Các đại biểu Quốc hội đang tranh luận việc áp thuế suất 5% với phân bón

(PLO)- Việc áp hay không áp thuế suất 5% với phân bón vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu tại diễn đàn Quốc hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 29-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Áp thuế GTGT 5% giúp ích rất lớn cho người dân

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết ông bày tỏ sự thống nhất với hầu hết các nội dung dự thảo luật nhưng còn băn khoăn về áp dụng thuế suất 5% thuế giá trị gia tăng (GTGT) với phân bón.

Ông Bình nói phân bón là nguyên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp. Do đó, nếu không áp thuế suất 5% với phân bón sẽ giúp ích rất lớn cho người nông dân trong bối cảnh chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp ngày một tăng cao.

áp thuế suất 5% với phân bón.jpg
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: QH

“Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, nếu áp dụng 5% thuế GTGT vào phân bón sẽ khiến chi phí sản xuất tăng, giá thành sản phẩm đầu ra cũng vì đó tăng theo. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến người nông dân, ảnh hưởng cả người tiêu dùng và ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát…” - ĐB Thạch Phước Bình cho hay.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Thị Song An (đoàn Long An) cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng không chịu thuế GTGT. Vì thuế GTGT là một loại thuế gián thu, và người phải chịu thuế là người tiêu dùng mà trong trường hợp này là người nông dân.

"Theo tính toán việc áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón sẽ giúp tăng thêm cho ngân sách khoảng 4,2 ngàn tỉ đồng" - ĐB An nói. Tuy nhiên, bà cho rằng việc áp dụng thuế suất 5% với phân bón chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng giá phân bón trên thị trường. Điều này sẽ tạo ra tác động không hề nhỏ đối với người nông dân và ngành nông nghiệp. Trong khi đó ngành nông nghiệp của nước ta vẫn còn bấp bênh, thiếu bền vững, đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn cạnh tranh khó khăn với các sản phẩm nước ngoài.

Tranh luận lại, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng khi Chính phủ, Quốc hội bàn một vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp, chắc chắn chúng ta không thể ban hành một chính sách làm ảnh hưởng, gây thiệt hại cho họ mà hướng tới việc xây dựng, ban hành một chính sách tốt nhất.

“Việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón có lợi cho ba nhà, đó là nhà nông, nhà nước và doanh nghiệp” - ĐB Trịnh Xuân An khẳng định.

Tiếp tục phân tích, ông An cho hay với thuế GTGT, đầu vào - đầu ra phải đi cùng với nhau, đầu ra không chịu thuế, đầu vào không được khấu trừ.

Giả sử doanh nghiệp mua sản phẩm đầu vào 80 đồng, họ sẽ chịu thuế GTGT đầu vào là 8 đồng; giá phân bón bán ra 100 đồng. Nếu không được khấu trừ, nguyên tắc họ sẽ phải đưa vào chi phí, tính vào giá, giá đó sẽ là 108 đồng. Nếu đánh thuế 5%, doanh nghiệp đó được khấu trừ 8 đồng, giá bán sẽ chỉ là 105 đồng thôi.

“Tôi đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ở đây doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu được bình đẳng với nhau. Việc áp thuế 5% này chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu, còn doanh nghiệp trong nước cũng được bảo vệ, người dân sẽ có cơ hội giảm giá. Nguyên tắc làm giá không phải cứ tăng thuế 5% thì giá sẽ tự động tăng 5% và người dân bị chịu ảnh hưởng” - ông An nói.

le-quang-manh-thue-phan-bon.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Điều chỉnh theo mặt bằng giá thị trường

Trước đó, báo cáo giải trình trước Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, cho biết thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế.

"Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua" - ông Lê Quang Mạnh nói và phân tích vì thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu.

Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào.

Vì vậy, thời gian qua, các Bộ, ngành, doanh nghiệp sản xuất phân bón… đã liên tục kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5%.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng thông tin có ý kiến băn khoăn khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế GTGT phải nộp làm tăng mặt bằng giá phân bón, dẫn đến tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.

Báo cáo cho hay phân bón nhập khẩu khi bán ra có thể bị tăng giá tương ứng với chi phí thuế GTGT phải nộp, song tỉ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước.

Vậy nên giá bán của phân bón nhập khẩu cũng phải điều chỉnh theo mặt bằng của thị trường khi phân bón sản xuất trong nước có xu thế và dư địa giảm giá, do được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào nên sẽ cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất. Đồng thời, phân bón hiện là mặt hàng được nhà nước bình ổn giá...

Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm