Chính quyền đô thị: Phân cấp nhiều hơn để TP.HCM chủ động, linh hoạt

Chính quyền đô thị: Phân cấp nhiều hơn để TP.HCM chủ động, linh hoạt

(PLO)- TP.HCM mong muốn được phân cấp nhiều hơn nữa để tăng trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, sở, ngành, giảm tải tối đa đầu việc cho cấp TP.

Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết “Trải lòng từ cấp cơ sở sau 1 năm thực hiện chính quyền đô thị ở TP.HCM”,trong đó nêu lên những thuận lợi, những điều đã làm được cũng như những khó khăn của TP.HCM kể từ khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Để có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM.

TP mong muốn phân cấp, ủy quyền càng nhiều càng tốt

Qua quá trình thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM, chúng tôi nhận thấy bước đầu TP đã đạt được những kết quả nhất định, làm tiền đề để tiếp tục phát huy mô hình này. Đáng chú ý là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị rất cụ thể, có tính chủ động hơn khi vừa quyết định, vừa chịu trách nhiệm, linh hoạt trong điều hành nhờ sự phân cấp, ủy quyền rõ ràng. Một số đầu việc được cụ thể hóa theo góc độ cá nhân chịu trách nhiệm, quyền đi đôi với nghĩa vụ khiến công việc diễn ra nhanh, hiệu quả hơn.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tuy nhiên, do TP.HCM mới thực hiện chính quyền đô thị được hơn một năm nên còn một số vấn đề cần tiếp tục xin cơ chế, hoàn thiện khung pháp lý cũng như nghiên cứu để có cách tổ chức phù hợp hơn.

Chẳng hạn, 16 quận không còn là cấp ngân sách khiến các quận chưa được chủ động trong giải quyết một số đầu việc cấp bách mà phải trình ra HĐND TP để xem xét bổ sung, điều chỉnh nên rất chậm. Do đó, TP cần nghiên cứu đề xuất việc giao thẩm quyền cho các chủ tịch quận chủ động hơn trong vấn đề này.

Thực chất, TP.HCM mong muốn được phân cấp càng nhiều càng tốt để tăng trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, sở ngành, giảm tải tối đa đầu việc cho cấp TP nhằm tập trung đầu tư nghiên cứu các chiến lược, đề án lớn phát triển với tầm nhìn xa hơn.

Cán bộ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM tiếp nhận một khối lượng hồ sơ lớn của người dân để giải quyết mỗi ngày. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cán bộ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM tiếp nhận một khối lượng hồ sơ lớn của người dân để giải quyết mỗi ngày. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Tuy nhiên, việc phân cấp, ủy quyền phải thận trọng, xem xét khả năng thực hiện của từng địa phương, đơn vị thông qua nguồn lực, hạ tầng, nhân lực… Địa phương nào có đủ điều kiện, có khả năng làm tốt thì mạnh dạn phân cấp, ủy quyền; những địa phương không đủ điều kiện, khả năng làm chưa tốt thì cần tính toán lại, tránh việc cào bằng. Hơn nữa khi đã phân cấp, ủy quyền thì phải giao trọn quyền, nếu không sẽ xảy ra cơ chế xin - cho, trình văn bản lòng vòng.

Ngoài ra, liên quan đến tài chính, ngân sách, quyết định các dự án lại càng phải thận trọng trong phân cấp, ủy quyền, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Thực hiện chính quyền đô thị nhưng công việc của dân lại chậm hơn

Chúng ta đề xuất thực hiện chính quyền đô thị để tối đa hóa hiệu quả công việc, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực giải quyết hồ sơ hành chính cho dân, thúc đẩy tốc độ phát triển của TP, làm sao để người dân TP này có cuộc sống sung túc nhất. Tuy nhiên, qua kết quả giám sát ở các quận, huyện, TP Thủ Đức và các sở, ngành cho thấy việc thực hiện Nghị quyết 131 lại khiến một số công việc trở nên chậm hơn.

Đại biểu LÊ TRƯƠNG HẢI HIẾU, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM

TP mong tự điều phối biên chế về cho phường, xã

Trước thực trạng quá tải, có rất nhiều vấn đề của TP mang tính chất đặc thù khác so với các địa phương khác. Nếu cứ theo quy trình xin ý kiến trung ương, tổ chức họp, cho ý kiến sẽ rất chậm trễ, không kịp bắt nhịp với sự phát triển của TP mà ách tắc công việc rất lớn. Từ đó TP mới xin cơ chế với Nghị quyết 54, Nghị quyết 131… để có những hướng mở, tạo sự chủ động hơn cho TP.

Qua thực hiện, không phải các cơ chế này không hiệu quả mà TP.HCM gặp vướng về cơ chế, pháp lý vì trung ương cho cơ chế đặc thù nhưng muốn làm phải có ý kiến của các bộ, ngành.

Suy cho cùng, cốt lõi của vấn đề này là cơ chế và con người. Là làm sao để TP.HCM được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm mà không phải xin ý kiến bộ, ngành. Khi TP phân cấp về cho quận, huyện, sở, ngành thì các cơ quan này cũng phải chịu trách nhiệm trước TP. Ai làm không tốt thì bước ra để người khác thế vào.

Cùng với đó, phải để TP được chủ động phân bổ biên chế dựa trên tổng biên chế mà TP được giao. Từ đó, TP.HCM có thể áp dụng cơ chế quản lý, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức tùy theo đặc thù, tình hình của từng địa phương. Tức chúng ta không tăng thêm biên chế do Chính phủ, Bộ Nội vụ giao nhưng có quyền chủ động, linh hoạt trong điều phối. Trường hợp phòng, ban, cơ quan ở địa phương đó có áp lực công việc thì bố trí thêm cho phù hợp chứ không cào bằng, mà phải làm sao sử dụng cán bộ, công chức hiệu quả nhất.

LÊ THOA ghi

Cần giải pháp đảm bảo đời sống cán bộ, công chức

Vừa qua, tại giám sát của HĐND TP.HCM về Nghị quyết 131, đại biểu Lê Minh Đức đặt vấn đề tình trạng các cán bộ, công chức đang phải chịu nhiều áp lực trong công việc, trong khi mức lương thấp khiến đời sống gặp khó khăn. Nhiều người đã rời bỏ khu vực công sang khu vực tư để làm việc, cũng không ít người xin nghỉ.

Bên cạnh đó, quy định số biên chế của trung ương cho phép chưa phù hợp với thực tiễn tại một số địa phương, vì vậy cần có giải pháp đảm bảo đời sống của cán bộ công chức để họ yên tâm làm việc.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết sở sẽ có rà soát. Bởi hai năm qua, hơn 6.000 cán bộ, công chức đã nghỉ việc do áp lực công việc, do cơ cấu quản lý, cũng có người nghỉ vì lý do cá nhân.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận đội ngũ cán bộ hiện nay vừa thừa vừa thiếu, dù TP.HCM đã có đề án vị trí việc làm. Bà Lệ đề nghị UBND TP có sự quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ, công chức, đồng thời tiếp tục xây dựng đề án biên chế hành chính phù hợp với cơ chế, đặc thù TP.

THANH TUYỀN

Đọc thêm