47 năm Ngày thành lập Quân đoàn 3:

Chiến thắng ở mặt trận Tây Nguyên góp phần kết thúc cuộc chiến sớm

(PLO)- Mặt trận Tây Nguyên cùng nhân dân Tây Nguyên kiên cường anh dũng vượt qua mọi khó khăn, thiếu đói bệnh tật do xa hậu phương...

Ngày 24-4, ban Liên lạc Mặt trận Tây Nguyên (B3) - Quân đoàn 3 tổ chức họp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022) và 47 năm Ngày thành lập Quân đoàn 3 (26/3/1975 - 26/3/2022).

Tham dự họp mặt có các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tướng lĩnh quân đội các thời kỳ, đại diện các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, thân nhân gia đình các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 tại TP.HCM và khu vực phía Nam.

Ôn lại lịch sử hào hùng, Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, cho biết Mặt trận Tây Nguyên được Bộ Chính trị ra quyết định thành lâp ngày 1-5-1964, lấy phiên hiệu chiến trường B3.

Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng ôn lại quá truyền thống hào hùng của Mặt trận B3. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Mặt trận Tây Nguyên được giao nhiệm vụ xây dựng Tây Nguyên thành chiến trường tiêu diệt lớn, có đội quân chủ lực mạnh làm nòng cốt thúc đẩy ba thứ quân phát triển; tiêu diệt, tiêu hao nhiều và rộng rãi sinh lực, phương tiện chiến tranh, thu hút và giam chân lực lượng cơ động của địch; tạo điều kiện cho đồng bằng và thành phố nổi dậy, phối hợp chặt với Trị - Thiên, Đông Nam bộ và các chiến trường khác tiến công địch trong những thời cơ chiến lược.

Khi thành lập, Mặt trận Tây Nguyên được Bộ Tổng Tư lệnh điều động bổ sung các đơn vị chủ lực từ miền Bắc hành quân vào gồm: Trung đoàn 320, Trung đoàn 101 thuộc Sư đoàn 325; Trung đoàn 66, các tiểu đoàn đặc công và một số đơn vị binh chủng của các quân khu cùng nhiều cán bộ, tướng lĩnh có bản lĩnh, năng lực, tư duy nghệ thuật quân sự sắc sảo.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 3 được Bộ Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu từ hướng Tây Bắc vào Sài Gòn.

Nhiệm vụ là tiêu diệt căn cứ Sư đoàn 25 ở Đồng Dù, chặn và tiêu diệt lực lượng Sư 25 từ Củ Chi đến Trảng Bàng, không cho co về Sài Gòn; tổ chức lực lượng đột kích mạnh binh chủng hợp thành thọc thẳng vào Sài Gòn đánh chiếm chủ yếu sân bay Tân Sơn Nhất.

Các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tướng lĩnh quân đội các thời kỳ và thân nhân gia đình các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Tây Nguyên dự họp mặt. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Trung tướng Nguyễn Đức Hải đánh giá người lính B3 cùng nhân dân Tây Nguyên đã kiên cường anh dũng vượt qua mọi khó khăn, thiếu đói bệnh tật do xa hậu phương. Các đơn vị của Mặt trận Tây Nguyên tuy tác chiến trong điều kiện khó khăn thiếu thốn nhưng được sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sự phối hợp, hiệp đồng của các lực lượng vũ trang tại chỗ đã tạo nên sức manh tổng hợp đánh bại các đợt tiến công, các căn cứ phòng thủ kiên cố của địch hòa thành xuất sắc các nhiệm vụ mà chiến dịch giao

Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Chủ nhiệm Tổng Cục hậu cần, Bộ Quốc phòng xúc động: "Chúng ta may mắn có mặt hôm nay để tưởng nhớ về đồng đội đã ngã xuống vì đất nước. Đây là dịp để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ôn lại truyền thống vẻ vang của Binh đoàn Tây Nguyên, nhớ về một thời gian khó cạn nguồn tiếp tế nhưng vẫn bám vào dân để chiến đấu đầy oanh liệt".

Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú, nhấn mạnh lực lượng vũ trang Tây Nguyên được giao nhiệm vụ mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng Tây Nguyên đã bổ sung vào quyết tâm giải phóng miền Nam, kết thúc cuộc chiến sớm hơn dự kiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới