Nông dân Tây Nguyên quay cuồng tìm nước tưới cây giữa mùa hạn hán

(PLO)- Hàng chục hồ chứa tại Đắk Lắk và Đắk Nông bị khô kiệt nước do hạn hán. Hằng ngày, người dân chật vật tìm nguồn nước “cứu” cây trồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày đầu tháng 4, tiết trời Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Dọc quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông, những đám thực bì hai bên đường bị đốt cháy để phòng hỏa hoạn khiến khung cảnh thêm phần trơ trọi, khô khốc.

Quay cuồng tìm nước “cứu” cây

hạn hán 4.JPG
Một cánh đồng lúa bỏ không vì hạn hán tại Đắk Nông. Ảnh: T.T

Đến địa phận thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, PV bắt gặp nhiều cánh đồng bỏ hoang, trơ gốc rạ của vụ lúa trước. Trên ruộng, nhiều vết nứt ngang dọc kéo dài hút mắt.

“Mấy tháng rồi chẳng có mưa, đồng ruộng khô kiệt nước nên bà con không trồng lúa” - anh Y Sơn Êban, một người dân gần ruộng nói.

Tìm đến hồ chứa nước ở lâm trường Đắk Gềnh (xã Đắk Gềnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), PV ghi nhận nơi đây đã khô kiệt nước. Trong lòng hồ, cỏ đã mọc um tùm.

Bên bờ hồ, PV gặp vợ chồng ông Lê Văn Hiếu đang hì hục kéo ống vào rẫy cà phê. Lau vội mồ hôi, ông Hiếu cho biết hồi tháng 2 hồ Đắk Gềnh đã khô kiệt nước.

Từ đó đến nay, vợ chồng ông Hiếu phải kéo 15 cuộn ống với tổng chiều dài gần 800 m để dẫn nước từ nhà ra rẫy “cứu” hàng trăm cây cà phê đang héo úa vì nắng nóng, hạn hán.

“Nước trên nhà cũng cạn, tôi chỉ tưới cầm chừng để cứu cây qua mùa hạn hán. Nếu hết tháng 4 này trời không mưa, tôi sợ nguồn nước giếng cũng cạn kiệt, hết cách cứu cà phê” - ông Hiếu lo lắng nói.

hạn hán 2.JPG
Nhiều cây cà phê trong rẫy ông Hiếu bị chết khô vì hạn hán. Ảnh: T.T

Còn tại hồ Đắk Láp (cùng xã Đắk Gềnh), ông Y Kun Knul liên tục di chuyển máy bơm để thay đổi vị trí lấy nước, tưới cho 1,8 ha cà phê gần đó.

Theo ông Y Kun, hồ Đắk Láp hiện đã rơi vào mực nước chết. Với tình hình hạn hán, nắng nóng như hiện tại, hồ này chỉ còn cung cấp nước tưới được khoảng 10 ngày là trơ đáy.

“Bữa rồi có mưa, nhưng lượng mưa không thấm vào đâu. Năm nay hạn hán kéo dài khiến nhiều hồ đập cạn nước. Nếu vài bữa nữa không mưa, chắc chắn năng suất cây cà phê và nhiều loại cây trồng khác cũng bị suy giảm vì thiếu nước”, ông Y Kun lo lắng.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều hồ chứa nước trên địa bàn cạn kiệt nước, ảnh hướng tới nhiều diện tích cây trồng.

Cụ thể, có 10 công trình thủy lợi tại huyện Đắk Mil đã hết nước, ảnh hưởng tới 1.370 ha cây trồng các loại. Trong đó, có hơn 450 ha cây trồng không có nguồn nước bổ sung để chống hạn.

Tại huyện Krông Nô, có bốn công trình thủy lợi đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt, ảnh hưởng đến 188 ha cây trồng các loại

Cũng theo báo cáo, thời gian tới nếu không có mưa, các huyện: Krông Nô, Cư Jút và Đắk Mil của tỉnh Đắk Nông sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, ảnh hướng tới khoảng 8.000 ha cây trồng các loại.

Nhiều hồ đập trơ đáy

Tại tỉnh Đắk Lắk, hạn hán, nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua đã khiến nhiều hồ đập khô kiệt nước.

Ông Y Tuyên Du, Phó chủ tịch UBND xã Bông Krang, cho biết hiện nhiều suối nhỏ trên địa bàn đã cạn kiệt nước. Lượng nước mặt còn lại tại các suối khác chỉ còn 50-70%. Ngoài ra, 11 công trình thủy lợi trên địa bàn xã Bông Krang chỉ còn 20-30% lượng nước so với dung tích thiết kế.

HẠN HẠN 5.jpg
Hồ nước tại huyện Krông Búk đã trơ đáy. Ảnh: Q.H

Trong một báo cáo liên quan, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện có 33 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh này cạn nước, 121 hồ chứa khác mực nước đã xuống dưới 50%.

Theo báo cáo này, nếu tình hình nắng nóng tiếp tục kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến khoảng 5.000-8.000 ha cây trồng trên địa bàn các huyện Krông Pắk, Krông Bông, Buôn Hồ, Ea Súp… của tỉnh Đắk Lắk.

Cũng theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Lắk có 433.579 ha cây trồng các loại. Hiện, hạn hán chưa gây ra thiệt hại đối với cây trồng. Tuy nhiên, các địa phương, đơn vị đang triển khai các biện pháp để chống hạn cho 1.385 ha cây trồng các loại.

“Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tới nhiều diện tích cây trồng của người dân. Đáng lo nhất là diện tích cây công nghiệp” - ông Đoàn Quang Hưng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk lo lắng.

hạn hán 3.JPG
Người dân chỉ đủ nước tưới cầm chừng để cứu cây. Ảnh: T.T

Trước tình hình hạn hán kéo dài, UBND các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đều ban hành nhiều kế hoạch, phương án nhằm điều tiết nguồn nước, bổ sung nước tưới cho các vùng.

Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đơn vị đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp chống hạn, sử dụng tất cả các nguồn nước để phục vụ sản xuất, tiết kiệm nguồn nước tưới. Bên cạnh đó cần phải nạo vét, nâng dung tích hồ chứa nước để phục vụ cho sản xuất.

Còn ông Đoàn Quang Hưng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, cho biết ngoài việc cập nhật về tình hình nguồn nước, diễn biến hạn hán, đơn vị đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

Các cơ quan chuyên môn cũng thường xuyên đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi để tính toán cân bằng nước, đưa ra phương án sử dụng nước hợp lý, phân bổ kịp thời nguồn nước đến các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.

Về lâu dài, ông Hưng cho biết cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi. Đặc biệt, đối với cây trồng dài ngày, có giá trị kinh tế cao người dân cần tăng cường áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, thực hiện các giải pháp tưới tiết kiệm nước.

Theo thông tin từ Cục Thủy lợi, bộ NN&PTNT, từ ngày 10 đến ngày 12-4, Đoàn công tác của Cục Thủy lợi sẽ làm việc với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai và Đắk Lắk về công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2023-2024.

Theo kế hoạch, Đoàn công tác sẽ kiểm tra thực địa một số khu vực khó khăn về nguồn nước. Qua đó, nắm thực trạng về nguồn nước, hạn hán, thiếu nước mùa khô 2023-2024…để tìm giải pháp tháo gỡ cho địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm