ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) khá thẳng thắn khi đưa ra những nhận xét về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, sáng 27-10.
ĐB Vũ Tiến Lộc nói Chính phủ có thể đã "thiếu tự tin" về vấn đề lạm phát. Ông Lộc đề nghị Chính phủ cần phải xem xét lại vấn đề này để tạo động lực cho phát triển
Sau khi “cơ bản đồng ý” với báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, ĐB Vũ Tiến Lộc nhận định rằng: Chính phủ đã xây dựng được và triển khai rất kiên định chương trình hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp.
“Và đây là lần đầu tiên trong lịch sử Chính phủ có một chương trình như vậy cho cả nhiệm kỳ”, ĐB Vũ Tiến Lộc nói.
Sau khi đề cập thêm đến tiến trình đàm phán và thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP và EVFTA, kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua), ông Lộc cho rằng đó thực sự là những kỳ tích!.
Tuy thế, Chủ tịch VCCI cho rằng: “Chúng ta dường như đã hơi quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.”
Nhìn về nền kinh tế với độ mở lớn, theo ông Lộc, nền kinh tế rất nhạy cảm với các tác động bên ngoài. “Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và giữa các nền kinh tế lớn có nguy cơ tiếp tục leo thang... thì liệu Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10% mỗi năm cho 2 năm tới?”, ĐB Lộc đặt vấn đề và cảnh báo về tình hình khó khăn trong những năm tới do bối cảnh thương mại quốc tế.
Nhưng điểm mấu chốt ĐB Lộc nhấn có lẽ là vấn đề lạm phát. “Trong khi lạc quan về tăng trưởng, thì Chính phủ lại có vẻ như còn thiếu tự tin đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát”, ĐB Lộc nói và nhận định lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho việc ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn. Vậy tại sao chúng ta lại không tiếp tục kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%?.
Theo ĐB Lộc, việc Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát khoảng 4% thay cho dưới 4% trong năm 2019 là một bước lùi trong hoạch định chính sách. Và hậu quả sẽ khó lường.
“Khi Chính phủ không bị ràng buộc bằng một mục tiêu kiềm chế lạm phát cứng thì sự quyết liệt trong thực hiện sẽ giảm đi nhiều. Các bộ ngành sẽ không còn phải cân nhắc nhiều khi đưa ra những đề xuất tăng giá, phá giá, điều chỉnh giá hay đưa ra các sắc thuế mới... Nếu Chính phủ bằng lòng với mức lạm phát trên 4%, thì người dân sẽ có quyền đặt câu hỏi liệu trong tương lai, mục tiêu lạm phát có được điều chỉnh thành “khoảng 5%” hay “khoảng 6%”? Và liệu các nhà đầu tư có còn tin rằng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn luôn là mục tiêu xuyên suốt và lâu dài của Chính phủ? Rồi lãi suất, tỷ giá liệu có “té nước theo mưa” cùng với sự điều chỉnh mục tiêu lạm phát theo đề xuất của Chính phủ?”, ông Lộc thẳng thắn.
Sau khi bàn về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, ĐB Lộc đề nghị Chính phủ có các giải pháp để "khai thông các điểm nghẽn”.
“Tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội luật sửa đổi các luật kế toán và luật thuế để có thể áp dụng một chế độ kế toán và thuế thật đơn giản, dễ áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như các nước khác đã làm. Đây là giải pháp có ý nghĩa đột phá. Giải pháp này cộng hưởng với những nỗ lực cải cách quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là trong việc cắt bỏ giấy phép con và các thủ tục hành chính…”, ĐB Lộc nói.