Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.
Theo đó, Chính phủ nhìn nhận kết quả giải ngân chín tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 45,17% kế hoạch Quốc hội đề ra. Trong đó, giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 18,8%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (50,93%).
Ngành giao thông hiện nay có 25 dự án đang thiếu vốn. Ảnh: VIẾT LONG
Chính phủ cho rằng tỉ lệ giải ngân thấp gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định ký kết, huy động các nguồn vốn xã hội khác để đầu tư cơ sở hạ tầng và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện các quy định về quản lý đầu tư công. Trên cơ sở đó, khẩn trương trình Chính phủ ban hành các nghị định và văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư công.
Bên cạnh đó, chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019.
Cụ thể, dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không hết số vốn được giao sang cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn, có khả năng giải ngân tốt, bảo đảm hiệu quả đầu tư trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong nội bộ bộ, cơ quan trung ương và địa phương…
Chính phủ giao các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2019 của lãnh đạo bộ, cơ quan trung ương và địa phương… Lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực (kỹ thuật và tài chính), kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, hàng hóa, dịch vụ.
Đặc biệt, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ hoặc suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu.
“Kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp...” - Chính phủ nhấn mạnh.