Ngày 29-8, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách tiếp tục làm việc, thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, trong đó tập trung vào chính sách thuế VAT đối với phân bón.
Dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi đưa ra hai phương án. Thứ nhất, đưa phân bón vào nhóm chịu thuế 5%. Thứ hai, giữ nguyên quy định như hiện hành, tức là thuộc đối tượng không chịu thuế.
Phân bón sẽ tăng giá nếu áp thuế VAT 5%
ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng đưa phân bón vào nhóm chịu thuế VAT với mức thuế 5% có thể giải quyết bất cập cho doanh nghiệp (DN) trong việc hoàn thuế đầu vào. Tuy nhiên, ông Mai cũng lưu ý chính sách này chắc chắn sẽ làm tăng giá phân bón, tác động đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của nông dân.
Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đánh giá tác động đối với chính sách áp thuế VAT 5%, ông Mai cho hay chính sách này có thể giúp DN sản xuất phân bón trong nước giảm giá thành sản phẩm. Nhưng việc kinh doanh của DN vận hành theo thị trường, áp thuế 5% không thể đảm bảo việc giảm giá sản phẩm có diễn ra hay không.
Từ đó, ông Mai đề nghị giữ nguyên quy định không áp thuế VAT 5% với phân bón như hiện nay. Thậm chí, nếu có áp thuế thì đưa phân bón vào nhóm chịu thuế 0%.
“Làm như vậy sẽ xử lý bất cập trong việc hoàn thuế VAT đầu vào cho DN, đồng thời không ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp” - ông Mai đề xuất.
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) trích số liệu của cơ quan soạn thảo nói rằng nếu áp thuế VAT với phân bón thì ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ thu được khoảng 5.700 tỉ đồng, trừ đi khoản hoàn thuế khoảng 1.500 tỉ đồng thì NSNN thu được khoảng 4.200 tỉ đồng. Tuy vậy, ông Giang dẫn lời các chuyên gia kinh tế trao đổi với ông và nói rằng nếu áp thuế 5% với phân bón thì số tiền sẽ hoàn lại cho DN chứ NSNN không thu được.
Nói thêm, ông Giang cho rằng: “Vừa qua, để phục hồi kinh tế, chúng ta cố gắng giảm 2% VAT cho người dân nhằm kích thích tiêu dùng nhưng nay lại đánh 5% để giảm giá bán, đối với tôi là không thuyết phục” - ông Giang nói và đề nghị không áp thuế VAT với phân bón và các mặt hàng cùng nhóm.
Vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu phân bón
Ở góc độ khác, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng cần có cách nhìn tổng thể, không nên chỉ dựa vào tăng giá hay hạ giá để quyết định chính sách thuế VAT với phân bón.
“Một đất nước phát triển nông nghiệp như Việt Nam mà không có ngành sản xuất phân bón trong nước đàng hoàng, đĩnh đạc, chính sách phải chỉnh lên, chỉnh xuống là không được” - ông An nói và bày tỏ Việt Nam cần có một ngành sản xuất phân bón hiện đại, bình đẳng với thế giới, không phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu.
“Nếu ngành sản xuất phân bón tốt thì người dân được lợi, sản xuất nông nghiệp được lợi” - ông An nói.
Ông An cũng đồng tình với đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách rằng áp thuế VAT 5% đối với phân bón thì các DN sản xuất phân bón trong nước sẽ có không gian để giảm giá bán nhưng phải về lâu dài mà không thể giảm ngay. Mặt khác, chính sách này sẽ tạo ra cơ hội thu thuế của các DN nhập khẩu phân bón.
Về ý kiến đưa phân bón vào nhóm chịu thuế VAT 0% của ĐB Nguyễn Trường Giang, ông An nói điều này không phù hợp, vì thuế 0% chỉ áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Theo ông An, có thể sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN theo hướng cho các DN sản xuất phân bón được hưởng mức thuế thu nhập DN thấp hơn để vừa khuyến khích sản xuất, vừa tác động đến giá thành của phân bón.
Ngoài ra, cùng ngày, hội nghị đã thảo luận dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Người kinh doanh nhỏ chịu thuế VAT từ mức 200 triệu đồng?
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề xuất tăng ngưỡng doanh thu tính thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh lên mức 200 triệu đồng, nghĩa là tăng gấp đôi so với quy định hiện nay. Ông An cũng kiến nghị QH giao cho Ủy ban Thường vụ QH quyền điều chỉnh ngưỡng doanh thu tính thuế khi chỉ số tiêu dùng biến động. Ngoài chỉ số giá tiêu dùng thì ngưỡng doanh thu tính thuế còn phải gắn với mức gia cảnh.
ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề xuất mức doanh thu chịu thuế VAT đối với hộ, cá nhân kinh doanh tăng lên 200 triệu hoặc 300 triệu đồng, bởi theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến sẽ giảm thu ngân sách khoảng 2.630 tỉ đồng với ngưỡng 200 triệu đồng hoặc 6.383 tỉ đồng với ngưỡng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Hải lại đề nghị ban soạn thảo dự án luật cần đánh giá thêm khía cạnh về kinh tế - xã hội khác.