Chiều nay, Quốc hội thông qua dự thảo 1 luật sửa 7 luật về tài chính - ngân sách

(PLO)- Quốc hội sẽ thông qua dự thảo 1 luật sửa 7 luật liên quan đến tài chính - ngân sách với nhiều nội dung quan trọng, có lợi cho người dân, doanh nghiệp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo nghị trình dự kiến, chiều nay 29-11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 7 luật).

Ngoài ra, các dự án 1 luật sửa 4 luật về đầu tư, Luật Đầu tư công sửa đổi... cũng sẽ được Quốc hội thông qua trong chiều nay.

Đề xuất không bắt buộc giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phần của người lao động

Trước đó, nêu ý kiến trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án luật này ngày 7-11, ĐB Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) đã đề cập đến vấn đề giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phần của người lao động.

Cụ thể, ông nói khoản 5, 6 Điều 36 Luật Chứng khoán hiện hành quy định về việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu thì phải giảm vốn vốn Điều lệ, áp dụng cho cả trường hợp mua lại cổ phiếu của người lao động. “Điều này làm phát sinh nhiều thủ tục, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý” – ông Hiển nói.

Nêu rõ nguyên nhân, ĐB Hiển cho hay các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thường có chủ trương phát hành cổ phiếu (ưu đãi) cho người lao động. Theo thông lệ, những cổ phần này sẽ được doanh nghiệp sẽ mua lại trong một số trường hợp, như người đó nghỉ việc trước thời hạn hoặc vi phạm quy chế phát hành.

Sau khi thực hiện các thao tác trên thì doanh nghiệp phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông Thường niên để được thông qua việc giảm vốn điều lệ, phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ (dù số lượng cổ phiếu mua lại có thể chỉ là rất ít). Cơ quan quản lý, giám sát cũng phải có trách nhiệm cấp lại giấy đăng ký doanh nghiệp, phải giám sát việc mua lại cổ phiếu giảm vốn điều lệ đảm bảo tuân thủ quy định…

Do vậy, ông Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 36 của Luật Chứng khoán theo hướng không quy định bắt buộc giảm vốn điều lệ khi doanh nghiệp mua lại cổ phần của người lao động trong doanh nghiệp.

Chiều nay, Quốc hội thông qua dự thảo 1 luật sửa 7 luật về tài chính - ngân sách
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Ảnh: PHẠM THẮNG

Về vấn đề này, ông Hồ Đức Phớc - khi đó là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thông tin quy định bán cổ phần thì phải giảm vốn điều lệ được kế thừa theo Luật Doanh nghiệp. “Thời điểm năm 2019 khi sửa Luật Kiểm toán, kế thừa Luật Doanh nghiệp đã quy định điều này nên Luật Chứng khoán năm 2019 vẫn tiếp tục theo Luật Doanh nghiệp” – ông Phớc nói và cho hay cơ quan chủ trì dự kiến đưa nội dung này vào vấn đề ngoại trừ.

Đánh giá ý kiến của đại biểu là hợp lý, Phó Thủ tướng cho hay sẽ điều chỉnh theo hướng để cơ quan phát hành mua lại và bán lại cho chủ sở hữu khác mà không giảm vốn điều lệ. Việc này cũng nhằm tạo thuận lợi cho người lao động bán cổ phần của mình.

Rà soát kỹ quy định "phải có báo cáo vốn điều lệ đã góp"

ĐB Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) thì nêu: Chính phủ đề xuất hồ sơ chào bán ra công chúng thì phải có báo cáo vốn điều lệ đã góp trong thời gian 10 năm tính đến thời điểm đăng ký chào bán số cổ phiếu lần đầu ra công chúng được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập (khoản 3 Điều 18).

“Việc này sẽ phát sinh thêm thời gian, chi phí và có thể gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp… Do vậy, cần rà soát rất kỹ lưỡng” – ông Toàn đề nghị và giải thích việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là một nội dung rất quan trọng để xác định vốn điều lệ thực góp và tổng số vốn, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng, số cổ phần này sẽ được lưu hành tiếp tục ở thị trường thứ cấp.

nguyen-huu-toan-lai-chau.jpg
ĐB Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu). Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo ông, nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác thì đó là sự đánh tráo đối với toàn bộ các nhà đầu tư ngay từ lần mua đầu đến những lần mua tiếp theo. ĐB Toàn cũng dẫn điển hình là công ty PHAROS của FLC từ vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỉ đồng sau năm lần tăng vốn điều lệ trong ba năm 2014-2016 đã tăng vốn lên 4.300 tỉ đồng.

Hay gần đây nhất là trong vụ án Sài Gòn - Đại Ninh của ông Nguyễn Cao Trí cũng qua nhiều lần phù phép tương tự đã nâng vốn lên 2.000 tỉ đồng. “Hệ lụy rất lớn cho cả thị trường” – ĐB Toàn nhấn mạnh và nhìn nhận kiểm toán là yếu tố cần để đảm bảo cho thị trường chứng khoán được minh bạch, trong sạch. Nếu quy định có kiểm toán vốn điều lệ thì sẽ không xảy ra trường hợp như PHAROS và một số trường hợp khác.

Ông Toàn cũng đề nghị rút ngắn thời gian kiểm toán góp vốn điều lệ từ 10 năm theo đề xuất của Chính phủ xuống có thể là năm năm để đảm bảo tiết kiệm hơn chi phí.

Làm rõ thêm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc phát hành ra công chúng phải kiểm toán và đặc biệt là vốn điều lệ ban đầu.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, vốn điều lệ ban đầu khi thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền kê khai và tự chịu trách nhiệm. Một doanh nghiệp khi lập ra trên tài khoản không có tiền, trụ sở cũng không có nhưng lại ghi vốn điều lệ là 10.000 tỉ, thậm chí là 20.000 tỉ không có ai kiểm tra, kiểm soát.

Trước đó, tại Phiên họp 39 diễn ra ngày 19-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn liên quan đến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo 1 luật sửa 7 luật.

Sau khi nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khi đó cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc bổ sung sửa đổi hai luật là Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Thuế thu nhập cá nhân vào dự án luật này, đồng thời sửa đổi tên gọi của dự án luật.

Về lý do, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm