Tây Nguyên đang trong cao điểm mùa khô, mực nước trên các sông, suối đang giảm nhanh, một số nơi đã cạn kiệt nguồn nước. Trước thực trạng này, chính quyền cùng người dân vùng Tây Nguyên khẩn trương tìm, triển khai các giải pháp cung cấp nước ứng phó với tình hình nắng hạn.
Cây khô, người khổ
Vừa bật công tắc bơm giếng, bà H’Nhơn Byă (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), vừa tỏ vẻ bực dọc: “Nắng quá, nước giếng cạn. Cả tháng nay, mỗi ngày tôi phải bật máy bơm hơn 10 lần, mỗi lần chỉ bơm khoảng 5 phút mới đủ nước dùng”.
Cách nhà bà H’Nhơn vài bước chân, chị H’Kriếc Mlô cũng nhẫn nại chờ bơm nước đầy chậu để giặt đồ.
Theo chị H’Kriếc, chị và hai nhà hàng xóm cùng khoan và dùng chung một cái giếng. Năm nay nắng hạn gay gắt, kéo dài nên mực nước giếng giảm sâu, phải bơm lâu.
Gần nhà chị H’Kriếc và bà H’Nhơn có một công trình nước sạch được đầu tư khá bài bản nhưng hiện đang để hoang, không hoạt động. Tại công trình, cỏ cây mọc um tùm.
Theo tìm hiểu của PLO, đến nay tình hình nắng nóng ở khu vực Tây Nguyên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum chịu ảnh hưởng nặng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh kể trên, có 531 hộ tại tỉnh Đắk Lắk, 500 hộ tại tỉnh Đắk Nông và 140 hộ tại tỉnh Gia Lai thiếu nước sinh hoạt.
Hiện, các hộ dân tại các tỉnh thuộc Tây Nguyên thiếu nước sinh hoạt đã chủ động xin nước của các hộ xung quanh để sử dụng.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng thực hiện nhiều giải pháp để cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Thượng tá Hà Trọng Bảo, Giám đốc Công ty 72 (thuộc Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng), cho biết thời gian gần đây, mỗi ngày đơn vị huy động ba xe nước sạch, cấp miễn phí cho người dân làng Sơn và thôn Đức Hưng, xã Ia Nan (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).
UBND huyện Đức Cơ cũng vừa có quyết định xuất ngân sách dự phòng gần 200 triệu đồng để thuê đơn vị khoan giếng, hỗ trợ người dân tại xã Ia Nan.
Còn Trung tá Nguyễn Văn An, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Rvê (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), cho biết ngày 20-4 vừa qua, đơn vị cùng người dân đã hoàn thành đưa công trình giếng nước sạch tại thôn 2, xã Ia R’vê.
Theo Trung tá An, việc giếng nước sạch được đưa vào sử dụng đã phục vụ cho 185 hộ, góp phần giảm bớt những khó khăn của nhân dân trong những ngày nắng nóng, khô hạn.
Cũng tại xã Ia R’Vê, những ngày qua Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 (Quân khu 5) đã huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước sạch đến tiếp tế cho nhiều hộ dân có nhu cầu về nước sinh hoạt trên địa bàn xã.
Quay cuồng chống hạn
Ngoài việc thiếu nước sinh hoạt, nông dân tại Tây Nguyên đang lo sốt vó vì nhiều ao hồ cạn trơ đáy, không đủ nước tưới cho cây trồng.
Vừa đào rãnh, cố chắt những đám nước còn sót lại trong lòng hồ về vị trí đặt máy bơm, anh Nguyễn Thanh Vũ (thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, Gia Lai) vừa chia sẻ với nhiều lo lắng.
Theo anh Vũ, hồ nước thôn Tây Hồ rộng gần 20 ha nay đã trơ đáy. Ngay giữa lòng hồ anh Vũ đã đào rãnh sâu hơn ba mét, dài cả trăm mét để tích nước nhưng cũng không đủ tưới cho vườn chanh dây phía trên bờ.
“Vườn chanh dây của tôi có diện tích bảy ha. Vừa rồi tôi đầu tư gần 1 tỉ đồng. Nếu thiếu nước, vườn chanh dây không đạt năng suất”, anh Vũ lo ngại.
Tương tự, đập thủy lợi Đắk Ghềnh (xã Đắk Gềnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đã khô trơ đáy gần hai tháng nay.
Để tiếp nước từ nhà ra rẫy, tưới cho hàng trăm cây cà phê đang héo rũ vì nắng nóng sát bên bờ hồ, vợ chồng ông Lê Văn Hiếu (xã Đắk Ghềnh) phải kéo hơn 800 m ống.
“Khi hồ sắp cạn, tôi có đào ao trữ nước. Thế nhưng, nắng hạn kéo dài, hồ dự trữ của tôi cũng trơ đáy”, ông Hiếu nói.
Theo quan sát của PLO, hiện mực nước tại các hồ chứa, đập, sông suối trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum bị sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều hồ đã khô trơ đáy ảnh hưởng tới hàng ngàn ha cây trồng.
Tại tỉnh Gia Lai, Sở NN&PTNT tỉnh này thống kê có 275 ha cây trồng bị ảnh hưởng do nắng hạn, gây thiệt hại gần 7,3 tỉ đồng.
Tại tỉnh Đắk Nông, có 31 công trình thủy lợi hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước. Tổng dung tích các hồ chứa còn lại chỉ còn khoảng 71 triệu m3 (thấp hơn 50% so với dung tích thiết kế).
Nếu tiếp tục nắng nóng kéo dài, địa bàn tỉnh sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ảnh hưởng đến gần 10.000 ha cây trồng các loại.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, Sở NN&PTNT tỉnh này thống kê đã có 44 công trình thủy lợi cạn nước khiến hơn 2.000 ha cây trồng các loại thiếu nước. Nếu hạn hán còn kéo dài, có khoảng 5.000-8.000 ha cây trồng các loại tại Đắk Lắk thiếu nước.
Để ứng phó với hạn hán, ngoài các giải pháp tiết kiệm nước, nạo vét kênh mương, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đã cho lắp nhiều trạm bơm dã chiến, bơm tiếp nước về các vùng sản xuất trọng điểm đang thiếu nước.
Còn tại tỉnh Đắk Nông, Sở NN&PTNT tỉnh này vừa có văn bản đề nghị Cục Thủy lợi tổng hợp, báo cáo Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng mới 10 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí khoảng 467 tỉ đồng để phục vụ tưới cho gần 4.000 ha cây trồng.
Chuyên gia lý giải về thời tiết bất thường ở Tây Nguyên
Trao đổi với PLO về đợt hạn hán năm nay, ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng Phòng dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên), cho biết do ảnh hưởng El Nino, nền nhiệt khu vực Tây nguyên ở mùa khô năm nay tăng cao hơn trung bình nhiều năm.
Theo ông Huấn, hiện tượng này thường xuất hiện 3-4 năm một lần và có ảnh hưởng lớn đến thời tiết và khí hậu trên toàn thế giới.
Ông Huấn nhận định thêm, mùa mưa ở Tây Nguyên năm nay sẽ đến trễ khoảng 15-20 ngày so với các năm. Tuy nhiên, ngay trong mùa mưa, vẫn có nguy cơ thiếu nước do mưa gián đoạn trong các tháng đầu (tháng 6-7).
Ông Huấn khuyến cáo cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên cần lên kế hoạch sử dụng nguồn nước chặt chẽ, tưới tiết kiệm và dự phòng đủ nước sản xuất cho tới mùa mưa.
Còn GS-TS Bảo Huy, Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk) nhận định, suy cho cùng, việc suy giảm độ che phủ của diện tích rừng tự nhiên là một trong những yếu tố khiến vùng Tây Nguyên nắng hạn như hiện nay.
“Chức năng sinh thái của rừng tự nhiên rất đa dạng, rất quý, khác hẳn so với rừng nhân tạo, độc canh, độc cây. Rừng tự nhiên có khả năng tích lũy nước trong đất. Vào mùa khô, rừng tự nhiên có khả năng điều tiết nước, tăng độ ẩm của không khí, thậm chí có thể giúp gây mưa cục bộ”, GS-TS Bảo Huy nói.
Cũng lời GS-TS Bảo Huy, ở Tây Nguyên, độ che phủ rừng vẫn cao. Tuy nhiên, thực tế độ che phủ của rừng tự nhiên ở Tây Nguyên bị suy giảm vì có thời gian bị khai thác quá mức.