LTS: Trên các trang mạng xã hội và giới tài xế truyền nhau thông tin là có dịch vụ bao đậu phần lý thuyết trong sát hạch bằng lái ô tô, miễn là chịu chi tiền. PV báoPháp Luật TP.HCM đã tiếp cận được nhiều người ở TP.HCM, Đồng Nai nhận lo “dịch vụ bao đậu” này và họ ra giá nhiều triệu đồng.
Từ giới thiệu của người từng sử dụng “dịch vụ bao đậu” phần lý thuyết trong sát hạch ô tô, chúng tôi tiếp cận được bà K, ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, để “nhờ” bà lo cho phần thi này.
Bà K được cho là làm “cò” đưa học viên tới một trung tâm đào tạo lái xe tại phường Trảng Dài để người của trung tâm này hướng dẫn, sử dụng các thiết bị gian lận trong phòng thi.
Chồng dạy lái xe, vợ dẫn mối
Cuối tháng 2-2022, bà K hẹn gặp chúng tôi tại một quán nước ở Đồng Nai. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà K là vợ của một thầy dạy lái ô tô tại TP Biên Hòa.
Phát hiện nhiều thí sinh gian lận
Tháng 7-2019, Phòng quản lý sát hạch và cấp GPLX - Sở GTVT TP.HCM đã phát hiện và xử lý bảy trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi sát hạch GPLX ô tô hạng B2.
Các thí sinh sử dụng điện thoại di động, các thiết bị viễn thông nhằm gian lận trong kỳ thi sát hạch GPLX để nhờ một giáo viên nhắc bài khi thi tay lái trong sa hình. Một thí sinh khác thi bằng lái hạng C sử dụng camera gắn vào cổ áo để ghi hình câu hỏi lý thuyết, sau đó phát qua điện thoại truyền ra ngoài để nhận câu nhắc bài.
Có trường hợp thí sinh thi bằng lái FC (lái xe đầu kéo, xe container...) cũng sử dụng thiết bị nghe nhìn để được “hỗ trợ” thi lý thuyết.
Tại buổi gặp, bà K thông tin: Nếu “bao đậu” bằng việc giám thị nhắc bài thì giá 12 triệu đồng, còn sử dụng thiết bị công nghệ thì có giá 14 triệu đồng. “Mình phải test trước một ngày để xem máy như thế nào, nghe người ta nói như thế nào. Ai mà làm với em rồi sẽ biết” - bà K nói.
Để thuyết phục, bà K cho chúng tôi xem clip có nội dung học viên mặc áo có gắn camera và người nhắc bài. Bà thuyết minh: “Quan trọng là tâm lý, anh vô phòng thi cứ bình thường, ngồi rà rà cái máy như đọc bài, người ta sẽ đọc cho mình nghe... Cái đó nó chiếu về máy tính của họ, họ thấy bài rồi mới đọc cho anh được”.
Sau buổi gặp mặt, bà K liên tục nhắn tin với chúng tôi và cho biết là đã “lo” cho nhiều trường hợp. Bà gửi ảnh chụp màn hình tin nhắn, bằng lái mà bà đã “lo” cho học viên trước đó.
“Ông chỉ cần mang áo có sẵn (có sẵn camera - PV) tự nó truyền về, họ đọc còn ông chỉ cần bấm vi tính” - bà K nhắn tin thúc giục chúng tôi.
Sau đó, bà K tiếp tục hẹn chúng tôi gặp mặt để tư vấn thêm về cách sử dụng thiết bị và cho chúng tôi xem tiếp những clip mà các học viên đã được bà “giúp”.
Theo hình ảnh video này, khi học viên mặc áo đã được cài sẵn điện thoại thì chiếc điện thoại này sẽ quay lại đề thi từ màn hình máy tính và truyền về thiết bị đã được kết nối của người nhắc bài từ xa. Sau đó, người nhắc bài sẽ đọc đáp án cho học viên trong phòng thi thông qua tai nghe gắn sâu trong lỗ tai của học viên.
Sau khi cho xem video, bà K cho biết sẽ cho chúng tôi gặp ông H, thầy dạy tài xế để hướng dẫn sử dụng thiết bị.
Ông H dẫn chúng tôi về nhà là một trung tâm đào tạo, sát hạch tại phường trảng Dài. |
Bộ thiết bị công nghệ cao mà ông H sử dụng để gian lận thi lý thuyết ô tô. |
Bà K đang tư vấn cho chúng tôi việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi lý thuyết ô tô. |
Chiếc tai nghe siêu nhỏ sẽ được gắn sâu trong lỗ tai. |
Ông H đang hướng dẫn nhét micro siêu nhỏ vào quần lót, sau đó lấy ra nhét vào khẩu trang. |
Ông H cho chúng tôi sử dụng thử các thiết bị công nghệ. |
Cận cảnh việc giấu điện thoại, micro trong quần lót
Từ sự giới thiệu của bà K, ngày 10-3, ông H hẹn gặp chúng tôi tại một quán nước cách văn phòng trung tâm đào tạo lái xe, thi giấy phép lái xe (GPLX) tại khu phố 3, phường Trảng Dài ít mét.
Khi gặp nhau, sau khi hỏi qua về việc thi bằng lái, ông H lấy trong túi xách ra một bộ dụng cụ dùng cho việc gian lận gồm: Điện thoại, tai nghe, nhíp, micro kết nối Bluetooth, nhiều dây điện, pin siêu nhỏ... để trên bàn.
Sau đó ông H hướng dẫn chúng tôi sử dụng các thiết bị: “Em cầm cục này (tai nghe - PV) nhét vô trong lỗ tai; cục này (micro - PV) để trong quần lót, nhớ mặc quần có đeo thắt lưng. Khi vào phòng thi, lựa lúc giám thị không để ý thì em lấy micro từ quần lót ra, nhét vào khẩu trang, còn tai nghe đã nhét sẵn trong lỗ tai” - ông H vừa nói vừa làm mẫu cho chúng tôi xem.
Sau khi hướng dẫn, ông H cho chúng tôi trải nghiệm bằng việc ông đi ra xa, trao đổi và chúng tôi nghe rất rõ nội dung ông nói cũng như nội dung mà chúng tôi trả lời với ông qua micro.
Ông H căn dặn: Các thiết bị kết nối qua Bluetooth nên micro gắn trong khẩu trang có ánh đèn nhấp nháy, vì vậy khi khởi động máy xong phải lấy băng keo dán kỹ để không bị giám thị phát hiện.
Ông giải thích việc phải mặc quần có thắt lưng là để khi giấu các thiết bị vào quần lót sẽ qua mặt được giám thị. “Khi vào phòng thi, giám thị sẽ dùng thiết bị rà, dò kim loại trên người của học viên. Lúc rà tới thắt lưng, thiết bị của giám thị sẽ báo vài tiếng tít tít và họ sẽ nhầm với phần kim loại của thắt lưng” - ông H vừa nói vừa làm mẫu, lấy điện thoại nhét vào quần lót ngang thắt lưng cho chúng tôi xem.
Ông còn hướng dẫn chúng tôi cách nhét micro vào khẩu trang, cách đọc câu hỏi đề thi, thời điểm gọi điện thoại cho ông.
“Giám khảo kiểm tra mà không biết mình giấu điện thoại thì vào phòng thi; trường hợp họ nghi ngờ, yêu cầu tháo thắt lưng thì mình đi ra, đừng vào thi nữa” - ông H hướng dẫn.
Sau đó ông dẫn chúng tôi về nhà để lấy bộ thiết bị. Nhà mà ông H dẫn chúng tôi về là văn phòng trung tâm đào tạo lái xe, thi GPLX tại khu phố 3, phường Trảng Dài. Số điện thoại ghi trên biển hiệu văn phòng trùng với số điện thoại và Zalo ông H sử dụng để liên hệ với chúng tôi.
Bao đậu bằng công nghệ cao
Vào cuối tháng 3, trong vai người có nhu cầu thi bằng B2, chúng tôi liên hệ ông ĐVT đang dạy tại một trung tâm đào tạo lái ô tô ở TP Biên Hòa qua số điện thoại 091381… và ông hẹn chúng tôi đến nhà riêng tại khu vực chợ Trảng Dài.
Khi gặp, ông T cho biết học phí là 11 triệu đồng. “Ở đây không bao lý thuyết, nếu bao lý thuyết phải 17-18 triệu đồng, lúc được lúc không. Hiện tại không bao lý thuyết, thanh tra về là không lo được...”.
Sau khi thăm dò, ông cho biết nếu đồng ý chung 17 triệu đồng (gồm 11 triệu đồng học phí và 6 triệu đồng phần “bao đậu” - PV) thì tới lúc gần thi sẽ có người hướng dẫn sử dụng thiết bị công nghệ.
Sau đó ông gửi số tài khoản ngân hàng với tên ĐVT và yêu cầu chúng tôi chuyển tiền.•
(Kỳ sau: Đăng ký học tại Đồng Nai, “bao đậu” ở TP.HCM. Các cò, thầy dạy tài xế ở Đồng Nai còn hứa “liên kết” với các trung tâm ở TP.HCM để “bao đậu” cho học viên).
Phát hiện gian lận sẽ cấm thi năm năm
Theo khoản 14 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, người tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; sử dụng GPLX hoặc hồ sơ lái xe giả; sử dụng GPLX đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới GPLX, ngoài việc bị cơ quan quản lý GPLX ra quyết định thu hồi GPLX, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống GPLX còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn năm năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
Nếu có nhu cầu cấp lại GPLX thì phải học và sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu.
Trước đó, Bộ GTVT - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản gửi đến các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng cường quản lý trong công tác sát hạch, cấp đổi GPLX.
Cụ thể, trước mỗi kỳ sát hạch phải rà soát, kiểm tra phòng sát hạch lý thuyết, không để các máy tính có kết nối Internet hoặc nối mạng Lan ra ngoài, các máy chủ không được kết nối phần mềm liên quan đến nội dung thi sát hạch. Đồng thời kiểm tra việc nhập số báo danh và đối chiếu hình ảnh thí sinh để đảm bảo thí sinh không gian lận.
............................................
Sổ tay: Bằng thật, học giả tiềm ẩn nhiều mối nguy cho xã hội
"Đào tạo lái xe là một nghề đặc biệt, nếu người làm công tác này không làm bằng lương tâm và trách nhiệm thì rất dễ đào tạo ra những cỗ máy giết người” - một cựu bộ trưởng phát biểu từ nhiều năm trước xung quanh việc học giả, bằng thật trong việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe (GPLX).
Kinh tế phát triển, nhiều gia đình ở các đô thị dễ dàng có ô tô và nhu cầu học lái xe lớn nhưng chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe còn tồn tại nhiều điều. Trong đó công tác tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo còn thiếu chặt chẽ, học viên chưa tự giác, nghiêm túc trong việc học; công tác sát hạch, cấp GPLX tại một số địa phương còn nơi lỏng, nơi chặt, chất lượng đầu ra không đồng đều.
Trên thực tế, những vụ tai nạn giao thông ít nhiều liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo, thể hiện qua sự yếu kém của người lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống, qua thái độ coi thường tính mạng của hành khách và người tham gia giao thông.
Để chấn chỉnh việc này, tháng 3-2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, TP tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX.
Trong đó chú trọng nội dung chương trình đào tạo, chú trọng giảng dạy cho học viên hiểu, biết về pháp luật giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển xe an toàn, chủ động xử lý kịp thời các tình huống có khả năng xảy ra tai
nạn giao thông, nâng cao ý thức, đạo đức và văn hóa giao thông của người lái xe.
Tổng cục cũng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, TP chỉ đạo bộ phận giải quyết thủ tục hành chính về cấp, đổi GPLX thực hiện nghiêm việc tra cứu thông tin của người lái xe, dữ liệu GPLX vi phạm được ngành công an chia sẻ để kịp thời phát hiện các trường hợp GPLX bị tước quyền sử dụng nhưng giả khai báo mất xin cấp lại hoặc phát hiện các trường hợp sử dụng GPLX không hợp lệ, GPLX giả.
Bộ GTVT cũng nâng bộ đề thi lý thuyết chỉ từ 450 câu hỏi lên thành 600 câu, cabin mô phỏng các tình huống giao thông... Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều người vẫn còn xem nhẹ việc học và thi bằng lái, nhờ “dịch vụ bao đậu” với sự tiếp tay của một số người đi dạy học viên.
Trong khi đó, chế tài cho người “giúp đỡ” học viên gian lận trong sát hạch vẫn còn xem nhẹ vì thực tế nhiều trung tâm cho biết là không và khó xử lý bởi không chứng minh được sự móc nối giữa học viên với người dạy lái xe của các trung tâm.
Nên mạnh dạn chuyển cho công an khi phát hiện gian lận để xử lý triệt để hiện tượng “bao đậu” này vì nó không chỉ liên quan trực tiếp đến sinh mạng của chính người học mà còn tiềm ẩn mối nguy cho cộng đồng, xã hội.
HỒNG CHÂU