TP.HCM”.

Bà Hiền đề xuất trung ương cần phối hợp với các địa phương để triển khai xây dựng hệ thống giao thông kết nối trong vùng Đông Nam Bộ, tạo cú hích đồng bộ trong liên kết phát triển du lịch. Cạnh đó, cả vùng cần ưu tiên hình thành đa dạng các sản phẩm du lịch phù hợp, đặc trưng của tỉnh, đồng thời khai thác hợp lý các điểm đến du lịch.

Theo ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cần phối hợp đầu tư và khai thác tuyến du lịch sông Đồng Nai kết nối TP.HCM Đồng Nai - Bình Dương gắn với khai thác giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa dọc hai bên bờ sông.

Đồng thời, cần hình thành tuyến du lịch TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu gắn với tham quan, mua sắm tại TP.HCM kết hợp du lịch sinh thái rừng tại Đồng Nai và du lịch biển đảo tại Bà Rịa-Vũng Tàu để tạo chuỗi sản phẩm.

Do đó các địa phương cần tăng cường phối hợp xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến chung. Các tỉnh cần tranh thủ sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch và phát huy vai trò “đầu tàu” của TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu.•

Cần quảng bá du lịch trên nền tảng số, mạng xã hội

Trong bảy vùng du lịch cả nước, Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động, hội tụ nhiều thế mạnh về tài nguyên du lịch. Liên kết phát triển du lịch Đông Nam Bộ sẽ phát huy vị thế của mình là đầu tàu du lịch cả nước. Bộ VH-TT&DL đề nghị triển khai hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác được ký kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương.

Về đầu tư sản phẩm du lịch, hai năm qua chúng ta đã đầu tư nhiều hoạt động khảo sát, xây dựng sản phẩm nhưng đòi hỏi làm rõ nét hơn đặc sắc của vùng, hình thành chương trình du lịch hấp dẫn. Cần tạo ấn tượng đậm nét về thương hiệu du lịch vùng Đông Nam Bộ so với các vùng khác thông qua sản phẩm đặc trưng như du lịch MICE ở TP.HCM, du lịch biển đảo ở Bà Rịa-Vũng Tàu, du lịch văn hóa tâm linh ở Tây Ninh.

Về việc quảng bá, bên cạnh xúc tiến trực tiếp cần kết hợp quảng bá trực tiếp trên nền tảng số và mạng xã hội. Các địa phương cần chủ động chuyển đổi số các nền tảng dữ liệu du lịch, đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Ông ĐOÀN VĂN VIỆT, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm