Vậy làm sao để vợ/chồng có quyền định đoạt khối tài sản riêng của mình mà không ảnh hưởng đến người kia?
Nếu pháp luật Việt Nam có quy định về hôn ước thì rõ ràng việc định đoạt sở hữu tài sản của doanh nhân người Anh và vợ sẽ minh bạch, rõ ràng hơn.
Tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình mới đây của Bộ Tư pháp cho thấy việc lập hôn ước trước hôn nhân là cách ứng xử công bằng và tiến bộ. Đây là một vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được pháp luật quy định.
Về việc phân chia tài sản của vợ chồng, Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) hiện hành chỉ dự liệu duy nhất một chế độ tài sản pháp định.
Luật đang cứng nhắc
Theo đó, luật quy định chung cho tất cả các cặp vợ chồng về căn cứ xác định tài sản chung, riêng; về phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn… Chẳng hạn Điều 27 Luật HN&GĐ quy định tài sản chung của vợ chồng là tài sản có trong thời kỳ hôn nhân, khi đăng ký quyền sở hữu tài sản chung thì phải có tên cả vợ và chồng, khi xác nhận tài sản riêng của vợ hoặc chồng phải chứng minh… Dù tài sản đó là do mỗi người (vợ/chồng) làm ra sau khi kết hôn thì luật đương nhiên xem đó là tài sản chung của cả hai vợ chồng. Khi có tranh chấp, khối tài sản chung này được chia theo nguyên tắc tỉ lệ 50/50, có tính thêm công sức đóng góp của mỗi bên.
Việc lập hôn ước trước hôn nhân là cách ứng xử công bằng và tiến bộ khi phân chia tài sản trong ly hôn. Ảnh minh họa: HTD
Theo các chuyên gia pháp luật, trên thực tế với những trường hợp vợ chồng có nhiều tài sản riêng, công ty riêng… thì cách phân chia tài sản vợ chồng duy nhất như trên là cứng nhắc, dễ gây thiệt thòi cho người dân.
Cưới xong đi… lập di chúc
Mới đây, tỉ phú LA cho biết ông đã tự bảo vệ khối tài sản của mình bằng một bản… di chúc. Theo ông A., ngay sau khi cưới hai vợ chồng ông ra phường sửa lại bản di chúc ông đã lập trước đó. Ông kể: “Trong di chúc mới nhất có nói rằng tài sản gồm a, b, c… do tôi hình thành trước khi lấy vợ. Toàn bộ tài sản tôi dành cho Từ thiện LA do tôi làm chủ tịch, vợ tôi làm phó chủ tịch. Vợ tôi được kế thừa chứ không được quyền thừa kế khối tài sản trên, tức vợ chỉ thay tôi làm từ thiện chứ không có quyền định đoạt khối tài sản đó”.
Tuy nhiên, các chuyên gia luật cho rằng cách làm trên của tỉ phú A. gần như không có giá trị pháp lý trong việc không cho vợ thừa kế. Giá như ông được quyền lập hôn ước thì ông dễ dàng bảo vệ khối tài sản riêng của mình. Luật sư Nguyễn Hoàng Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo Điều 669 Bộ luật Dân sự thì vợ ông A. là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Theo đó, vợ ông sẽ được hưởng ít nhất 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật đối với số tài sản của chồng cho dù trong di chúc ông có chia tài sản cho bà hay không, trừ khi vợ ông từ chối nhận di sản hoặc trở thành người không có quyền hưởng di sản vì giả mạo di chúc, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng với chồng… (theo Điều 643 BLDS).
Cần đảm bảo quyền sở hữu tài sản của cá nhân
Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Luật HN&GĐ Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng luật cần công nhận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận để đảm bảo quyền sở hữu tài sản cá nhân cho những trường hợp như tỉ phú A. Đây là chế độ tài sản ước định, còn gọi là thỏa thuận tiền hôn nhân về tài sản (gọi tắt là hôn ước). Về nguyên tắc, hôn ước được lập trước khi hai người kết hôn. Trong trường hợp này, nếu luật đã công nhận hôn ước và nếu vợ chồng ông A. đi lập hôn ước trước khi kết hôn với những nội dung như trên thì luật sẽ ưu tiên giải quyết theo hôn ước, tức theo mong muốn của hai người.
Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết ông đang giải quyết một vụ kiện tranh chấp tài sản vợ chồng sau hôn nhân khá điển hình. Nguyên đơn là một doanh nhân quốc tịch Anh và vợ cũ là bà B. Theo doanh nhân người Anh, bà B. đã lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông bằng cách âm thầm chuyển nhượng hết nhà đất trị giá hàng chục tỉ đồng mà ông ủy quyền cho bà quản lý để chiếm đoạt hết tài sản trước khi ly hôn.
Theo luật sư Trương Xuân Tám, nếu pháp luật Việt Nam có quy định về hôn ước thì rõ ràng việc định đoạt sở hữu tài sản của doanh nhân người Anh và vợ sẽ minh bạch, rõ ràng hơn. Giải quyết tranh chấp giữa đôi vợ chồng nói trên căn cứ vào hôn ước sẽ rất dễ dàng, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mỗi bên.
Chín tỉnh, thành trong cả nước (TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng việc lập hôn ước trước hôn nhân là cách ứng xử công bằng và tiến bộ. Nó trợ giúp kế hoạch dự trù tài sản riêng hay tài sản chung trong hôn nhân, giúp giảm thiểu xung đột và tiết kiệm án phí tranh tụng trong trường hợp ly hôn… Thêm vào đó, việc lập hôn ước có thể củng cố vững chắc quan hệ vợ chồng, bởi nếu hiểu rõ ràng ý kiến của nhau về tiền bạc, tài sản sẽ giúp cuộc hôn nhân lâu bền hơn. Bên cạnh đó, việc thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn còn bảo đảm cho một cam kết hôn nhân thực sự chứ không vụ lợi và làm giảm tranh chấp khi ly hôn. (Nguồn: Báo cáo trong đợt tổng kết thi hành Luật HN&GĐ Tâm lý Á Đông của chúng ta nặng về tình cảm nên người ta không quen rạch ròi về tài sản trước khi kết hôn để rồi về chung sống với nhau nhiều khi mâu thuẫn lại phát sinh từ chính chỗ không rõ ràng đó. Nên rõ ràng ngay từ đầu để tình cảm được bền lâu. Bà NGUYỄN THỊ THƯƠNG, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Luật cứ công nhận hôn ước để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền làm chủ tài sản của mình. Còn việc sử dụng quyền này hay không là chuyện của họ, luật không bắt buộc vợ chồng phải ký hôn ước trước khi kết hôn. TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trưởng bộ môn Luật HN&GĐ |
THANH MẬN