Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Thả ra nhưng phải kiểm soát được, không để rủi ro'

(PLO)- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong đại biểu ủng hộ Chính phủ, nếu dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) được thông qua sẽ là bước đột phá rất mạnh của Quốc hội khóa này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 29-10, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Tại đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã dành thời gian làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm, đặc biệt là những băn khoăn, lo ngại đặt ra tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Luật được thông qua sẽ là bước đột phá rất mạnh

Cụ thể, về thời điểm thông qua dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trường hợp dự án Luật được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội cho thấy các nội dung đã rõ, đạt sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.

Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhận định dự án Luật mới được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, thời gian gấp, phạm vi sửa đổi lớn, Chính phủ mới chỉ lấy ý kiến các Bộ, ngành, UBND các tỉnh mà chưa lấy ý kiến HĐND là đối tượng chịu tác động lớn của dự án luật.

Cơ quan thẩm tra không đủ thời gian tổ chức các hội thảo, khảo sát lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là những nội dung mới, còn nhiều ý kiến khác nhau…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Thả ra nhưng phải kiểm soát được, không để rủi ro'
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Nêu ý kiến, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc thông qua dự án Luật tại một kỳ họp (kỳ 8) là vấn đề “rất quan trọng”.

“Các vấn đề được đề xuất lần này là cả quá trình rà soát, tổng kết, chọn lọc những vấn đề thực sự cấp bách, quan trọng đúng với tinh thần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển”- ông Dũng nói.

Mặt khác, việc sửa luật còn nhằm kịp thời thể chế hóa các quy định, chủ trương, quyết định của Đảng, Quốc hội; đặc biệt là đổi mới tư duy, từ “tư duy quản lý” sang “tư duy vừa quản lý, vừa mở, kiến tạo, thúc đẩy phát triển”.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, nếu lần này, dự án Luật được thông qua với những quyết sách thay đổi lớn sẽ giúp chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công trung hạn mới; đầu 2026, khi khóa mới quyết định vốn là có thể thực hiện được ngay. Nếu không, tới khóa sau mới thông qua thì công tác chuẩn bị mất khoảng 2-3 năm, khi đó đã gần hết nhiệm kỳ.

“Mong đại biểu ủng hộ Chính phủ, nếu dự án luật được thông qua, đây là bước đột phá rất mạnh của Quốc hội khóa này” - theo ông Nguyễn Chí Dũng.

Giao tối đa cho địa phương

Ông Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay Luật sửa đổi lần này thực hiện phân cấp, phân quyền rất mạnh. Hội nghị Trung ương 10 đã thống nhất theo hướng để địa phương quyết, địa phương làm và chịu trách nhiệm, giao tối đa cho địa phương.

Theo ông Dũng, Quốc hội sẽ phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân cấp cho Chính phủ, Chính phủ giao cho địa phương, HĐND giao cho UBND để linh hoạt trong điều hành. Đó là phân cấp rất mạnh mẽ.

“Một số đại biểu nói cấp xã năng lực hạn chế hơn, chưa quen… Chúng tôi ghi nhận, có thể thiết kế cấp trên một cấp quyết định có phân cấp hay không. Thấy năng lực không đủ thì không phân, hay năng lực không làm được thì rút. Ở đây không có nghĩa cái gì cũng phân cấp, vì phân cấp không làm được thì hoặc là làm sai, hoặc là nằm im ở đó cũng không được” - lời ông Dũng.

Vấn đề HĐND phân cấp cho UBND quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, C là nội dung Ủy ban Tài chính- Ngân sách băn khoăn. Ông Nguyễn Chí Dũng cho hay Luật Đầu tư công 2019 đã cho phép việc này nhưng trong trường hợp cần thiết. Thực tế, đã có 43 tỉnh phân cấp rồi.

Theo ông, ở đây chỉ thay đổi cấp quyết định chủ trương đầu tư, các vấn đề khác không thay đổi, vẫn đảm bảo phù hợp quy hoạch, kế hoạch. Chính phủ lấy ý kiến 63 tỉnh, thành, tất cả đều đồng ý.

"Làm thế nào để đơn giản hóa nữa đi, tất nhiên vẫn phải đảm bảo quản lý được nhưng phải thật sự đơn giản hóa, thuận lợi. Đồng thời, vẫn giám sát, kiểm tra được, vẫn đúng quy định chứ không phải mình thả gà ra mình đuổi. Thả ra nhưng phải kiểm soát được, không để rủi ro" - ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Tỉ lệ giải ngân thấp, nguyên nhân rất quan trọng do giải phóng mặt bằng

Một trong những nội dung quan trọng, dự thảo Luật đề xuất cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án.

Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính- Ngân sách thống nhất với đề xuất trên của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định chặt chẽ tại các điều, khoản để đảm bảo công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí. Cạnh đó, tổng thời gian bố trí vốn thực hiện hai dự án thành phần độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện dự án…

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là “vấn đề quan trọng”. Trước vấn đề nhiều dự án đầu tư công giải ngân chậm; dù bao nhiêu quyết sách, nỗ lực nhưng tỉ lệ giải ngân vẫn thấp, ông Dũng nói có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân rất quan trọng là giải phóng mặt bằng.

“Khi có quyết định đầu tư mới làm thủ tục giải phóng mặt bằng, khi đó mới đo đạc, kiểm đếm; tái định cư xong mới làm cái nọ, cái kia mất rất nhiều thời gian”- ông Dũng nói thêm.

Lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất tách bạch ba khâu trong quá trình dự án: chuẩn bị đầu tư (làm thủ tục) – giải phóng mặt bằng- thực hiện dự án xây lắp. “Tách bạch ba khâu, quy trách nhiệm cụ thể từng bước thì sẽ nhanh hơn”- theo Bộ trưởng KH&ĐT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm