Thực hiện chính quyền đô thị: Phải làm sao để người dân TP.HCM có cuộc sống sung túc nhất

(PLO)- Chất vấn tại buổi giám sát, ĐB Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM đặt vấn đề về những khó khăn hiện nay tại TP Thủ Đức trong thực hiện nghị quyết 131.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 28-9, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng tiếp tục chủ trì buổi giám sát về tình hình thực hiện nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.HCM đối với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và Sở Thông tin- truyền thông TP.HCM.

Thực hiện chính quyền đô thị: Phải làm sao để người dân TP.HCM có cuộc sống sung túc nhất ảnh 1

Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng chủ trì buổi giám sát về tình hình thực hiện nghị quyết 131, chiều 28-9. Ảnh: THANH TUYỀN

Chất vấn tại buổi giám sát, ĐB Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế- ngân sách HĐND TP.HCM đặt vấn đề về những khó khăn hiện nay tại TP Thủ Đức trong thực hiện nghị quyết 131.

ĐB Hiếu nói, về chính quyền đô thị, cần đánh giá cơ chế của QH, Trung ương cho TP có khác gì so với bình thường hay không.

Ông Hiếu nói 16 quận từ cấp ngân sách thành cấp dự toán, tổn thất rất lớn, các sở cần làm rõ nếu vậy thì chúng ta xin cơ chế đặc thù để làm gì.

“Có người dân cho rằng việc thành lập TP Thủ Đức đến nay là ba bộ máy của ba quận cũ gom lại thành một. Khối lượng cán bộ công chức, công việc, tốc độ giải quyết hồ sơ chậm gấp ba lần so với ngày xưa. Ở góc độ Sở Nội vụ sắp xếp lại cán bộ thì sắp xếp công việc thế nào cho anh em, có lãnh đạo địa phương xin nghỉ…”- ông Hiếu nhắc lại ý kiến người dân.

Ông Hiếu hỏi phía Sở Nội vụ đã tham mưu sắp xếp cán bộ dôi dư như thế nào, sau đó giải quyết công việc ra sao để hiệu quả công việc vẫn đảm bảo.

Bởi, việc thực hiện CQĐT là để đạt mục tiêu tối đa hóa năng suất, hiệu quả công việc, nâng cao năng lực giải quyết hồ sơ hành chính cho dân, thúc đẩy tốc độ phát triển của TP, làm sao để người dân TP này có cuộc sống sung túc nhất. Nhưng kết quả giám sát ở các quận, huyện, TP Thủ Đức mà một số sở cho thấy việc thực hiện nghị quyết 131 khiến một số công việc lại trở nên chậm hơn.

Với Sở TT&TT, ĐB Hiếu nhìn nhận Sở đã có rất nhiều sản phẩm, ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành, tiếp nhận phản ánh của người dân mang lại hiệu quả cao.

ĐB Hiếu nói, ngoài Trung tâm dữ liệu dùng chung thì cũng cần quan tâm xây dựng cho được hai Trung tâm còn lại là Trung tâm điều hành đô thị thông minh và Trung tâm mô phỏng của TP. Hai đề án này đã được ban kinh tế- ngân sách đã bố trí vốn để xây dựng. ĐH Hiếu đề nghị Sở thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện.

Công tác đầu tư công của TP.HCM trong năm 2022 chưa đạt tỉ lệ như mong muốn. ĐB Hiếu đề cập, các dự án cấp quận, huyện cấp thiết phải thực hiện nhưng gặp khó khăn về mặt kinh phí, hầu như các địa phương đều phải tự xoay sở.

“Hiện nay chúng ta triển khai đầu tư công 5 dự án của TP, còn mấy chục dự án của cấp cơ sở chưa thể làm được”- ĐB Hiếu nói và cho rằng, cần tìm cách đẩy nhanh thực hiện các dự án ở cấp cơ sở để sớm liên thông dữ liệu với TP.

Với Sở TT&TT, Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách, HĐND TP đặt vấn đề, trong nghị quyết 131, có cơ chế nào để bắt buộc các sở ngành như Sở TN&MT, cục thuế… các cơ quan ngành dọc phải chia sẻ dữ liệu với TP để tập trung dữ liệu vào một chỗ hay không.

Cũng theo ĐB Hiếu, hiện nay việc giải quyết hồ sơ hành chính vẫn chưa thật sự khiến người dân hài lòng.

“Việc giải quyết giữa các khâu liên quan đến sở, ngành thì các sở không nói chuyện trực tiếp với nhau, chỉ nói chuyện qua hệ thống. Sở này kế sở kia, sát vách tường nhưng cũng phải phát văn bản qua lại với nhau. Quận, huyện cũng vậy, phòng ban này với phòng ban kia, trên lầu, dưới đất, sát bên cũng phát văn bản gửi qua gửi lại khiến quy trình cứ dài ra”- ĐB Hiếu nêu thực tế.

Từ đó, ĐB Hiếu nhấn mạnh cần phải có một nền tảng chung về dữ liệu để sở TN&MT khi cần xác minh nhân thân chỉ cần lên nền tảng đó thì đã có Sở Tư pháp chia sẻ dữ liệu sẵn rồi, đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục cho người dân. Đồng thời, phải tận dụng cơ chế CQĐT để liên thông dữ liệu, thực hiện giải quyết công việc tốt hơn, công tác CCHC có hiệu quả hơn.

Một số đại biểu khác cũng đồng tình việc phải nhanh chóng cập nhật lại hệ thống dữ liệu để sớm liên thông từ cơ sở đến TP, nâng cấp các hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân. ĐB nêu thực tế, có tình trạng cấp phường vào hệ thống để giải quyết phản ánh của người dân, nhưng sau đó lên hệ thống cập nhật lại thông tin đã giải quyết lại không vào được. Điều này dẫn đến tình trạng có cán bộ công chức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong khi lỗi không phải do họ.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng ghi nhận những nỗ lực của các sở trong việc thực hiện nghị quyết 131.

Thực hiện chính quyền đô thị: Phải làm sao để người dân TP.HCM có cuộc sống sung túc nhất ảnh 2

Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Dũng đề nghị các sở cần tiếp tục quan tâm, đánh giá toàn diện việc thực hiện nghị quyết 131, không chỉ là việc sắp xếp bộ máy, ngân sách mà còn đánh giá kỹ hơn về nội dung phân cấp, ủy quyền.

Ông cũng nói, cần phải có đánh giá toàn diện sau 5 năm thực hiện mô hình CQĐT ở các phường, xã, huyện, quận để hướng đến thống nhất thực hiện CQĐT trên toàn TP.

Phó Chủ tịch HĐND TP đặc biệt nhấn mạnh việc phải làm sao để giải quyết công việc của dân nhanh hơn, hiệu quả hơn thì mô hình đó mới mang lại hiệu quả thực sự.

Ông Dũng cũng đề nghị các sở đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử, mở rộng cung cấp các loại dịch vụ công.

Liên quan đội ngũ cán bộ, ông Dũng mong các lãnh đạo sở có sự quan tâm đến chất lượng cán bộ, chú trọng công tác tuyển dụng, sử dụng, để họ phát huy được hết năng lực của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm