Chiều 29-10, các đại biểu thảo luận tại tổ về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Rà soát kỹ những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm
Đề cập đến các hành vi bị nghiêm cấm được bổ sung đối với Luật Chứng khoán, đại biểu (ĐB) Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM), cho biết việc bổ sung được dựa trên cơ sở tham khảo các quy định về tội thao túng thị trường chứng khoán quy định tại khoản 1 Điều 211 BLHS về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Theo quy định của BLHS, các hành vi này chỉ bị coi là tội phạm khi thực hiện với lỗi cố ý, thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, các hành vi được bổ sung vào hành vi bị nghiêm cấm của dự thảo Luật lại không thể hiện được các yếu tố cấu thành nêu trên.
Ông Hiển cũng nhìn nhận trong số các quy định được bổ sung vào hành vi bị nghiêm cấm này, có quy định mà cách diễn đạt có thể dẫn đến nhầm lẫn với hành vi mang tính chất nghiệp vụ thông thường của các công ty chứng khoán, các thành viên thị trường hoặc nhà đầu tư.
Nêu dẫn chứng, ĐB đoàn TP.HCM cho biết việc mua, bán chứng khoán với số lượng lớn, chi phối vào thời điểm mở hoặc đóng cửa thị trường là hoạt động bình thường và cần thiết trong hoạt động quản lý quỹ, không nhằm mục đích thao túng thị trường. Biến động giá đóng cửa hoặc giá mở cửa của loại chứng khoán đó trong cùng phiên giao dịch hoặc phiên là hệ quả hợp lý theo quy luật cung - cầu.
Việc quy định nghiêm cấm hành vi “liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường” cũng cần xét đến động cơ thao túng thị trường nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Theo ông, quy định này thậm chí còn tạo rủi ro lớn cho hoạt động của các quỹ đầu tư trong nước cũng như quốc tế khi tham gia thị trường Việt Nam.
“Cần rà soát kỹ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, bảo đảm không lẫn lộn với hành vi hoạt động nghiệp vụ thông thường” – ĐB Đỗ Đức Hiển nói.
Một khía cạnh khác được ông Hiển đề cập đến là về hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng và hồ sơ đăng ký công ty đại chúng. Theo đó, việc Ủy ban chứng khoán xem xét kỹ lưỡng về hồ sơ của các doanh nghiệp (góp vốn, tăng vốn, tránh dòng vốn ảo, vốn khống…) trước khi tham gia thị trường chứng khoán là cần thiết nhằm phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
“Dù vậy, vấn đề này hiện đang có khoảng trống pháp luật” – ông nói và đề nghị bổ sung quy định trong thành phần hồ sơ phải có báo cáo về vốn điều lệ đã góp trong thời hạn 10 năm vào dự thảo luật.
Theo ĐB Hiển, báo cáo này được tính đến thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập. Trường hợp doanh nghiệp thành lập dưới 10 năm thì tính từ thời điểm thành lập. “Đây sẽ là một trong những giải pháp để khắc phục vướng mắc, chống việc góp vốn khống, vốn ảo khi đưa ra thị trường chứng khoán, đảm bảo sự công khai, minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư” – ông nhấn mạnh.
Mặt khác, quy định này cũng giúp việc xem xét, chấp thuận chào bán chứng khoán ra công chúng lần đầu và đăng ký công ty đại chúng được rút ngắn. Tính chính xác và trung thực của hồ sơ sẽ được đảm bảo hơn do đã được tổ chức kiểm toán là đơn vị chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu trong lĩnh vực thực hiện kiểm toán.
Tránh rơi vào câu chuyện "không quản được thì cấm"
Phát biểu sau đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) bày tỏ tán thành với đề xuất nêu trên của ĐB Đỗ Đức Hiển. Bởi ở đây đang đụng đến tư duy 'không quản được thì cấm'.
Ông Nghĩa khẳng định có những hành vi thông thường, thông lệ trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế nhưng người ta lợi dụng, lạm dụng, gian lận và phát sinh ra những vi phạm lớn.
“Chúng ta phải chống điều này thì đúng rồi nhưng chống bằng cách đề ra một điều cấm mà điều cấm đó lại liên quan đến thông lệ của thị trường, lúc này lại rơi vào câu chuyện ‘không quản được thì cấm’” – ĐB Nghĩa nói và đề nghị thiết kế điều cấm một cách cụ thể hơn, nói rõ hơn, càng là điều cấm thì càng phải rõ ràng.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, thị trường chứng khoán Việt Nam giờ đã trưởng thành rồi, nước ngoài tham gia rất nhiều, nếu quy định điều gì không phù hợp với thông lệ là ảnh hưởng ngay lập tức, họ sẽ rút vốn, thoái vốn khỏi thị trường.
Ông Nghĩa đề nghị tất cả những điều cấm trong luật đang sửa nên có một câu: “Nếu vi phạm những điều cấm trên đây thì sẽ bị xử phạt hành chính theo pháp luật hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự nếu vi phạm pháp luật hình sự”. Có như thế, khi đọc những điều cấm, người ta sẽ biết ngay người ta rơi vào trường hợp nào. Bởi có những trường hợp vi phạm điều cấm một cái là có khi cơ quan điều tra vào cuộc ngay nhưng đó chỉ là vi phạm hành chính.
“Khi sửa Luật Chứng khoán và bổ sung thêm hành vi thao túng thị trường vào điều cấm thì cần xem lại nghị định xử phạt vi phạm hành chính cho đồng bộ” – ĐB Nghĩa nói.
Sửa quy định để người dân yên tâm bỏ tiền đầu tư
ĐB Lê Quân (đoàn Hà Nội) nhìn nhận thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả với doanh nghiệp. “Tuy nhiên, sau các vụ việc vừa rồi, tôi thấy rất khó tin khi mang tiền cho người khác tiêu. Trong bối cảnh không minh bạch, không kiểm soát được thì sẽ rủi ro” – ông nói.
Trước một số vụ án nghiêm trọng liên quan đến mua bán trái phiếu và thao túng thị trường chứng khoán xảy ra gần đây, ông Quân đề nghị lần này sửa cần quản lý chặt hơn việc phát hành trái phiếu, kiểm soát sự minh bạch, công khai trên thị trường trái phiếu.
Bởi điều này sẽ giúp người dân yên tâm hơn khi bỏ tiền đầu tư. Mà muốn như vậy cần gắn trách nhiệm các đơn vị kiểm toán, định giá; siết các quy định về hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán, trái phiếu.
TRỌNG PHÚ