Tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng
Điều chỉnh tăng 8% mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho nhóm đối tượng nghỉ hưu trong giai đoạn từ 1/1/2015 đến 30/4/2016.
Thời điểm điều chỉnh mức lương, trợ cấp tăng thêm tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng. Trường hợp đã được điều chỉnh tăng 8% trước đó thì vẫn giữ nguyên mức hưởng.
Người lao động có đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH khi nghỉ hưu từ 1/5/2016 trở đi, lương hưu được tính trên mức lương cơ sở mới 1.210.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, đồng loạt nâng mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với những đối tượng được hưởng thấp hơn 2.000.000 đồng/người/tháng.
Nghị định 55/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn một số nội dung về lương hưu, trợ cấp đối với cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8 quy định.
Cách tính lương mới đối với cán bộ, công chức
Việc tính lương, phụ cấp sẽ dựa trên mức lương cơ sở mới là 1.210.000 đồng/tháng từ 1/5/2016.
Đối với cán bộ, công chức có hệ số lương từ 2,34 trở xuống đã được hưởng tiền lương tăng thêm quy định tại Nghị định 17/2015/NĐ-CP sẽ được thực hiện như sau:
Nếu tổng tiền lương và các khoản phụ cấp lương tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng của tháng 5/2016 thấp hơn tiền lương và các khoản phụ cấp lương cộng với tiền lương tăng thêm theo Nghị định 17 tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng của tháng 4/2016 thì được hưởng chênh lệch cho bằng tổng tiền lương đã hưởng của tháng 4/2016. Mức hưởng chênh lệch này không dùng để tính đóng BHXH, BHYT, BHTN và các loại phụ cấp lương.
Thông tư 05/2016/TT-BNV hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, bãi bỏ Thông tư 07/2013/TT-BNV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8 quy định.
Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Đối tượng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP) sẽ được nhận hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo hướng dẫn mới như sau: Đào tạo nghề theo chi phí thực tế; Đào tạo ngoại ngữ theo mức cụ thể của từng khóa học và thời gian học thực tế, tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học;
Bồi dưỡng kiến thức cần thiết: theo chi phí thực tế, tối đa 530.000 đồng/người/khóa học; Tiền ăn trong thời gian đào tạo: mức 40.000 đồng/người/ngày;
Chi phí đi lại (1 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi cư trú hợp pháp đến địa Điểm đào tạo: mức 200.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú cách địa Điểm đào tạo từ 15 km trở lên; mức 300.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú tại các vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cách địa Điểm đào tạo từ 10 km trở lên;
Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện một số Điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8.
Mức trợ cấp đối với thanh niên xung phong sẽ được điều chỉnh tăng từ 360.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1-1-2016.
Ngoài ra, thanh niên xung phong từ trần kể từ ngày 1-1-2016 nhưng chưa được điều chỉnh trợ cấp như trên thì người tổ chức mai táng sẽ được truy lĩnh khoản tiền chênh lệch do điều chỉnh trợ cấp kể từ ngày 1-1-2016 đến tháng thanh niên xung phong từ trần (số tiền chênh lệch mỗi tháng là 180.000 đồng).
Quyết định 29/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chế độ trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, có hiệu lực từ ngày 20-8 quy định.
Trợ cấp cho người có thành tích trong kháng chiến
Từ 1-8, người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, người có thành tích tham gia kháng chiến, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ sẽ được trợ cấp một lần với mức tiền 1,815 triệu đồng; nếu được nhận Bằng khen cấp Bộ, cấp tỉnh, mức trợ cấp một lần là 1,21 triệu đồng.
Trường hợp người có Bằng khen đã từ trần mà chưa được hưởng trợ cấp một lần thì đại diện thân nhân được hưởng thay. Đặc biệt, không áp dụng mức trợ cấp một lần này với người tham gia kháng chiến được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến.
Quyết định 24/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, có hiệu lực từ ngày 1-8 quy định.
Quy định hệ số lương của người quản lý
Với những người quản lý công ty Nhà nước không chuyên trách, thù lao được tính theo công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý công ty chuyên trách; đối với người quản lý công ty được cử đại diện vốn góp ở nhiều công ty, doanh nghiệp khác thì khoản thù lao do công ty, doanh nghiệp khác trả được nộp về công ty để chi trả theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tối đa không vượt quá 50% mức tiền lương thực tế được hưởng tại công ty.
Đối với tập đoàn kinh tế, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách từ 8,80 - 9,10; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 8,50 - 8,80; Kế toán trưởng là 7,76 - 7,90….
Với tổng công ty đặc biệt, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách là 8,20 - 8,50; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 7,85 -8,20; Kế toán trưởng là 7,00 - 7,33.
Với tổng công ty và tương đương, hệ số lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách là 7,78 - 81,12; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 7,45 - 7,78; Kế toán trưởng là 6,64 - 6,79…
Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8 quy định. Các chế độ được áp dụng từ ngày 1-1-2016.
Tuyển dụng vượt quá kế hoạch, giám đốc không được tăng lương
Từ 1-8, công ty TNHH một thành viên Nhà nước phải đảm bảo tổng số lao động theo kế hoạch trong điều kiện sản xuất, kinh doanh bình thường không được vượt quá 5% so với số lao động thực tế đã sử dụng bình quân của năm trước liền kề.
Trường hợp tuyển dụng vượt quá kế hoạch hoặc không đúng kế hoạch dẫn đến người lao động không có việc làm, phải chấm dứt hợp đồng lao động thì Tổng Giám đốc, Giám đốc hoặc Chủ tịch công ty, Hội đồng thành viên phải chịu trách nhiệm và không được thưởng, không được tăng lương, kéo dài thời gian nâng lương, giảm mức tiền lương. Đây cũng là nội dung để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý.
Nghị định 51/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHHMTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có hiệu lực từ ngày 1-8 quy định.