Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ‘Đừng có mặc áo quá đầu’

Tiếp tục nội dung thảo luận tổ về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XIV), ngày 24-10, nhiều đại biểu (ĐB) hoan nghênh các kết quả mà Chính phủ đã báo cáo nhưng cũng bày tỏ nhiều băn khoăn.

Ngân sách còn dựa vào đất, xổ số và tài nguyên

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng ngân sách vượt thu nhưng chưa bền vững khi số vượt thu đến từ đất, xổ số, tài nguyên. Ba khu vực đóng góp quan trọng cho thu ngân sách lại hụt thu là từ khối doanh nghiệp (DN) nhà nước, khu vực đầu tư nước ngoài và thu cổ phần hóa DN nhà nước. Đồng thời tỉ lệ thu ngân sách trung ương hiện nay đang bị giảm so với giai đoạn trước và nếu không đủ nguồn các công trình quan trọng quốc gia sẽ không làm được.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng đầu tư công triển khai quá chậm, 2-3 năm rồi chẳng có công trình nào cả. “Đất nước muốn phát triển thì phải có công trình chứ. Nếu vướng về thủ tục thì phải thay đổi thủ tục, chứ có tiền mà không đầu tư được thì rất gay, làm sao tạo ra của cải vật chất được. Sân bay Long Thành đã có tiền rồi, đường cao tốc Quốc hội thông qua rồi thì phải làm ngay chứ” - ông Vượng nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ĐB Cần Thơ, cho rằng đầu tư công chậm không hẳn do luật, bởi trong báo cáo tóm tắt đánh giá giữa kỳ thực hiện đầu tư công trung hạn có sáu hạn chế thì đều do thực thi luật. “Khả năng cân đối ngân sách nhà nước thấp là do không có tiền để làm chứ không phải do luật. Ví dụ, muốn đầu tư 3 triệu tỉ đồng nhưng ngân sách chỉ có thể bố trí năm năm tới 2 triệu tỉ đồng thì ở đây không phải do luật mà do tiền ít thôi” - Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi thảo luận kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: CHÂN LUẬN

Nợ Chính phủ giảm, nợ khối tư nhân tăng

Lý giải nợ quốc gia tăng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cơ cấu nợ này gồm nợ Chính phủ và các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. “Vừa qua có việc DN của Thái Lan mua lại cổ phần nhà nước ở Sabeco có giá trị khoảng 5 tỉ USD nhưng pháp nhân là DN tư nhân của Việt Nam nên ngoài vốn chủ sở hữu, DN này phải đi vay để huy động số tiền lớn để được chi phối ở Sabeco. Nợ này được tính vào nợ quốc gia nhưng Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả nợ” - Phó Thủ tướng nói. Theo ông, các DN tư nhân phải trả khoản này. “Hiện nay nợ Chính phủ giảm mạnh còn nợ của khối tư nhân thì tăng lên” - Phó Thủ tướng cho hay.

Theo Phó Thủ tướng Vương đình Huệ, Chính phủ đã nỗ lực giảm mức tăng của nợ công. Hiện nay nợ công vẫn tăng nhưng chỉ còn tăng khoảng 8% so với tăng GDP là 6,7% (năm 2015 tốc độ nợ công tăng gấp ba lần GDP). Đồng thời Chính phủ năm 2017 đã không bảo lãnh cho DN nào. Còn năm 2018 thì bảo lãnh cho hai dự án quan trọng của ngành điện.

Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay: “Đời sống các thành phần xã hội được nâng lên một bước, từ miền núi đến miền biển, đô thị. Đồng tiền Việt Nam giữ được ổn định. Về phương diện quốc gia, uy tín, khả năng hứng chịu của chúng ta trước biến đổi thế giới khá hơn. An tâm chưa thì chưa an tâm nhưng khá hơn trước là rõ ràng, từ lương thực đến năng lượng, ngân sách, ngoại tệ...”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận còn nhiều bất cập, tồn tại và ông cho rằng cần phải có ý chí của cả dân tộc để giải quyết. “Ý chí dân tộc là gì? Là đưa dân tộc mình lên dân giàu nước mạnh chứ không phải là ý chí mơ hồ…” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh việc cần phải tìm ra động lực phát triển mới tốt hơn cho đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

“Liệu cơm gắp mắm để giữ cân đối”

Chuyện tháo gỡ sự chồng chéo trong thể chế để Chính phủ thực sự kiến tạo, phát triển là rất quan trọng. 

Chúng ta cố gắng tháo gỡ những ràng buộc tạo môi trường cho sự phát triển kinh tế tư nhân, đây là động lực quan trọng. Mục tiêu đạt 1 triệu DN có đạt được không là câu hỏi lớn của Chính phủ. Các địa phương cố gắng phát triển mạnh mẽ các loại hình DN; tiếp tục phát triển FDI có chọn lọc, liên kết hai khối kinh tế lại.

Cần sử dụng tiền hiệu quả hơn, chống lãng phí. Đừng có mặc áo quá đầu, liệu cơm gắp mắm để giữ cân đối, kể cả nợ công. Nếu đi vay tràn lan cho đầu tư phát triển sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Làm gì cũng đúng mức, hiệu quả.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tiến hành mạnh mẽ công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm. Quan điểm trong công cuộc này là phải làm nghiêm túc, nếu không tốt gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Vì sao khiếu nại nhiều như thế? Vì ít khi chủ tịch xã, huyện tiếp dân lắm hoặc tiếp không đến nơi đến chốn, không có trách nhiệm với nhân dân. Đối thoại là kênh rất quan trọng để dân thấy được nguyện vọng của mình được lắng nghe.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm