Chiến dịch đóng cửa Bangkok: Thái Lan siết chặt an ninh

Sau khi nội các tạm quyền ban hành sắc lệnh áp dụng tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày bắt đầu từ ngày 22-1 tại thủ đô Bangkok, tỉnh Nonthaburi, huyện Bangplee (tỉnh Samut Prakan) và huyện Lad Lumkaew (tỉnh Pathum Thani), ngày 22-1, Thủ tướng tạm quyền Yingluck đã ra thông báo trao quyền hạn cho các cơ quan chức năng để thực hiện sắc lệnh trên.

Lãnh đạo biểu tình thách thức

Tại cuộc họp báo ở Bangkok, Tư lệnh lục quân hoàng gia Prayuth Chan-ocha cho biết theo sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, cảnh sát sẽ đóng vai trò chỉ huy trong công tác duy trì an ninh và trật tự. Quân đội sẽ hỗ trợ các bên và chỉ can thiệp khi xảy ra bạo lực ngoài tầm kiểm soát.

Sáng 22-1, hàng trăm người biểu tình đã phong tỏa văn phòng của thư ký thường trực Bộ Quốc phòng ở đường Chaengwattana, nơi đặt văn phòng Trung tâm Giữ gìn hòa bình (thay thế cho Trung tâm Quản lý hòa bình và trật tự sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố).

Người biểu tình phá biển hiệu trụ sở cảnh sát hoàng gia ở Bangkok ngày 22-1. Ảnh: REUTERS

Tối hôm trước, phát biểu với những người biểu tình tại quận Pathumwan, lãnh đạo biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban tuyên bố phe biểu tình phản đối tất cả lệnh được ban hành dưới tình trạng khẩn cấp. Cố vấn của Mạng lưới sinh viên và nhân dân vì cải cách Thái Lan (chống chính phủ) Nitithorn Lumlua đã kêu gọi bắt cóc thủ tướng, phó thủ tướng và giám đốc cảnh sát.

Các nước kêu gọi các bên kiềm chế

Ngày 21-1 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf ra tuyên bố kêu gọi các bên ở Thái Lan kiềm chế bạo lực và tôn trọng pháp quyền. Tuyên bố khẳng định Mỹ lên án bạo lực và kêu gọi mở cuộc điều tra về các biến cố ở Bangkok, trong đó có hai vụ tấn công bằng lựu đạn làm một người chết.

Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi khuyến khích các bên liên quan cam kết đối thoại thành tâm để giải quyết các bất đồng chính trị một cách ôn hòa và dân chủ”.

Ngày 22-1, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga tuyên bố Nhật lo ngại sâu sắc trước tình hình bất ổn ở Thái Lan, Nhật hy vọng các bên không sử dụng vũ lực và tình hình chính trị Thái Lan sẽ được giải quyết thông qua đối thoại.

Ông cho biết Nhật đang nghiên cứu các biện pháp bảo đảm an toàn cho công dân Nhật ở Thái Lan cũng như bảo đảm các công ty Nhật ở Thái Lan hoạt động suôn sẻ.

Chính quyền đặc khu Hong Kong khuyến cáo cư dân Hong Kong không nên du lịch đến Bangkok đồng thời yêu cầu cư dân Hong Kong ở Bangkok phải chú ý đến an toàn cá nhân và tránh xa các địa điểm biểu tình.

Hãng hàng không Singapore Airlines (Singapore) thông báo hủy thêm 24 chuyến bay giữa Singapore và Bangkok từ ngày 23-1 đến 27-2, nâng tổng số chuyến bay đến Bangkok bị hủy lên tổng cộng 47 chuyến tính từ ngày chiến dịch đóng cửa Bangkok bắt đầu (13-1).

Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Isara Wongkusolkij cảnh báo sắc lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ làm tổn hại hình ảnh đất nước và khiến du khách nước ngoài không dám đến Thái Lan. Ông dự báo trong ngắn hạn, số du khách nước ngoài đến Thái Lan sẽ giảm mạnh.

LÊ LINH

 

Trục xuất công dân nước ngoài

Báo The Nation (Thái Lan) cho biết các quyền hạn được trao gồm:

- Bắt giữ người bị tình nghi gây ra tình huống khẩn cấp hoặc người phát tán thông tin dẫn đến tình huống khẩn cấp.

- Triệu tập lấy lời khai hoặc bắt buộc giao tài liệu, bằng chứng liên quan đến tình huống khẩn cấp.

- Ra lệnh tịch thu vũ khí, hàng hóa, hóa chất hay vật dụng nào phục vụ cho việc tạo ra hoặc hỗ trợ tình huống khẩn cấp.

- Ra lệnh lục soát hoặc phá hủy nhà cửa, vật kiến trúc nếu cần thiết để chấm dứt tình huống khẩn cấp trong thời gian sớm nhất.

- Ra lệnh kiểm tra thư từ, sách báo, ấn phẩm, điện tín, nội dung điện thoại và các hình thức thông tin liên lạc khác. Ngăn chặn hoạt động của phương tiện truyền thông nhằm ngăn ngừa rủi ro.

- Cấm các hoạt động cụ thể nào đó để giữ an ninh quốc gia và an toàn cho dân.

- Cấm công dân xuất cảnh khi có lý do tin rằng an ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng.

- Ra lệnh cho công dân nước ngoài rời Thái Lan khi có lý do tin rằng người đó đang hỗ trợ cho hoạt động dẫn đến tình huống khẩn cấp.

- Yêu cầu phải xin phép trước khi bán/mua, sử dụng hay tàng trữ vũ khí, hàng hóa, thuốc men, hóa chất hay vật phẩm nào có thể được sử dụng để tạo ra tình huống khẩn cấp.

- Ra lệnh cấm hoặc phong tỏa giao thông hoặc phong tỏa các tuyến đường ở khu vực nằm trong tình trạng khẩn cấp.

- Yêu cầu quân đội bổ nhiệm các chỉ huy để thực hiện các biện pháp giải quyết tình huống khẩn cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới