Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: 'Tôi tin người kế nhiệm sẽ làm tốt hơn'

Hôm nay (7-4), theo nghị trình, Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số phó thủ tướng, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, một “tư lệnh ngành” để lại nhiều dấu ấn trong nhiệm kỳ vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong một lần trả lời báo chí.
Ảnh: HOÀNG HẢI

Không “tu thân”, không phải người tốt thì nói không ai nghe

. Phóng viên: Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng từng có câu nói rất ấn tượng là “quét nhà thì quét nhà mình trước”. Trong nhiệm kỳ, Bộ trưởng đã “quét” nhà mình như thế nào?

+ Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Tôi tâm đắc với câu nói của Khổng Tử: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Câu nói ngụ ý về vấn đề nêu gương. Nếu chúng ta không tu thân, không phải là người tốt, không làm tốt thì chúng ta nói không ai nghe. Cũng có nghĩa là chúng ta phải nói được làm được, phải thực sự gương mẫu.

Tôi muốn gửi thông điệp này đến tất cả mọi người chứ không riêng Bộ Nội vụ hay cá nhân tôi. Đối với Bộ Nội vụ, thực sự chúng tôi cũng là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, tinh giản biên chế, xử lý kỷ luật đối với cán bộ vi phạm…

Mọi việc chúng tôi đều làm rất nghiêm túc. Có như vậy chúng tôi mới có thể góp ý cho các địa phương, các bộ, ngành để khắc phục, sửa chữa những vấn đề này được. Thời gian tới, chúng ta vẫn tiếp tục phải làm những việc này, không riêng gì lĩnh vực nội vụ. Đến nay, tôi vẫn muốn gửi thông điệp này tới tất cả bộ, ngành, các địa phương: Chúng ta phải làm sạch nhà mình trước rồi làm sạch nhà người khác.

. Là người đứng đầu cơ quan “gác cửa” cho Chính phủ về công tác cán bộ, Bộ trưởng có chịu nhiều áp lực từ các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế?

+ Các bạn đều biết đây là lĩnh vực rất nhạy cảm. Hằng năm, chúng tôi nhận được đề nghị về biên chế của các bộ, ngành, địa phương thì gần như không có bộ, ngành, địa phương nào đề nghị giảm biên chế, ai cũng đề nghị tăng cả. Tuy nhiên, chúng ta phải cương quyết thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, bởi nếu không thực hiện được nhiệm vụ này, chúng ta không thực hiện được chính sách cải cách tiền lương.

Trong thời gian qua, các địa phương xin giữ hay xin tăng thêm biên chế cũng vì lý do chúng ta thực hiện khoán kinh phí trên biên chế. Tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, phải cương quyết thực hiện chính sách lương mới để chấm dứt tình trạng khoán kinh phí trên biên chế. Khi đó chúng ta sẽ biết chọn người, sử dụng người nào để thu nhập cho cán bộ, công chức ngày càng tăng.

Tuy nhiên, chúng ta không áp dụng máy móc, nơi nào thiếu mà cần thiết vẫn phải bổ sung. Chẳng hạn, trong hai năm 2019, 2020, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế hai lần bổ sung biên chế cho hai ngành này. Chúng ta phải cho tăng số người làm việc để đảm bảo phục vụ cho việc giảng dạy và chữa bệnh, còn nơi nào thấy cần giảm thì cũng phải cương quyết giảm, dù là áp lực.

Lộ trình sắp tới, sau khi tổng kết Nghị quyết 39 vào cuối năm 2021, chúng tôi sẽ đề nghị những giải pháp mới để tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế kết hợp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo Nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn.

Lắng nghe ý kiến bên dưới để tham mưu chính xác

. Từng là bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp trước khi nhận nhiệm vụ tại Bộ Nội vụ, ông thấy làm lãnh đạo ở địa phương và lãnh đạo ở một bộ, ngành trung ương, việc nào khó hơn?

+ Tôi không so sánh bởi mỗi nhiệm vụ đều có vị trí, chức năng và trách nhiệm nặng nề của nó. Bí thư Tỉnh ủy trách nhiệm rất nặng, bộ trưởng trách nhiệm cũng không kém nhưng ở mỗi vị trí, chúng ta có từng cách xử lý khác nhau. Tất nhiên, làm ở trung ương thì áp lực nhiều hơn ở địa phương.

Ở địa phương, bí thư tỉnh ủy là người có quyền lực cao nhất ở tỉnh nhưng với trung ương, mình làm công tác tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền và chịu áp lực của địa phương. Điều này đòi hỏi cần phải xử lý mối quan hệ hài hòa để làm tốt công tác tham mưu, lắng nghe ý kiến bên dưới, tham mưu một cách chính xác để cấp trên quyết định. Trong điều kiện như vậy, tôi cũng đã cố gắng để bám sát thực tiễn, các quy định của Đảng, pháp luật để tham mưu tốt cho Chính phủ trong nhiệm kỳ qua.

. Nhìn lại chặng đường năm năm qua, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân bây giờ khác với Bí thư Tỉnh ủy Lê Vĩnh Tân ngày trước như thế nào? Nếu được lựa chọn, ông sẽ…?

+ Đối với công tác cán bộ, tôi không được lựa chọn mà tuân theo sự phân công của Đảng và Nhà nước. Từ xưa đến giờ, tôi chưa lựa chọn một lần nào, Đảng phân công nhiệm vụ gì tôi thực hiện nhiệm vụ đó và cố gắng làm hết sức mình.

Trong hơn 40 năm công tác, đây cũng là nhiệm kỳ cuối tôi công tác. Tôi cám ơn Đảng, Chính phủ, các địa phương, các bộ, ngành, cán bộ công chức của Bộ Nội vụ đã cộng tác, hỗ trợ giúp đỡ tôi trong thời gian qua để làm được một số việc. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mình đã hoàn thành công việc của mình.

Tin người kế nhiệm sẽ làm tốt hơn

. Bộ trưởng có hài lòng với những gì mình làm được cũng như còn tiếc nuối điều gì?

+ Tôi không bao giờ bằng lòng với phần hiện có. Tôi chỉ tiếc mình vẫn chưa làm được nhiều. Tất nhiên, những việc này ở nhiệm kỳ tới, người kế nhiệm sẽ tiếp tục làm. Tôi tin chắc rằng tới đây, người kế nhiệm tôi sẽ làm tốt hơn tôi và cũng có nhiều sáng kiến hơn, sẽ làm mạnh mẽ hơn những việc tôi trăn trở nhưng chưa làm được.

Định hướng kế hoạch của năm năm tới, nhất là triển khai cụ thể trong năm 2021, chúng ta phải kiên quyết thực hiện cho được các chế độ tiền lương để tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Đây là trăn trở, day dứt của tôi trong nhiều năm qua.

Mong muốn thứ hai của tôi là làm sao chúng ta phải xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh và chỉ thực hiện đúng chức năng quản lý của mình, không làm việc khác và dành phần khác đó để xã hội làm. Một bộ máy tinh gọn như thế phải kết hợp với việc đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền cho chính quyền địa phương các cấp.

Có những việc không thể trong nhiệm kỳ năm năm tôi có thể làm được, mà tất cả đồng chí sau này sẽ tiếp tục. Chúng ta phải tiếp tục đổi mới, không thể dừng lại ở kết quả nào đó.

. Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng.

Năm dấu ấn của ngành nội vụ trong nhiệm kỳ:

Công tác xây dựng thể chế: Ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật và văn bản quan trọng. Khối lượng xây dựng thể chế thời gian qua rất lớn nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6, Nghị quyết 56 của Quốc hội và hoàn thiện bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật trước đây không còn phù hợp.

- Tổ chức, sắp xếp bộ máy của các cơ quan hành chính: Đây là vấn đề được quan tâm trong nhiều nhiệm kỳ qua nhằm sắp xếp bộ máy cho tinh gọn, có hiệu lực, hiệu quả nhưng khác các lần trước đây, lần này sắp xếp có hiệu quả, bài bản hơn.

Công tác cải cách hành chính được thực hiện khá toàn diện trên sáu lĩnh vực: thể chế; thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy; nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức; tài chính công; chính phủ điện tử.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền: Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 99 đẩy mạnh phân cấp giữa Chính phủ với các bộ, ngành và phân cấp Chính phủ, các bộ, ngành với các địa phương và giữa địa phương cấp trên phân cấp cho cấp dưới, tập trung 10 lĩnh vực, tăng phân cấp lên.

Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát: Thủ tướng thành lập tổ công tác của Thủ tướng để kiểm tra công tác xây dựng thể chế và Chính phủ giao bộ trưởng Bộ Nội vụ là tổ trưởng tổ công tác về công vụ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm