Trải lòng từ cấp cơ sở sau 1 năm thực hiện chính quyền đô thị ở TP.HCM

Trải lòng từ cấp cơ sở sau 1 năm thực hiện chính quyền đô thị ở TP.HCM

(PLO)- Nhiều quận, phường ở TP.HCM cho rằng khó khăn lớn nhất của chính quyền đô thị là không được chủ động về ngân sách để giải quyết những việc cấp bách, phát sinh.

Mới đây, HĐND TP.HCM đã giám sát việc thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.HCM ở một số quận. Nhiều địa phương than khó vì “vừa thiếu tiền vừa thiếu người” và mong sớm có những bài toán căn cơ để chính quyền cơ sở có thể phát huy hết hiệu quả của mô hình này.

Một cán bộ nhưng hàng chục đầu việc

Có mặt ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, phường đông dân nhất TP.HCM, vào những chiều muộn, chúng tôi vẫn thấy các cán bộ phường miệt mài ngồi máy tính để nhập liệu, sắp xếp hồ sơ dù đã quá giờ làm việc.

Bà Trần Kim Hoàng, cán bộ phụ trách kinh tế phường, là một trong 14 cán bộ không chuyên trách được phường giữ lại sau khi tinh giản theo các quy định. Bà Hoàng từ bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ được chuyển sang phụ trách lĩnh vực kinh tế. Lĩnh vực này trước đó có đến tám người nhưng bây giờ chỉ có một mình bà Hoàng gồng gánh.

“Ban ngày tôi đi địa bàn, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân rồi chiều muộn về làm báo cáo, làm không xong thì mang về nhà làm tiếp” - bà Hoàng kể.

1 năm thực hiện chính quyền đô thị ở TP.HCM

Cán bộ UBND quận Bình Tân, TP.HCM tiếp nhận giải quyết khối lượng hồ sơ lớn mỗi ngày. Ảnh: NGUYỆT NHI

Với 64 đầu việc cố định và nhiều công việc phát sinh, gần như bà Hoàng không có thời gian cho gia đình. “Nhiều hôm 2-3 giờ sáng, người dân gọi báo cháy, thưa kiện, tiếng ồn cũng phải xuống nắm tình hình, báo cáo…” - bà Hoàng nói và mong thời gian tới lĩnh vực này bổ sung người để giải quyết công việc cho người dân được tốt hơn.

Theo ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, việc vừa thực hiện Nghị quyết 131 lại vừa thực hiện Nghị định 34/2019 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, phường, đã tinh gọn bộ máy nhân sự từ hơn 60 người xuống còn khoảng 34 người.

Vốn là địa phương chịu nhiều áp lực vì dân số đông, địa bàn rộng, nay lại giảm gần một nửa cán bộ khiến một cán bộ làm việc gấp ba lần, có người phải làm 30-40 đầu việc, thậm chí hơn 64 đầu việc của một cấp cơ sở. “Ở bộ phận kinh tế phường, trước đây có tám cán bộ không chuyên trách, mỗi người quản lý năm khu phố, bây giờ chỉ còn một người ôm trọn 27 khu phố với 64 đầu việc không kể ngày đêm” - ông Dũng dẫn chứng.

Từng chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho biết số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách của phường là 344 người. Ngoài phường An Lạc A có hơn 30.000 dân, còn lại các phường đều trên 80.000 dân, riêng phường Bình Hưng Hòa A là 128.000 dân, khối lượng công việc rất lớn. “Trường hợp phát sinh dịch bệnh thì việc thiếu hụt lực lượng là hoàn toàn có thể xảy ra” - ông Nhựt nhìn nhận.

291

cán bộ chuyên trách HĐND quận, phường đã được TP Thủ Đức, các quận và phường sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ chính sách, tính đến ngày 1-7-2022. Trong đó có 50 cán bộ chuyên trách HĐND quận và 241 cán bộ chuyên trách HĐND phường.

