Gỡ khó để chính quyền đô thị TP.HCM phát triển đồng bộ, hiệu quả

(PLO)- TP.HCM cần nhiều giải pháp để gỡ khó, tháo điểm nghẽn, trong đó có vấn đề về biên chế hành chính phù hợp với đặc thù của một siêu đô thị.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 30-9, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đã chủ trì buổi giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) đối với UBND TP.HCM.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ (trái) và Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: THANH TUYỀN

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ (trái) và Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: THANH TUYỀN

Các quận, huyện cần cơ chế, nguồn tài chính kịp thời

Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu đặt vấn đề với các sở Tài chính, KH&ĐT về giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho cấp quận, huyện khi trở thành đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư, khiến địa phương bị động trong việc quản lý.

Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết để tháo gỡ nội dung này, sở đã tham mưu cho UBND TP một số giải pháp cấp bách trong thẩm quyền của mình.

Cụ thể, Sở Tài chính và Sở KH&ĐT đã tham mưu cho UBND TP.HCM sử dụng số tiền thưởng vượt thu ngân sách trong năm 2022 của TP là 1.654 tỉ đồng để bố trí cho các quận, huyện.

Sở KH&ĐT cho biết qua rà soát, nhu cầu đầu tư của các quận là trên 1.000 tỉ đồng. Sở KH&ĐT cũng đang tham mưu để UBND TP phân bổ nguồn vốn cho các dự án quan trọng, trong đó có các dự án cấp quận.

Cạnh đó, khi xây dựng kế hoạch dự toán cho năm 2022, Sở Tài chính đã đề xuất UBND TP giao gói điều hành chung cấp cho các quận, tạo được sự chủ động tương đối cho các quận.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận từ khi thực hiện mô hình CQĐT, UBND quận, phường khó chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ cấp bách. Trường hợp phát sinh nhiệm vụ cấp bách mà chưa được bố trí dự toán, UBND quận phải báo cáo Sở Tài chính để trình UBND, HĐND TP xem xét, giải quyết nên mất thời gian, thiếu tính kịp thời, chủ động.

Theo ông Hoan, về lâu dài cần phải có Luật CQĐT, trong đó bao gồm quy định về tổ chức bộ máy, biên chế, thẩm quyền trên tất cả lĩnh vực, phải có quản lý đồng bộ, thống nhất mới đạt được hiệu quả cao.

TP cũng sẽ tiếp tục kiến nghị, xem xét, ban hành nghị quyết về tổ chức lại ban bồi thường, giải phóng mặt bằng thành trung tâm phát triển quỹ đất và nghị quyết thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện tại TP.HCM. Đặc biệt, TP sẽ có đề xuất cơ chế chính sách đặc thù về tổ chức và thẩm quyền đối với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức…

Về lâu dài cần phải có Luật CQĐT, trong đó có quy định về tổ chức bộ máy, biên chế, thẩm quyền trên tất cả lĩnh vực để TP.HCM phát triển đồng bộ, đạt hiệu quả cao…

Chủ động gỡ khó, không phải cái gì cũng hỏi, cũng xin

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng Nghị quyết 131 đã mở lối cho TP, giúp TP đạt được một số kết quả nhất định như tiết kiệm được chi phí, rút ngắn thời gian về hồ sơ hành chính, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy đối với các cơ quan chuyên môn.

Tuy vậy, qua giám sát, HĐND TP ghi nhận còn nhiều khó khăn từ cấp quận, phường cho đến TP.

Theo bà Lệ, TP cần rà soát, đánh giá lại cho đúng, trúng và sát với thực tế những khó khăn còn vướng để tiếp tục kiến nghị, đề xuất trung ương tháo gỡ.

Bà Lệ nhấn mạnh cần phải nghĩ đến những điểm tích cực mà Nghị quyết 131 mang lại, để thấy cái khó thì phải tự đối chiếu, rà soát các quy định để chủ động gỡ chứ không phải cái gì cũng đi hỏi, đi xin.

“Chúng ta làm cho mình chứ không làm cho ai hết. Cần phân tích những nguyên nhân, kể cả nguyên nhân làm được, chưa được, cái nào khách quan, cái nào chủ quan để có đánh giá sát nhất” - bà Lệ nói.

Chủ tịch HĐND TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, của các cơ quan, đơn vị; ý thức tự soi, tự sửa trong quá trình triển khai thực hiện để làm sao đạt hiệu quả tốt nhất.

Bà Lệ cơ bản thống nhất với phương hướng mà UBND TP đã đề ra và đề nghị lãnh đạo UBND TP rà soát, tiếp tục kiến nghị Chính phủ tổ chức lại ban bồi thường, giải phóng mặt bằng, đội quản lý trật tự xây dựng đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, chủ tịch UBND quận, huyện…

Đặc biệt, cần tập trung kiểm tra, đánh giá, khắc phục những hạn chế, những việc mà đoàn giám sát, thanh tra đã chỉ ra về công tác cải cách hành chính, thanh tra công vụ.•

Phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, đội ngũ cán bộ hiện nay vừa thừa vừa thiếu, dù TP.HCM đã có đề án vị trí việc làm. Từ đó, bà đề nghị phía UBND TP có sự quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ, công chức.

“Nếu áp lực công việc nhiều mà trình độ chưa đủ thì quá trình thực thi nhiệm vụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn” - bà Lệ nói và cho rằng cần suy nghĩ thêm cách làm, làm sao để đổi mới sáng tạo, rút ngắn thời gian làm việc.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy