Chiều 2-11, không khí tại Quốc hội khá sôi nổi với dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp. Rất nhiều vấn đề đã được thảo luận tại tổ trước đây, nay được mang ra bàn ở nghị trường, từ việc đại biểu tranh luận, vắng mặt cho đến phát biểu cái gì, cầm giấy hay nói vo?
Các ý kiến, tranh luận của các đại biểu (ĐB) xung quanh Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp đều đồng tình là hướng đến một Quốc hội (QH) từ tham luận sang tranh luận, chất lượng tranh luận được nâng cao, mang tính xây dựng, hoạt động QH hiệu quả hơn nữa và tất nhiên phải tuân thủ triệt để những nguyên tắc, quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức QH. Chính vì thế mà ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề cập đến “phiếu xin ý kiến ĐB”.
Bà Thủy nói: “Về việc lấy ý kiến ĐBQH bằng hình thức phiếu xin ý kiến, tại Điều 10. Dự thảo quy định là khi cần thiết thì Ủy ban Thường vụ QH quyết định lấy ý kiến ĐBQH bằng phiếu xin ý kiến và kết quả xin ý kiến ĐBQH sẽ được tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ QH và báo cáo QH.
Chúng tôi nhận thấy trong nội dung điều này còn thiếu một quy định về giá trị của kết quả xin ý kiến ĐBQH bằng phiếu. Trong trường hợp này, kết quả xin ý kiến sẽ là căn cứ để chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết hay là chỉ có giá trị tham khảo?”.
Có thể không nhiều ĐB để ý đến vấn đề này. Bởi nó có thể là thông lệ và được sử dụng hiệu quả khi xin ý kiến ĐB về các vấn đề cần chất vấn thành viên Chính phủ. Nó cũng có thể có tác dụng khi việc phiếu lấy ý kiến ĐB có thể giải quyết được vài điểm còn khác nhau khi thảo luận về một điều luật nhưng đó là với những vấn đề mà đại đa số đông thuận theo hướng… thuận lợi.
Bởi như nhiệm kỳ trước, có những dự luật khi lấy phiếu xin ý kiến ĐB thì có tới hơn 2/3 ĐB không đồng ý xây dựng luật đó. Và quả thực nếu phiếu xin ý kiến ĐB có giá trị pháp lý như một nghị quyết, hoặc ít là được đưa vào nghị quyết của kỳ họp thì nhiệm kỳ XV, một số cơ quan đã không phải tốn thời gian, công sức và tiền bạc cho dự luật ấy.
Tuy nhiên, nếu đặt trong tương quan với Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức QH thì giá trị pháp lý của việc lấy phiếu ý kiến ĐB hay phiếu xin ý kiếnĐB lại là điều làm một số ĐB băn khoăn. Khi trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM về vấn đề này chiều 2-11, có vị ĐB còn cho rằng: Cần phải bỏ hình thức “lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH”. Vì Hiến pháp và Luật Tổ chức QH quy định QH quyết các vấn đề bằng biểu quyết dưới hai hình thức: Biểu quyết công khai và bỏ phiếu kín.
Bởi vậy, ĐB Nguyễn Thị Thủy đặt vấn đề về giá trị pháp lý của phiếu xin ý kiến ĐBQH là rất cần thiết. Nó cần được đặt trong tương quan giữa các luật quy định về hoạt động của QH, bởi tính tuân thủ Hiến pháp và luật phải được đặt lên hàng đầu. Còn nếu sự sáng tạo ấy giúp cho quá trình lập pháp thực sự thì việc thể chế hóa nó một cách toàn diện cũng quan trọng không kém.