Muốn sửa đường, phải vận động dân bỏ tiền

Ngoài vấn đề biên chế, nhiều lãnh đạo phường, quận nhìn nhận khó khăn lớn nhất hiện nay của CQĐT là vấn đề ngân sách. Bởi khi thực hiện CQĐT, quận, phường từ cấp ngân sách trở thành đơn vị dự toán ngân sách. Quận, phường không còn những khoản kết dư hằng năm để giải quyết các vấn đề cấp bách ở địa phương mà phải chờ TP, trong khi quy trình này cũng không dễ dàng.

Ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, chia sẻ: “Đường sá, hẻm nhỏ ở phường xuống cấp rất nhiều nhưng lãnh đạo phường chỉ có thể nhìn. Vừa qua, chúng tôi phải vận động người dân hai bên đường, hẻm bỏ tiền để nâng cấp, trám, dặm. May sao bà con đồng thuận”.

Theo ông Dũng, trong năm 2022 phường đã vận động người dân hỗ trợ phường nâng cấp, sửa chữa khoảng năm tuyến đường nhỏ với kinh phí hơn 100 triệu đồng/tuyến. Ngay cả tuyến đường trước cổng UBND phường cũng vận động người dân trám các ổ gà. Một số tuyến đường lớn phường cũng đề xuất từ đầu năm nhưng chưa có kinh phí, phải đưa vào dự toán năm sau. “Việc dự toán ngân sách từ đầu năm có nhiều cái lợi, giúp mọi công việc được lên kế hoạch, dự trù kinh phí. Tuy nhiên, khi có những việc đột xuất, cấp bách thì “đứng hình”, chờ xin ngân sách” - ông Dũng nói.

Tương tự, ông Trần Khánh Linh, Chủ tịch UBND phường 9, quận 3, cũng cho hay phường gặp khó khăn khi không chủ động được ngân sách để chi cho các vấn đề đột xuất. “Việc dự toán ngân sách tuy được làm từ đầu năm nhưng sau đó phát sinh nhiều vấn đề mà phường cũng không chủ động được, không biết trước được” - ông Linh nói và cho biết các dự án lớn đã có kế hoạch đầu tư công trung hạn, còn các việc đột xuất như sửa chữa trụ sở khu phố, dặm vá đường, hẻm cũng phải đề xuất lên quận để quận trình Sở Tài chính.

Chủ tịch UBND phường 9, quận 3 mong rằng việc dự toán ngân sách được chủ động hơn, có nguồn kinh phí dự phòng cho địa phương xử lý các vấn đề phát sinh, đột xuất. “Cái chính vẫn là nhằm phục vụ cho người dân tốt hơn” - ông Linh khẳng định.

Phân cấp, ủy quyền mạnh hơn để không phải “xếp hàng”

Trong khi đó, ông Võ Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 3, kiến nghị các dự án dân sinh nên phân cấp, ủy quyền cho chủ tịch quận thực hiện. Nếu chủ tịch quận làm sai thì phải chịu trách nhiệm, như vậy mới tăng trách nhiệm của chủ tịch quận trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Từ đó, việc thực hiện CQĐT được quyết liệt hơn.

“Hẻm 3-4 tỉ đồng mà tập trung về TP, đợi Sở Xây dựng gom, đợi duyệt để quận triển khai thì không biết khi nào” - ông Đức nói và cho biết quận có nhiều dự án hứa với người dân, đã ghi vốn nhưng thủ tục chậm.

Ông Đức kể trong giai đoạn chống dịch, quận lập nhiều khu cách ly tập trung tại trường học. Sau cao điểm dịch, quận phải sửa lại nhà vệ sinh ở những điểm này cho học sinh trở lại trường nhưng với kinh phí được duyệt là 6 tỉ đồng cho toàn bộ hệ thống hơn 30 cơ sở giáo dục thì chỉ có thể “quét quét cho đẹp thôi”. Chưa kể, quận còn nợ ngành y tế khoảng 3 tỉ đồng tiền ăn trong khu cách ly, nợ Co.opmart hơn 200 triệu đồng.

Liên quan đến các công trình trọng điểm của quận, ông Võ Văn Đức cũng cho rằng cần ủy quyền cho chủ tịch quận thực hiện. “Nếu từ bây giờ không làm thì tới năm 2025 chắc chắn chỉ chờ hoặc khởi công, động thổ chứ không đi vào hoạt động được” - ông Đức nói và dẫn chứng công trình trụ sở phường Võ Thị Sáu đã trải qua ba nhiệm kỳ, đã ghi vốn rồi nhưng với tiến độ này thì đến năm 2025 chỉ có thể mới động thổ.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, đề nghị TP cần phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho các quận trong quá trình thực hiện Nghị quyết 131.

Theo ông Khang, khi cấp quận là cấp dự toán ngân sách thì từ phường, quận, TP phải có kế hoạch chi ngân sách, tạo sự chủ động cho cơ quan quyền lực nhà nước, tức làm việc gì cũng có kế hoạch. Tuy nhiên, có những việc nhỏ, những việc ngoài kế hoạch, việc cấp bách thì cần phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới để “không phải xếp hàng”...

Phân cấp, ủy quyền giúp tiết kiệm nhiều chi phí

Theo báo cáo của UBND TP.HCM ngày 9-9 gửi đoàn giám sát HĐND TP.HCM, thực hiện Nghị quyết 131/2020, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều quyết định phân cấp tại một số lĩnh vực như tài chính, KH&ĐT, nội vụ, TN&MT, LĐ-TB&XH, NN&PTNT...

UBND TP còn ban hành quyết định ủy quyền cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP. Chủ tịch UBND TP cũng ban hành quyết định ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND TP.

Việc phân cấp, ủy quyền đã giúp cho các cơ quan, đơn vị chủ động trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò của người đứng đầu, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ. Việc này còn giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, thủ tục cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tiết kiệm chi phí hành chính, văn thư và tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do không phải thông qua khâu trung gian.

UBND TP.HCM nhìn nhận TP là địa phương đầu tiên thực hiện ngay tổ chức CQĐT (không thí điểm) nên ở những bước đầu của quá trình triển khai Nghị quyết 131/2020 đã gặp không ít lúng túng.

Trong đó, số lượng công chức tại TP được phân bổ chưa phù hợp với vị trí việc làm và khối lượng công việc từng vị trí việc làm, quy mô dân số và đặc điểm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, ảnh hưởng đến phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, khi thực hiện CQĐT, UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách, điều này khiến các địa phương khó chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về quốc phòng, an ninh... và nhiệm vụ phát sinh đột xuất trong năm trên địa bàn.

Trường hợp có phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp mà chưa được bố trí dự toán, UBND quận phải báo cáo Sở Tài chính để trình UBND TP, HĐND TP xem xét, giải quyết và cần có thời gian giải quyết kinh phí nên thiếu tính kịp thời và chủ động.


Người dân chỉ mất 10-15 phút để sao y, chứng thực

Một trong những điểm sáng khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị là việc chủ tịch phường có thể ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực, đóng dấu các loại giấy tờ, văn bản.

Có mặt tại UBND phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân vào một ngày tháng 9-2022, chúng tôi ghi nhận phần lớn người dân đến phường để làm thủ tục sao y, chứng thực. Điểm đáng chú ý là từ khi thực hiện việc ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực, đóng dấu thì không còn cảnh người dân phải chờ đợi công chức chạy lên chạy xuống để trình lãnh đạo ký.

Người dân sau khi bốc số chờ đến lượt thì nộp hồ sơ vào, một cán bộ tư pháp - hộ tịch sẽ kiểm tra hồ sơ rồi chuyển sang cán bộ ngồi ngay kế bên ký sao y, chứng thực. Kế đến, hoàn thiện việc đóng dấu, thu lệ phí và trả lại ngay hồ sơ cho người dân.

1 năm thực hiện chính quyền đô thị ở TP.HCM

Ông Trương Minh Trung, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM, ký sao y, chứng thực để trả ngay hồ sơ cho người dân. Ảnh: LÊ THOA

Ông Huỳnh Văn Nhựt cho biết ông đến phường để chứng thực bộ hồ sơ gồm sổ hộ khẩu, bảo hiểm y tế, CMND cho con gái học đại học. “Tôi ít đến phường làm thủ tục nhưng hôm nay đến thấy thủ tục rất nhanh, chừng 10-15 phút là xong rồi” - ông Nhựt nói.

Còn ông Hoài Ân cũng tỏ ra hài lòng khi đến phường để chứng thực hồ sơ xin việc làm. “Do 2-3 năm rồi tôi mới đến phường làm thủ tục, giấy tờ không đủ nên phải phôtô lần nữa, chứ lúc đầy đủ hồ sơ chỉ cần làm 10 phút là xong” - ông Ân chia sẻ.

Ông Trương Minh Trung, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Bình Trị Đông, được giao ký sao y, chứng thực, cho hay mỗi ngày bộ phận tư pháp - hộ tịch nhận khoảng 120 túi hồ sơ. Trong đó có túi ít hồ sơ, có túi nhiều hồ sơ, buộc cán bộ phải kiểm tra thật kỹ trước khi ký, đóng dấu.

Tiếp nhận thêm nhiệm vụ ký sao y, chứng thực từ tháng 4-2022, ông Trung cho biết tuy bản thân có gặp áp lực trong thời gian đầu nhưng có lãnh đạo phường thường xuyên giám sát, nhắc nhở, kiểm tra. Với quá trình làm việc thuận lợi như vậy, ông Trung cố gắng thao tác nhanh để trả ngay hồ sơ cho người dân, đảm bảo không sai sót. “Trước đây công chức nhận hồ sơ xong thì qua phòng lãnh đạo trình ký, mất thời gian hơn. Bây giờ thì rất nhanh, hồ sơ nào xong thì ký hồ sơ đó, trả ngay cho người dân” - ông Trung kể.

Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông Võ Văn An khẳng định việc ủy quyền cho cán bộ ký sao y, chứng thực đã giảm tải và giải quyết nhanh công việc của người dân, được người dân đánh giá cao; lãnh đạo phường cũng có thời gian đi cơ sở nhiều hơn. Bởi trước đó mỗi ngày phải có một lãnh đạo phường ngồi trực ký giấy tờ cho người dân.

Theo ông An, Nghị định 131/2020 cho phép việc ủy quyền thì phường nhanh chóng tổ chức thực hiện chứ không vì sợ trách nhiệm mà để công việc của người dân bị chậm trễ. Dĩ nhiên trường hợp công chức được ủy quyền có công tác đột xuất thì lãnh đạo có thể ký thay. LÊ THOA


Ý KIẾN SỞ NGÀNH

Đề xuất có cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM

Khi thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận trở thành đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư. Điều này sẽ làm giảm tính chủ động trong điều hành quản lý ngân sách của cấp quận, phường, tăng áp lực rất lớn lên Sở Tài chính, UBND cũng như HĐND TP. Trong khi đó, các bộ, ngành trung ương cũng chưa có hướng dẫn cụ thể đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách khi thực hiện chính quyền đô thị.

Trường hợp phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp mà chưa được bố trí dự toán, UBND quận, phường thuộc quận phải đề xuất UBND, HĐND TP.HCM xem xét, giải quyết.

Vừa qua, Sở Tài chính phải giải quyết một lượng công việc khổng lồ, điều chỉnh dự toán ngân sách với hơn 1.400 đơn vị sử dụng ngân sách thuộc UBND 16 quận. Cán bộ, công chức của sở cũng gặp nhiều áp lực về khối lượng công việc.

Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM PHẠM THỊ HỒNG HÀ

Gỡ khó cho cấp quận thực hiện dự án

Việc thực hiện Nghị quyết 131 khiến các quận không chủ động được nguồn vốn để bố trí cho các dự án đầu tư công thuộc ngân sách quận trước đây đã được quyết định đầu tư và đang triển khai thực hiện. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ làm các dự án bị chậm tiến độ do không được bố trí vốn kịp thời. Hiện nay nhu cầu đầu tư của các quận hơn 1.600 tỉ đồng, trong đó các dự án chuyển tiếp là gần 1.000 tỉ đồng.

Do đó, trong nội dung nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 cần bổ sung nội dung cho phép TP.HCM áp dụng cơ chế tài chính đặc thù. Cụ thể, UBND quận là đơn vị dự toán ngân sách quận thuộc TP.HCM có dự phòng ngân sách như cấp ngân sách; thực hiện giao, quản lý, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc. Phòng Tài chính - Kế hoạch quận thực hiện nhiệm vụ của cơ quan tài chính cấp huyện.

Đối với các dự án đầu tư công tại các quận đang gặp khó khăn, triển khai dang dở, như vậy rất lãng phí, Sở KH&ĐT nhận thấy có một số nội dung mà UBND TP.HCM có thể ủy quyền cho quận quyết định và thực hiện dự án theo Nghị quyết 131 nên sẽ cùng các đơn vị tìm quy trình nhanh nhất gỡ nút thắt này.

Về nguồn vốn thực hiện các dự án, nếu chờ quyết toán được phần kết dư ngân sách của các quận, rồi TP phân bổ về thì tiến độ sẽ chậm. Trong khi đó, TP.HCM năm qua được thưởng vượt thu ngân sách 1.600 tỉ đồng. Nguồn này được chi cho đầu tư hạ tầng, chi cho ngân sách cấp dưới, chi cho chương trình trọng điểm của TP.

Trong lúc chờ quyết toán ngân sách kết dư của các quận, huyện, Sở KH&ĐT đề xuất sử dụng khoản thu này để thực hiện các dự án chuyển tiếp với tổng vốn gần 1.000 tỉ đồng.

Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM LÊ THỊ HUỲNH MAI

Chỉnh lý, số hóacác kho hồ sơ dữ liệu

Khi thực hiện Nghị quyết 131 thì thách thức của ngành TN&MT chính là nguồn lực, phải chỉnh lý số hóa các kho hồ sơ từ trước năm 1975 đến bây giờ. Bởi việc duy trì hồ sơ giấy khiến thủ tục đất đai bị chậm trễ, như ở TP Thủ Đức, lượng hồ sơ trễ hạn tới 30%-40%.

Để thực hiện, HĐND TP.HCM cũng đã có nghị quyết bố trí cho Sở TN&MT 519 tỉ đồng để chỉnh lý, số hóa hồ sơ trong giai đoạn trung hạn 2021-2015. Sở TN&MT đã đề xuất đầu tư 483 tỉ đồng để nâng cấp máy móc, thiết bị cho toàn ngành, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được cấp.

Hiện nay Sở TN&MT TP đang chủ động xây dựng nhiều phần mềm để rút ngắn quy trình xử lý hồ sơ. Đồng thời thí điểm phần mềm một cửa điện tử tại các quận 1, 3 và TP Thủ Đức để người dân có thể tra cứu khi giải quyết hồ sơ đất đai.

Nguyên nhân của việc giải quyết hồ sơ thủ tục nhà đất tại TP Thủ Đức vừa qua chậm là do thời điểm mới hình thành, TP Thủ Đức có nhiều vấn đề phát sinh. Trong đó, hồ sơ về đất đai tại TP Thủ Đức chiếm 20% trong tổng số hồ sơ của toàn TP.HCM. Do vậy, cần phải xây dựng nhiều ứng dụng, phần mềm để hỗ trợ giải quyết công việc, vừa sử dụng được trong nội bộ vừa liên thông với cục thuế và các ngành khác. Thời điểm này, hồ sơ đất đai tại TP Thủ Đức căn bản đã được sở này giải quyết, chiếm tỉ lệ 96%-97%...

Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM NGUYỄN TOÀN THẮNG

THANH TUYỀN ghi

Đọc thêm