Chia sẻ của nữ bộ trưởng Nội vụ đầu tiên tại Việt Nam

Hôm nay (8-4), ngày làm việc cuối cùng của Quốc hội khoá XIV, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng, một số Bộ trưởng, “trưởng ngành” của Chính phủ.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với tân Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, người vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm sáng nay.

Nhiều lo lắng và áp lực

. Xin chúc mừng bà được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Bà có thể chia sẻ cảm xúc khi trở thành nữ bộ trưởng đầu tiên của ngành Nội vụ sau 75 năm?

+ Bà Phạm Thị Thanh Trà: Được Quốc hội phê chuẩn đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đối với tôi đây là một vinh dự lớn lao nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cũng như nhân dân và đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Nội vụ.

Tân Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: XĐ

Tôi sẽ phải cố gắng và nỗ lực rất lớn, cùng tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Nội vụ tiếp tục đưa sự nghiệp của ngành không ngừng phát triển, đáp ứng được nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Tôi thực sự rất xúc động khi là một nữ bộ trưởng đầu tiên sau 75 năm thành lập ngành Nội vụ. Điều này đòi hỏi tôi phải làm sao để có thể kế tục được sự nghiệp của ngành Nội vụ và đặc biệt là của các thế hệ đàn anh đi trước để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

. Khi nhận tin được Bộ Chính trị phân công về Bộ Nội vụ, bà cảm thấy như thế nào?

+ Đây là Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, công việc khó và nhạy cảm, tôi thực sự có nhiều lo lắng và áp lực. Nhưng nhiệm vụ tổ chức phân công thì tất nhiên mình sẵn sàng chấp hành.

Khi mới về đây, người tiền nhiệm đã chia sẻ và giúp đỡ tôi rất nhiều để tiếp cận với công việc. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân là người rất tâm huyết và có nhiều cống hiến đối với ngành. Năm năm qua, anh ấy đã chèo lái rất kiên trì và quyết tâm để Bộ được như thế này, công lao đóng góp của anh là rất lớn. 

Đường đã được mở, việc cần làm là đi đúng, trúng và về tới đích

. Là một trong hai thành viên nữ của Chính phủ, bà thấy mình có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa Bộ trưởng?

+ Thuận lợi đầu tiên có thể kể đến là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định rất rõ quan điểm, mục tiêu và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước nói chung, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực Nội vụ nói riêng. 

Tôi nghĩ định hướng đã rất rõ, giống như con đường đã được mở ra ở phía trước. Việc còn lại là đi làm sao cho đúng, cho trúng và về tới đích. Vì vậy, tôi cho rằng việc thực hiện nhiệm vụ của mình sẽ có thuận lợi hơn.

Hơn nữa, các thế hệ lãnh đạo đi trước cũng như đội ngũ thế hệ cán bộ, công chức và viên chức của ngành Nội vụ đã tạo dựng nên một nền tảng rất cơ bản để ngành Nội vụ tiếp tục có những bước phát triển trong chặng đường tới. 

Là phụ nữ, chắc chắn tôi sẽ nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên của phụ nữ nói chung và phụ nữ trong ngành Nội vụ nói riêng. Cạnh đó là sự chia sẻ, đồng cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Nội vụ. Điều này cũng tiếp thêm cho tôi động lực và niềm tin vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành được nhiệm vụ được giao.

. Bà đặt ra cho mình phương châm hành động và những ưu tiên nào trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

+ Có thể nói nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn tới hết sức nặng nề. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định rất rõ mục tiêu phát triển đất nước nói chung, trong đó cũng đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng đối với lĩnh vực của ngành Nội vụ.

Bởi vậy, nhiệm vụ đầu tiên là phải quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trên lĩnh vực của ngành Nội vụ. Trong đó, tập trung trọng tâm vào năm nhiệm vụ cơ bản. 

Thứ nhất, tập trung cao độ cho việc tiếp tục tham mưu để xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân và hội nhập.

Thứ hai, phải tập trung vào việc đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo đột phá cho giai đoạn 2021 - 2026, nhằm khơi thông các điểm nghẽn, những rào cản, tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển tới đây. 

Thứ ba, tiếp tục tổ chức sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong đó có sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; các cơ quan, đơn vị hành chính và sự nghiệp. Vừa qua, Bộ đã làm tích cực và đạt hiệu quả bước đầu. Vì vậy, đây sẽ là giai đoạn làm rất quyết liệt vấn đề này. 

Thứ tư, tiếp tục thực hiện mục tiêu về tinh giản biên chế, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo. Cùng với đó, phải quan tâm chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.

Đây cũng là một trong những nội dung đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rất cụ thể để chúng ta tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa chuyên nghiệp, trách nhiệm, vừa năng động, phục vụ nhân dân và lấy người dân làm trung tâm.

Trọng tâm thứ năm là tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước ở các lĩnh vực của ngành, bảo đảm rõ chức năng, nhiệm vụ, rõ người, rõ việc, phát huy sự chủ động, tích cực của địa phương, cơ sở. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước thống nhất, đồng bộ.

Thực tiễn ở địa phương cho nhiều kinh nghiệm quý

 . Giữ cương vị lãnh đạo ở địa phương trong một thời gian dài, bà sẽ vận dụng những kinh nghiệm này trong điều hành của một Bộ trưởng như thế nào?

+ Là một nữ lãnh đạo ở địa phương nhiều năm, tôi may mắn có được trải nghiệm qua rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nội vụ. Vì vậy, tôi đã tích lũy cho mình được ít nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý.

Những năm qua, khi tôi là Bí thư Tỉnh ủy, Yên Bái đã thực hiện rất mạnh mẽ năm lĩnh vực của ngành Nội vụ, đặc biệt là thành công trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách hành chính và phân cấp, phân quyền.

Đây chính là những kinh nghiệm tốt, bài học quý để tôi có thể vận dụng, triển khai và chỉ đạo tổ chức thực hiện đối với các địa phương khác, nhất là những địa phương còn nhiều khó khăn.

Những bài học thực tiễn ở địa phương ít nhiều cũng cho tôi thêm kinh nghiệm quan trọng để có thể tham mưu một cách thiết thực, sát với tình hình thực tiễn và tổ chức thực hiện cũng sẽ có những thuận lợi hơn.

Đây cũng là hành trang không thể thiếu để tôi tiếp tục thực hiện tốt vai trò người lãnh đạo của ngành Nội vụ. 

. Xin cám ơn Bộ trưởng!

Cân bằng giữa việc nước với việc nhà

. Là cán bộ địa phương được điều động về Trung ương công tác, phải sống xa gia đình, người thân, bà làm cách nào để có thể làm tròn cả hai vai?

+ Các cụ ta có câu "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Với thiên chức của người phụ nữ, mình luôn luôn phải cân bằng giữa việc nước với việc nhà. Việc nước mình phải nỗ lực và quyết tâm rất lớn, nhưng mặt khác công việc gia đình mình cũng phải sắp xếp một cách hợp lý, khoa học, để dành cho gia đình sự quan tâm hợp lý, đảm bảo được một cuộc sống hài hòa.

Là phụ nữ, chúng ta vẫn phải là người giữ lửa trong gia đình để cuộc sống gia đình lúc nào cũng cho mình một nguồn động viên, chia sẻ.

Chị em làm việc bằng sự đam mê và trách nhiệm. Nếu không có lòng đam mê và không có trách nhiệm cao thì rất khó có thể vượt qua được áp lực của công việc với yêu cầu càng ngày càng cao.

Bằng sự tâm huyết, trách nhiệm và những kinh nghiệm trong những năm qua, tôi có một niềm tin vững chắc vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Nội vụ sẽ tiếp tục đồng hành cùng lãnh đạo Bộ, trong đó có Bộ trưởng, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ trong chặng đường sắp tới. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm