TAND cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp đòi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa ông MT (Việt kiều Mỹ, 66 tuổi) và bà O. (30 tuổi, người yêu cũ).
Chia tay đòi “quà”
Theo hồ sơ, tháng 8-2015, ông MT khởi kiện tại TAND tỉnh Long An yêu cầu bà O. trả 132 m2 đất và căn nhà hai tầng tọa lạc trên phần đất này.
Ông MT trình bày tháng 11-2012, ông đã đem 300 triệu đồng mua 132 m2 đất và một căn nhà cấp 4 (chưa tô) tại ấp Tân Điền, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, Long An. Vì ông có quốc tịch Mỹ và vào thời điểm này Nhà nước chưa cho phép người nước ngoài được đứng tên nhà đất tại Việt Nam nên ông đã để bà O. đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giùm.
Đến năm 2014, ông đã chuyển tổng cộng 22.400 USD qua 18 giấy chuyển tiền về Việt Nam để bà O. hoàn thiện căn nhà. Ngoài ra ông cũng đã ba lần tạm trú tại ngôi nhà này. Nay ông yêu cầu bà O. trả lại đất và toàn bộ căn nhà.
Phủ nhận, bà O. khai 300 triệu đồng là bà vay mượn từ người chị ruột. Năm 2014, bà O. tiến hành sửa chữa và hoàn thiện căn nhà cấp 4 thành nhà ở hai tầng, diện tích 97 m2, xây dựng sân trước nhà có diện tích 28 m2. Theo bà, tất cả hợp đồng mua bán do bà thực hiện và 300 triệu đồng là tiền của bà. Giữa ông MT và bà có ký hợp đồng mua bán nhà đất nhưng không có ghi ngày tháng năm do hợp đồng này chưa thực hiện.
Trong quá trình tố tụng, luật sư phía bà cho biết giữa nguyên đơn và bị đơn sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn và sau đó phát sinh mâu thuẫn, chia tay…
Tòa sơ thẩm: Trả lại tiền mua nhà đất
Xử sơ thẩm giữa năm, TAND tỉnh Long An xét: Căn cứ lời khai của người bán và người môi giới mua bán nhà đất đều xác định ông MT là người trực tiếp trả số tiền 290 triệu đồng mua nhà, đất. Ngoài ra, năm 2013, sau khi phát sinh mâu thuẫn, ông MT và bà O. đã ký một hợp đồng với nội dung bà O. chuyển nhượng lại nhà đất này cho ông MT với giá 300 triệu đồng, hai bên đều thừa nhận không có đưa và nhận số tiền này. Như vậy, theo tòa thực chất đây là việc bà O. trả lại đất và nhà cho ông MT. Bởi lẽ nếu số tiền 300 triệu đồng là của bà O. thì không có lý do gì bà chuyển trả đất và nhà nói trên cho ông MT…
Từ đó, HĐXX thấy có cơ sở 300 triệu đồng chuyển nhượng nhà đất vào năm 2012 là của ông MT. Do đó, tòa tuyên giao cho bà O. được quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, buộc bà O. có nghĩa vụ hoàn trả cho ông MT tổng cộng gần 300 triệu đồng.
Ngoài ra, về tranh chấp số tiền sửa chữa, hoàn thiện căn nhà, tòa sơ thẩm xét trong quá trình giải quyết vụ án, ông MT cho rằng năm 2014, từ Mỹ ông có gửi 22.400 USD qua các công ty về cho bà O. sửa chữa, hoàn thiện căn nhà. Phía bà O. lại cho rằng số tiền sửa chữa và hoàn thiện căn nhà là tiền riêng của bà. Tiền ông MT gửi về (gửi nhiều lần, mỗi lần khoảng 100 USD, 200 USD) là để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.
Theo tòa, nguyên đơn có cung cấp một số bản phôtô giấy chuyển tiền, nhận tiền của ba công ty chuyển tiền cho bà O. Tuy nhiên, các giấy tờ này không có công chứng, chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nên đây không được coi là chứng cứ theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Từ đó tòa đã bác yêu cầu này của nguyên đơn.
Tòa phúc thẩm: Không phải trả lại
Mới đây, xử phúc thẩm do có kháng cáo, HĐXX đã sửa án, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện đòi nhà và đất của nguyên đơn.
Cụ thể, tòa phúc thẩm đồng tình với cấp sơ thẩm khi bác yêu cầu của ông MT đòi toàn bộ số tiền bà sửa chữa và hoàn thiện căn nhà vào năm 2014. Đồng thời, tòa sửa án, bác luôn phần đòi lại giá trị tiền mua nhà đất gần 300 triệu đồng của phía nguyên đơn. Theo tòa, cấp sơ thẩm sử dụng lời khai của người bán để chấp nhận việc khởi kiện là không đúng vì trong hồ sơ có hẳn giấy tờ cọc và hợp đồng giao tiền do bà O. ký. Nếu đối chiếu theo lời khai người bán mà cấp sơ thẩm sử dụng tức ông này đã nhận tiền hai lần, cả từ ông MT lẫn bà O… Thường thì tòa sẽ sử dụng lời khai của người làm chứng trong trường hợp không có chứng cứ nào khác và lời khai đó hợp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp này có chứng cứ mà lời khai của nhân chứng thì lại không phù hợp.
Xử án dân sự thường các thẩm phán sẽ trọng chứng hơn trọng cung. Nguyên tắc: Chỉ khi không có chứng cứ, thẩm phán mới phải dựa vào lời khai của các bên và nhân chứng để làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Lời khai thì phải qua phân tích, đánh giá tính hợp lý của nó và thường dễ bị thay đổi theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, các tranh chấp dân sự rất đa dạng, phức tạp, muôn hình vạn trạng. Đi tìm sự thật khách quan thì không dễ, phải đánh giá, phân tích những chứng cứ giấy tờ và lời khai của các đương sự. Hiện Luật Nhà ở năm 2014 đã cho phép người nước ngoài và Việt kiều được mua nhà. Theo Điều 76 Nghị định 99/2015, Việt kiều được quyền mua căn hộ và nhà ở riêng lẻ với số lượng theo quy định. Vì vậy Việt kiều không nên nhờ người khác đứng tên mua nhà vì dễ xảy ra tranh chấp sau này. Một thẩm phán chuyên xử dân sự tại TP.HCM |