Đây là nhận định của ông Bùi Minh Châu, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, tại buổi thảo luận tổ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và ba năm thực hiện kế hoạch năm năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
Ông Bùi Minh Châu phát biểu tại phiên họp tổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Dẫn chứng một số dự án trước kia được thực hiện nhanh nhưng đến nay rất chặt chẽ và cẩn trọng quá mức, ĐB Châu cho biết bất kỳ việc gì bây giờ cũng bàn lên bàn xuống rất nhiều trước khi quyết định. Nên có cảm giác việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu rất chậm… "Bên cạnh đó, có hiện tượng cơ quan chuyên môn không dám trình bày quan điểm mà dẫn chứng các điều luật, làm cho người quyết định rất khó, dẫn đến chậm” - ông Châu nói.
Khẳng định những vấn đề trên là tốt để tránh các sai sót nhưng ông Châu cho rằng về lâu dài sẽ gặp khó khăn. Điển hình như đầu tư BOT giao thông vừa qua, đây là chủ trương đúng và các nước phát triển cũng đã làm. Tuy nhiên, trong quá trình làm tất nhiên có điểm được và chưa được nhưng nhìn chung là được. Dù vậy, hai năm trở lại đây không một nhà đầu tư nào dám đầu tư BOT, ngân hàng cũng không dám cho vay. Gần đây có thêm thông tin dừng triển khai các dự án BT.
“Việc chúng ta quá cẩn trọng làm cho tăng trưởng xã hội giảm. Nên tôi mong Thủ tướng chỉ đạo làm sao khơi thông được nguồn lực này để tăng trưởng kinh tế-xã hội. Nếu lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, trông chờ doanh nghiệp nhà nước thì rất khó” - ông Châu nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, đề cập đến hàng loạt vấn đề nóng của nền kinh tế.
Về ngân sách trong ba năm qua, ĐB Hoàng Quang Hàm ghi nhận nỗ lực của Chính phủ khi tốc độ tăng thu ngân sách vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế, song vẫn còn một số vấn đề cần nhìn lại.
Ông Hoàng Quang Hàm khẳng định phải tìm cách tăng nguồn thu Trung ương.
Điển hình như việc thu ngân sách vượt nhưng không bền vững. “Nếu tính ba năm đều vượt thu nhưng lại vượt thu từ đất, từ xổ số, tài nguyên. Loại trừ khoản này ra thì ba khoản quan trọng nhất mà cả ba năm đều hụt thu là thu DNNN, thu FDI và thu cổ phần hóa quốc doanh. Chúng ta thu đáp ứng nhu cầu chi nhưng nguồn thu không cân đối một cách bền vững”, ông Hàm phân tích.
Cùng với đó, theo ông Hàm, tỉ lệ thu ngân sách Trung ương hiện nay đang bị giảm so với giai đoạn trước, nếu ngân sách Trung ương không đủ nguồn thì các công trình quan trọng quốc gia chúng ta sẽ không làm được.
Ông Hàm cho rằng tỉ trọng này giảm sút cho thấy phân cấp, điều tiết ngân sách đang có vấn đề nên phải đảm bảo vai trò của Trung ương và nguồn thu thì mới có thể đảm bảo nhiệm vụ chi để phát triển kinh tế.
Ông Hàm gợi ý Chính phủ có thể đi theo hướng khai thác các nguồn thu còn dư địa mà không ảnh hưởng đến người dân, tập trung vào thuế trực thu chứ không vào thuế gián thu như thuế VAT, thuế môi trường…