Bà Bé cất tiếng: “Cay đắng chưa tùng”, chim liền đáp: “Sao biết ngọt”. Bà Bé đọc: “Gian nan chưa trải”, Chim đáp tiếp: “Hiểu chi đời”… Cứ thế, bà Bé và lũ chim cứ đối đáp qua lại, nghe rất thú vị.
Sống một mình trong căn nhà nhỏ (tại ở ấp Kim Giao, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhưng bà Bé không cô đơn vì đã có lũ chim bầu bạn. Hiện bà đang nuôi tám con chim nhồng biết nói tiếng người. Trong đó, có một cặp nói rất sỏi, đọc thơ rất nhuyễn. Đây là chim do bà tự nuôi ấp nở tại nhà, không phải bắt ngoài tự nhiên.
Bà Bé và con chim nhồng biết đọc thơ. Ảnh : Trung Thanh
Bà Bé cho biết, sau khi nhận lời mời từ Ban tổ chức Hội hoa Xuân TP.HCM năm nay, bà quyết định đưa một cặp chim nhồng biết đọc thơ tham dự.
Theo Ban tổ chức Hội hoa xuân TP.HCM, chuyện nuôi chim nhồng biết nói tiếng người không lạ nhưng chim biết đọc thơ nghe rõ ràng như chim của bà Bé là rất đặc biệt.
Bà Bé tâm sự: “Năm nay, tôi đã 70 tuổi rồi, danh tiếng cũng không cần nữa. Tôi đưa chim đi dự Hội hoa xuân TP.HCM lần này với mục đích chính là truyền đạt lại kinh nghiệm nôi dạy chim cho thế hệ sau. Ai muốn nuôi chim biết nói tôi sẽ hướng dẫn, không giấu nghề”.
Vì thế, dù đã là người khá nổi tiếng trong lĩnh vực nuôi chim nhồng ( được Sách kỷ lục Việt Nam xác lập là người nuôi dạy chim nhồng biết nói và ấp nở nhiều nhất Việt Nam) nhưng bà Bé vẫn còn đau đáu một ước mơ: “Tôi muốn công trình nuôi chim nhồng đẻ, ấp nở tại nhà và dạy chim biết nói tiếng người được công nhận như là một công trình nghiên cứu khoa học để lưu lại cho con cháu sau này”.
Theo Ban tổ chức, Hội Hoa xuân TP.HCM ( tại công viên Tao Đàn, quận 1) sẽ khai mạc vào ngày 25 tết và bế mạc vào mùng 6. Năm nay, Hội Hoa xuân quy tụ khoảng 6.000 hiện vật tiêu biểu thuộc các bộ môn hoa, cá, kiểng, đá cảnh, chim, cá … Các “món lạ” có thể hấp dẫn khách tham quan như Bộ sưu tập Đỗ quyên có nguồn gốc từ nhiều nơi trên thế giới, Kiểng trồng trong không khí, Chim biết đọc thơ… |
Theo TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Sinh thái học miền Nam, việc công nhận quá trình nuôi chim nhồng biết nói tiếng người như là một công trình nghiên cứu khoa học rất khó vì yếu tố khoa học rất ít. “Chim nói tiếng người, hay biết đọc thơ cũng chỉ bắt chước theo ngôn ngữ của con người. Chim cũng chỉ nói được một số từ nhất định chứ không thể phát triển ngôn ngữ như con người được”, TS Vũ Ngọc Long giải thích.
Ông gợi ý: “Nếu người nuôi muốn những kiến thức của mình được nhiều người biết đến thì có thể viết thành sách, trình bày các kinh nghiệm của mình”.
Clip những chú chim Nhồng đọc thơ:
TRUNG THANH