Đại biểu Quốc hội lo xuất hiện những Vũ 'nhôm' mới

Câu hỏi này được đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu ra tại buổi thảo luận về kinh tế-xã hội đang diễn ra sáng nay, 27-10.

Theo ĐB Nhưỡng, nền kinh tế theo báo cáo của Chính phủ thì như một bức tranh đẹp, nhiều đại biểu đã nêu nhưng vẫn còn những “vết nhám”. “Tôi không ca ngợi bức tranh đó nữa, vì nhiều đại biểu đã nói, mà tôi nêu một số vết nhám”, ông Nhưỡng mở đầu.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói ông không ca ngợi bức tranh kinh tế đẹp nữa, mà tập trung vào các "vết nhám" trong cổ phần hóa và các rào cản kinh doanh.

ĐB tỉnh Bến Tre đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về báo cáo của kinh tế-xã hội của Chính phủ. Vì báo cáo thẩm tra nói “chính sách hỗ trợ còn chưa minh bạch, thiếu công bằng, còn nhiều rào cản”.

Không nói suông, ĐB Nhưỡng đưa ra các ví dụ cụ thể. Trường hợp một công ty ở Thanh Hóa, dù Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn hai lần nhưng tỉnh Thanh Hóa “kiên quyết không thực hiện”. ĐB Nhưỡng đề nghị Thủ tướng phải đình chỉ các cán bộ liên quan.

Hoặc một công ty khai thác vàng cũng vậy. Theo ĐB Nhưỡng, đây là công ty sẽ đóng góp tốt cho kinh tế, ngân sách nhưng 10 năm qua dù đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhưng vẫn không được cấp phép. Đáng nói, ông chủ công ty này là cựu chiến binh chống Mỹ, đã từng chiến đấu ở cả chiến trường Quảng Trị khét lửa. Ấy vậy mà, theo lời ĐB Nhưỡng, ông chủ doanh nghiệp này than: “Ngày xưa đánh Mỹ dễ thế mà sao nay làm kinh tế khó khăn thế!”.

Đề cập tới 12 dự án thua lỗ, trùm mền đắp chiếu thuộc ngành công thương, ĐB Nhưỡng lấy dự án xơ sợi Đình Vũ, Ethanol, thép Thái Nguyên làm ví dụ.

“Thép Thái Nguyên có chỉ đạo, người ta quyết tâm cổ phần hóa, tỉnh Thái Nguyên cũng mong muốn như thế nhưng Tổng Công ty Thép vẫn… lửng lơ. Cái nào không được thì cho phá sản, cái nào được thì cho cổ phần hóa. Có thể có hiện tượng cứ để đó để sau này khấu hao, mua rẻ. Chỉ Nhà nước và dân thiệt”, ĐB Nhưỡng cho hay.

Mặt khác, ĐB Nhưỡng báo cáo trước Quốc hội rằng: “Có hiện tượng cài cắm một số cá nhân cốt vào DN để thôn tính. Điều này có thể tạo ra một số loại Vũ "nhôm” khác”. Từ đó, ĐB Nhưỡng cho rằng các lực lượng có thẩm quyền vào cuộc làm rõ một số vụ việc vào cuộc. ĐB Nhưỡng cũng đề nghị Quốc hội cần hoàn thiện thể chế để bịt lỗ hổng trong cổ phần hóa, tăng cường thanh tra, kiểm toán để ngăn chặn thất thoát.

Cuối cùng, ĐB Nhưỡng nói: “Tư pháp là bà đỡ của nền kinh tế thị trường. Những vụ Thuận Phong, Dệt Long An thì cơ quan công an và tư pháp phải vào cuộc để cử tri và nhân dân có câu trả lời”.

ĐN Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) trong phần phát biểu trước đó cũng đề cập đến các dự án trùm mền đắp chiếu, lỗ hổng trong cổ phần hóa và đặt câu hỏi: “Liệu còn bao nhiêu các công trình, dự án như thế này nữa?”.

ĐB Nguyễn Bá Sơn và nhiều đại biểu khác đều đề cập tới 12 dự án thua lỗ ngành công thương.

Trong 10 phút trả lời sau đó, về chủ đề 12 dự án thua lỗ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói: Theo lộ trình thì giai đoạn 2018-2019 Chính phủ sẽ xử lý quyết liệt các vấn đề của 12 dự án nói trên và kết thúc việc xử lý vào năm 2020.

“Chúng tôi phân định các nguyên tắc phải có các giải pháp trong khuôn khổ luật pháp, theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn. Các DN này phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các bộ, ngành cũng vào cuộc, tiến độ xử lý được đảm bảo và có kết quả ban đầu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo Bộ trưởng Công Thương, trong số sáu nhà máy phải dừng kinh doanh vì không hiệu quả và nợ nần thì hiện đã có hai nhà máy bắt đầu khởi động, hoạt động và có lãi.

“Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ để đưa ra hai nhà máy này khỏi danh sách, Không phải để lấy thành tích mà để các doanh nghiệp này hòa nhập vào cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục phát triển”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.