Mới đây, TAND huyện Nhà Bè, TP.HCM đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản giữa ông LVU với bà TTTD.
Chia tay, kiện người cũ đòi lại nhà
Theo đơn khởi kiện, ông U. trình bày: Trước đây ông có quan hệ tình cảm với bà D. Ngày 26-6-2014, ông có lập giấy tay tặng cho bà D. một căn nhà có diện tích 80 m2 ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Đến năm 2016 hai người chia tay.
Theo ông U., sau đó do bà D. “dùng giấy tặng cho nhà để làm áp lực” nên ông yêu cầu tòa hủy giấy trên và buộc bà D. phải trả lại nhà cho ông vì giao dịch này vô hiệu.
Khi tòa mời đến làm việc, bà D. xác nhận ông U. có lập giấy tặng cho bà căn nhà nói trên, sau đó hai người cùng chung sống trong căn nhà này. Trong quá trình ở chung, bà có đóng góp tiền, công sức sửa chữa nhà nhưng bà không yêu cầu tòa xem xét mà chỉ đề nghị ông U. hỗ trợ di dời cho bà 50 triệu đồng để bà tìm nơi ở mới. Nếu ông U. không hỗ trợ thì bà sẽ không đồng ý hủy giấy tặng cho nhà, không trả lại nhà, đất cho ông U.
Giao dịch vô hiệu do có vi phạm
Tại phiên xử sơ thẩm mới đây, HĐXX nhận định: Do có quan hệ tình cảm nên ngày 26-6-2014, ông U. có lập giấy tay tặng cho bà D. căn nhà. Tuy nhiên, đến ngày 4-7-2014 ông mới được UBND huyện Nhà Bè cấp giấy đỏ. Theo bản đồ hiện trạng vị trí xác định ranh do Trung tâm Đo đạc bản đồ (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) lập thì toàn bộ căn nhà tranh chấp thuộc thửa đất được cấp giấy đỏ nói trên.
Như vậy, tại thời điểm lập giấy tặng cho nhà, ông U. chưa được Nhà nước cấp giấy đỏ. đồng thời việc lập hợp đồng tặng cho bất động sản không được công chứng, chứng thực là vi phạm quy định tại các điều 134, 467 BLDS 2005. Do đó, yêu cầu của ông U. đề nghị hủy giấy tặng cho nhà do vô hiệu vì vi phạm điều cấm của pháp luật và không tuân thủ quy định về hình thức là có căn cứ chấp nhận.
Về xử lý hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu, theo HĐXX, theo quy định tại Điều 137 BLDS 2005 thì cần buộc bà D. phải giao trả căn nhà cho ông U. ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Về lỗi, HĐXX xét thấy ông U. có lỗi hoàn toàn trong giao dịch vô hiệu này. Lý do, ông là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nên đủ nhận thức được việc định đoạt bất động sản khi chưa được Nhà nước công nhận là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện. do các bên đương sự xác nhận là không có thiệt hại xảy ra nên HĐXX không xem xét.
Đối với trình bày của bà D. cho rằng bà có công sức đóng góp, sửa chữa trong quá trình sử dụng căn nhà, HĐXX nhận định điều này là có cơ sở. Bởi tại biên bản hòa giải hồi tháng 3-2018, đại diện theo ủy quyền của ông U. cũng xác nhận căn nhà do ông U. và bà D. cùng xây dựng, không có giấy phép. Theo biên bản định giá tài sản, giá trị xây dựng căn nhà là gần 265 triệu đồng. Do trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bà D. không yêu cầu tòa giải quyết về vấn đề này nên HĐXX không xem xét. nếu sau này bà D. có yêu cầu sẽ xem xét trong vụ kiện khác.
Về số tiền hỗ trợ bà D. di dời, tại phiên tòa các bên trình bày là sẽ tự thỏa thuận và thực hiện với nhau, không yêu cầu tòa giải quyết. Về các chi phí tố tụng, ông U. đã nộp 2 triệu đồng chi phí định giá tài sản và không yêu cầu hoàn lại.
Từ đó HĐXX đã tuyên hủy giấy tặng cho nhà, tuyên buộc bà D. phải trả nhà và đất cho ông U.
Tặng cho nhà, đất phải lập văn bản có công chứng Theo Điều 134 BLDS 2005, trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu. Theo Điều 467 BLDS 2005, tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản. |