Hôm qua (26-10), Quốc hội (QH) đã dành cả ngày làm việc để thảo luận về kinh tế-xã hội và chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Chuyện đất quốc phòng bị xẻ thịt, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, tín dụng đen bủa vây… đã làm nóng nghị trường.
Phạt rồi cho tồn tại là phá hoại bộ máy
Đề cập đến tình trạng “phạt rồi cho tồn tại” trong quản lý nhà nước, đại biểu (ĐB) Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho đây là hình thức dung dưỡng cho cái sai, gây ra nhiều vụ việc bức xúc, là nguyên nhân chính hủy hoại luật pháp và bộ máy công quyền. “Đây là lần thứ ba tôi muốn nhắc lại trên diễn đàn này với Thủ tướng về kiến nghị là Thủ tướng sớm có lộ trình chấm dứt cái gọi là phạt rồi cho tồn tại. Rất nhiều vụ việc hiện nay đang bức xúc là hậu quả của nó. Phạt rồi cho tồn tại nghe rất đơn giản, rất phổ biến nhưng là sự tích tụ, một quá trình hủy hoại luật pháp, phá hoại bộ máy công quyền của chúng ta” - ông Quốc nói.
Dẫn chứng cho nhận định của mình, ông chỉ ra câu chuyện “xẻ thịt” đất quốc phòng tại Hải Phòng hay vụ băm nát rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội). “Cả một khu đất quốc phòng ở Hải Phòng mà chỉ qua tay xã hội đen đã trở thành một đô thị trước sự bất lực của chính quyền. Rồi việc vừa nảy sinh ở khu rừng phòng hộ Sóc Sơn rõ ràng cho thấy bộ máy chính quyền ở địa phương phải chịu trách nhiệm vì chắc không có cái gì lọt qua mắt, nhưng chắc chắn có những cái lọt qua tay” - ông nói và đề nghị cần chấm dứt tình trạng “phạt rồi cho tồn tại” để giữ sự nghiêm minh, hiệu lực thực thi của pháp luật, cũng là cách tốt nhất để bảo vệ đội ngũ cán bộ.
Phản hồi lại, ông Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng, cho hay khu đất quốc phòng mà ĐB Dương Trung Quốc đề cập đến có quy mô 14,2 ha, thuộc hai phường Thành Tô và Tràng Cát (quận Hải An, TP Hải Phòng), trước đây do Sư đoàn 363 quản lý. Đến tháng 8-2014, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có quyết định thu hồi diện tích nêu trên và giao cho Tổng Công ty 319 của Bộ Quốc phòng quản lý để thực hiện dự án khu nhà ở Lạch Tray Riverside.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nêu thực tế còn rất khó khăn của người đồng bào. Ảnh: T.Phú
Trong quá trình quản lý chờ chủ trương lập dự án, một số cán bộ Sư đoàn 363, UBND phường Thành Tô và nhiều cá nhân khác đã tự ý đo, san lấp, phân lô, bán nền trái phép tại khu A với diện tích 5,2 ha. Khi Bộ Quốc phòng phát hiện đã chỉ đạo các cơ quan nội chính của Quân khu 3 khởi tố vụ án, khởi tố bị can và mới đây (ngày 24 và 25-10), Tòa án quân sự Quân khu 3 đã xét xử vụ án và phạt tù đối với các cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Do tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên khu đất này vẫn tái diễn nên Bộ Quốc phòng đã bàn giao khu đất này về cho TP Hải Phòng, dự kiến công tác bàn giao sẽ hoàn thành trước ngày 20-11.
“UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo giao cho UBND quận Hải An quản lý, tổ chức ngăn chặn không để lấn chiếm đất, xây dựng trái phép tiếp diễn. Đồng thời, tại khu đất 5 ha, sau khi kiểm kê sẽ có phương án xử lý theo quy định” - ông Tùng nói.
Tín dụng đen bủa vây cuộc sống người dân
Nêu ý kiến về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nhấn mạnh đời sống của người đồng bào hiện rất khó khăn với “năm nhất” gồm: Điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỉ lệ hộ nghèo cao nhất.
“Mặc dù tổng số đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,6% dân số cả nước nhưng tổng số hộ nghèo chiếm 52,7%. Nhiều nơi giảm nghèo theo phong trào, chạy theo thành tích nên thiếu tính bền vững, tỉ lệ tái nghèo rất phổ biến” - ĐB Ry nói. Theo ĐB, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc cân đối nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc miền núi còn thấp, thậm chí nhiều chính sách hỗ trợ đã được phê duyệt nhưng đến nay không triển khai được vì thiếu vốn, dẫn đến tình trạng “còn hàng trăm ngàn hộ đồng bào đang cần hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, tiếp cận tín dụng chưa được xem xét, giải quyết”.
Cũng đề cập khó khăn của đồng bào, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) lên án tình trạng tín dụng đen bủa vây người nghèo, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
“Tình trạng tín dụng đen bủa vây hoành hành, nhất là những người yếu thế. Từ thành thị đến nông thôn, đến các ngóc ngách, bản làng. Mà đồng bào bản chất thật thà, khả năng thích nghi phòng vệ còn hạn chế, vì hoàn cảnh túng quẫn, bí bách họ phải chấp nhận vay, đã vay thì không thể cưỡng lại với cách đòi nợ xã hội đen, buộc họ mất cả tư liệu sản xuất, mất đất, mất nhà, đẩy gia đình vào nghèo đói, tan cửa nát nhà, thậm chí cùng quẫn, gây hậu quả lớn đến trật tự xã hội” - ông Vượt nhấn mạnh.
Theo ông Vượt, mặc dù vấn nạn tín dụng đen hoành hành như vậy nhưng có một nghịch lý là các cơ quan tư pháp rất khó khăn trong xử lý cả về hình sự, hành chính. Theo đó, ông đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần quyết liệt chỉ đạo hơn nữa để đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng này.
Hàng chục dự án tăng vốn, kéo dài tiến độ
Theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), nếu như đầu nhiệm kỳ các ĐBQH lên tiếng phản ứng gay gắt về 12 dự án gây thất thoát, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng của Bộ Công Thương, bây giờ lại phát sinh nhiều dự án gây thất thoát, lãng phí của Bộ GTVT quản lý. Điển hình như dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi hơn 34.000 tỉ đồng, mới đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau vài cơn mưa đã hỏng.
Dự án đường sắt tuyến đô thị Cát Linh-Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu là gần 8.800 tỉ đồng, đã điều chỉnh tăng thêm 18.000 tỉ đồng (tăng hơn 205%); dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2013, nay quá sáu năm chưa kết thúc.
Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành-Suối Tiên do UBND TP.HCM đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 17.000 tỉ đồng, đã điều chỉnh tăng thêm hơn 47.000 tỉ đồng (tăng 272%), dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2018 nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành 52% khối lượng công việc.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm hơn 1.200 tỉ đồng và gần 100 triệu USD nhưng tình trạng điều chỉnh tăng thêm cứ kéo dài thời gian thế này thì thất thoát, lãng phí là nhiều vô kể.
“Cử tri đòi hỏi Chính phủ, QH cần xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây Nhà nước giao cho Bộ GTVT quản lý xây dựng dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc-Nam và nhiều công trình giao thông quan trọng của đất nước với tổng mức đầu tư hàng triệu tỉ đồng thì thất thoát lớn là điều khó tránh khỏi” - ông Cầu nêu.
Đề nghị sáp nhập một số tỉnh, thành để giảm bộ máy Theo ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy diễn ra còn chậm, bộ máy nhà nước vẫn còn cồng kềnh. Việc tinh giản biên chế chưa chú trọng tới cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém. Ngân sách nhà nước hằng năm dành cho chi trả lương vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Đã đến lúc chúng ta phải nhận thức rõ rằng ngân sách nhà nước, hay nói cách khác là tiền thuế của nhân dân, không thể chịu nổi khi mà hằng năm chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách nhà nước, số còn lại dành một phần không nhỏ cho quốc phòng-an ninh, vậy còn đâu để đầu tư phát triển. Nhìn ra các nước láng giềng trong khu vực, nước có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số đông hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP. Có nước được hình thành bởi gần 7.000 hòn đảo, dân số hơn 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP. Nước ta khi bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986 cũng chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành. Trong chúng ta, chắc nhiều người còn in đậm dấu ấn và kỷ niệm một thời Hoàng Liên Sơn, Hà Bắc, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên, Sông Bé... Thực tế gần đây, bài học kinh nghiệm quý báu sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính sáp nhập Hà Nội, Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn và toàn diện, góp phần trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. |