Đó là nhận xét của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) ngày 15-10 cho ý kiến các báo cáo về kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Không có ngoại lệ, bất kể là ai
Đánh giá chung về hoạt động của Chính phủ trong năm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét: “Khi có vấn đề bức xúc thì thủ tướng, phó thủ tướng và các bộ trưởng đã có phản ứng kịp thời, đưa quan điểm ý kiến của mình”. Bà Nga dẫn chứng trước phản ứng của đại biểu QH về công tác xây dựng luật, thể chế, Chính phủ đã tiếp thu và chấn chỉnh rất kịp thời.
Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp cho rằng trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan tư pháp và Chính phủ đã đẩy mạnh được công tác phòng, chống tham nhũng. “Đây là giai đoạn được đẩy mạnh với phương châm nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, ở cương vị công tác nào, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu” - vẫn lời bà Nga.
Tuy nhiên, khi đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2018, theo bà Lê Thị Nga, một trong những “điểm tối” đó là chất lượng công trình hạ tầng đầu tư công (trong đó có các công trình đường giao thông) có tình trạng xuống cấp rất nhanh. “Chúng ta phải trả lời được câu hỏi mà cử tri đã hỏi từ lâu rồi, đó là vì sao công trình làm lâu mà hỏng và xuống cấp nhanh, đặc biệt là công trình giao thông? Vừa rồi là cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, mới thông xe ngày 2-9-2018, đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng nhưng xuống cấp rất nhanh” - bà Nga nói. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý trách nhiệm giải trình của các cơ quan khi có phản ánh của báo chí, cử tri. “Đề nghị trách nhiệm giải trình phải nói rõ, tránh trường hợp né tránh trách nhiệm như giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Khi có sự việc ổ gà, ổ trâu trên mặt đường thì ngay lập tức nói là do mưa hoặc do phương tiện lưu thông làm rơi vãi dầu diesel... Chúng tôi đề nghị giải trình phải nghiêm túc và Chính phủ phải làm rõ tại sao công trình hạ tầng, không chỉ là đường giao thông, xuống cấp nhanh như vậy” - bà Nga kiến nghị.
Cao tốc Quảng Ngãi-Đà Nẵng mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Ảnh: T.Hiếu
Sách giáo khoa lãng phí 1.000 tỉ đồng
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng một trong những lãng phí rất lớn là việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) một lần. Bà Hải cho biết con số lãng phí là 1.000 tỉ đồng, do một năm xuất bản gần 108 triệu bản sách nhưng năm sau không sử dụng được và phải in lại. “Xây dựng một nhà cho người có công hết 50 triệu đồng. Với 1.000 tỉ đồng sẽ có 20.000 căn nhà cho người có công được xây dựng. Và nếu sửa căn nhà cho người có công là sửa được 40.000 căn nhà cho người có công” - bà Hải nhấn mạnh.
Bà Hải kể sau khi bà phát biểu vấn đề này vào hôm 21-9, Bộ GD&ĐT phát văn bản gửi báo chí nêu rằng thực hiện Nghị quyết 40 (năm 2000) của QH, ngay từ những năm đầu tiên khi tiến hành đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2002-2003, Bộ đã ban hành văn bản nêu rằng giáo viên hướng dẫn học sinh không được viết vào SGK và giáo viên, học sinh phải có trách nhiệm bảo vệ SGK. Mặt khác, trong SGK lại có câu mệnh đề là cần phải “điền vào”, “viết vào”, “vẽ vào”. Như vậy là gây khó. Bà Hải cũng cho biết bà rất ngạc nhiên trước việc Bộ GD&ĐT hằng năm vẫn hướng dẫn, nhắc nhở Sở GD&ĐT và giáo viên nhưng nhắc từ năm 2002, tới nay là 16 năm rồi mà tình hình viết vào SGK không giảm.
“Bản thân tôi là đại biểu QH, tôi đã trao đổi với bộ trưởng Bộ GD&ĐT năm năm nay rồi, có đại biểu nói ròng rã từ những năm 2005 đến nay nhưng việc này vẫn chưa được giải quyết. Câu hỏi là tại sao người dân biết, cử tri biết, học sinh biết, phụ huynh biết nhưng người quản lý lại không biết rằng đấy là sự lãng phí và điều chỉnh chính sách trong 16 năm qua” - bà Hải đặt vấn đề.