Dư luận đang quan tâm vấn đề pháp lý trong vụ UBND TP Cần Thơ xử phạt hành chính ông Nguyễn Cà Rê và tiệm vàng Thảo Lực (Công ty TNHH MTV SX-TM Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) khi mua bán 100 USD. Pháp Luật TP.HCM giới thiệu bài phân tích của TS Cao Vũ Minh, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM.
Cào bằng vi phạm
Có một số điều khoản trong Nghị định 96/2014 của Chính phủ (xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng) chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật lập pháp.
Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 81/2013 của Chính phủ thì việc quy định hình thức xử phạt, mức xử phạt hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm. Nói cách khác, tính chất của khách thể và loại khách thể bị xâm phạm là tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất để đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi trái pháp luật, trên cơ sở đó quyết định hình thức và mức xử phạt.
Nhưng theo điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014 thì hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị phạt tiền từ 80 đến100 triệu đồng. Quy định này không lượng hóa cụ thể mức tiền phạt theo giá trị, số lượng, tính chất, mức độ vi phạm đối với hành vi vi phạm. Nghĩa là nếu ai mua bán 1 USD, 100 USD hoặc 100.000 USD thì cũng bị xử phạt cùng một mức. Đây là điều rất bất hợp lý.
So sánh với các nghị định khác của Chính phủ thì càng thấy sự vô lý này. Chẳng hạn đối với hành vi trộm cắp điện, Nghị định 134/2013 của Chính phủ căn cứ vào số lượng điện năng bị trộm cắp để áp dụng mức tiền (trộm cắp 1.000 kWh có mức phạt khác so với trộm cắp 10.000 kWh).
Tương tự, hành vi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ sẽ bị xử phạt theo Nghị định 178/2013 của Chính phủ. Nhưng vi phạm đối với 500 người sẽ có mức tiền phạt khác so với vi phạm đối với 10 người. Trong khi Nghị định 96/2014 lại áp dụng mức phạt cào bằng đối với các vi phạm cho dù giá trị và số lượng chênh lệch nhau.
Tiệm vàng Thảo Lực. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Phạt bổ sung và khắc phục hậu quả chưa ổn
Ngoài việc bị phạt tiền, quy định trên còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là số ngoại tệ, đồng Việt Nam mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Nếu đặt chế tài này trong Nghị định 96/2014 thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu so sánh với các nghị định khác của Chính phủ thì sẽ thấy sự vô lý.
Cụ thể, theo điểm b khoản 5 Điều 17 Nghị định 167/2013 của Chính phủ thì người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt tiền 15-25 triệu đồng mà không bị áp dụng chế tài nào khác. Chẳng hạn, một người nước ngoài khai thác quặng sắt trái phép trên lãnh thổ Việt Nam thì chỉ bị xử phạt tiền, còn máy móc, thiết bị thì không bị tịch thu dù nó liên quan trực tiếp đến vi phạm. Ngược lại, hành vi mua bán trái phép 100 USD thì có thể bị phạt đến 90 triệu đồng và bị tịch thu số tiền quy đổi (như trường hợp của ông Rê).
Quy ra VNĐ để phạt Nên sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014 theo phương thức xác định số lần, tỉ lệ phần trăm của giá trị, số lượng hàng hóa, tang vật vi phạm, đối tượng bị vi phạm hoặc doanh thu, số lợi thu được từ vi phạm hành chính. Phương thức xác định khung mức phạt tiền sẽ phù hợp với loại vi phạm này. Nên quy ngoại tệ ra giá trị tiền VNĐ để xử phạt. Luật sư NGUYỄN SƠN LÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM Phân biệt mức độ vi phạm Trong xử lý vụ án hình sự có phân biệt rõ trường hợp ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng để từ đó có mức hình phạt tương xứng, vậy mà trong Nghị định 96/2014 không phân biệt. Không lý gì mua bán 1 triệu USD cũng bị phạt như 1 USD. Tức là khi ban hành nghị định, nhà làm luật đã không xem xét hết các yếu tố có khả năng thực thi hay không. Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM |
Biện pháp khắc phục hậu quả trong Nghị định 96/2014 cũng chưa ổn. Đơn cử, tại khoản 7 Điều 27 quy định biện pháp khắc phục hậu quả là không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm (đối với hành vi che giấu, thanh toán đối với những khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp).
Việc này không chỉ vi phạm quyền tự do kinh doanh của cá nhân, tổ chức mà còn trái với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Điều 30 luật này quy định tùy theo loại hình hoạt động, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản, tổ chức tín dụng được thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước, kể cả tỉnh, TP trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính.
Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện thì điều kiện thành lập được quy định rõ trong Thông tư số 40/2011 của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư này không có bất kỳ quy định nào cấm thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời gian chưa khắc phục xong hậu quả của vi phạm hành chính.
Việc xử phạt vi phạm hành chính không chỉ mang tính chất trừng trị, răn đe mà còn phải hướng đến mục đích giáo dục người vi phạm. Với những phản ứng của dư luận về vụ việc tại Cần Thơ và những bất cập trong các quy định nêu trên, đã đến lúc rà soát, sửa đổi toàn diện Nghị định 96/2014. Việc sửa đổi cần hướng tới mục đích là xác định cụ thể giá trị, số lượng, tính chất, mức độ vi phạm để từ đó áp dụng các hình thức, mức tiền phạt và biện pháp khắc phục hậu quả tương xứng với hành vi vi phạm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Sắp sửa Nghị định 96 Ngày 26-10, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết ông đã giao cho giám đốc NHNN Việt Nam cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ của vụ việc để tư vấn cho UBND TP Cần Thơ có hướng xử lý phù hợp. Cũng theo ông Hưng, Nghị định 96/2014 trên đang nằm trong kế hoạch sửa đổi, bổ sung trong năm 2018. Theo đó, việc phân loại mức vi phạm là một nội dung đáng chú ý khi sửa. Cũng bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng việc mua bán ngoại tệ trái pháp luật xảy ra nhiều nhưng xử lý cần có trọng tâm, trọng điểm. Với hành vi đổi 100 USD mà bị phạt 90 triệu đồng là không hợp lý. Đối với tiệm vàng, nếu cơ quan chức năng theo dõi, thấy quá trình kinh doanh vi phạm đã lâu thì có thể xem xét xử lý, thậm chí xử lý hình sự. Còn người dân mang 100 USD đi ra tiệm vàng đổi mà bị phạt đến 90 triệu đồng là quá nặng, không hợp lý. Nếu có xử lý người dân đến đổi 100 USD thì chỉ cần lập biên bản tịch thu số tiền đó. VIẾT LONG - ĐỨC MINH Ông Rê có thể được miễn hoặc giảm tiền phạt? Ngày 26-10, ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết đã có đơn gửi ngành chức năng xin xem xét được miễn hoặc giảm số tiền phạt. Theo ông Rê, nếu không được miễn toàn bộ thì cũng xin giảm một phần số tiền phạt 90 triệu đồng. Ông Rê chưa nộp phạt với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông là lao động chính, thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Do cần tiền nên ông đem 100 USD của người thân cho đi đổi lấy tiền Việt nhưng không ngờ bị phạt. Chiều tối cùng ngày, xác nhận với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quốc Hà (Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ) khẳng định cơ quan đã nhận được chỉ đạo của Thống đốc Lê Minh Hưng. Theo đó, thống đốc chỉ đạo tham mưu ý kiến để giúp cho UBND TP Cần Thơ có hướng xử lý phù hợp. Tức là làm sao để người dân có thể thi hành được mức phạt, nếu điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn thì có thể xem xét miễn hoặc giảm mức phạt theo Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính. HẢI DƯƠNG - THÙY LINH |