Dự luật chính sách quốc phòng mới mà Thượng viện Mỹ thông qua ngày 1-8 ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump về việc xây dựng một quân đội lớn mạnh hơn và loại bỏ nguy cơ đối đầu giữa Quốc hội Mỹ với Nhà Trắng về vấn đề công nghệ từ các công ty lớn của Trung Quốc, theo Reuters.
Thượng viện Mỹ đã bỏ 87 phiếu thuận và 10 phiếu chống đối với Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng (NDAA) John S. McCain - đặt theo tên Đô đốc Hải quân Mỹ John S. McCain - ông nội Thượng nghị sỹ John McCain. Đạo luật này nhằm đặt ra các quy định chi tiêu cho quân đội Mỹ và năm nào cũng được bỏ phiếu lại trong hơn 50 năm qua. Đạo luật NDAA cũng được coi là nền móng cho các vấn đề chính sách quốc phòng rộng lớn hơn.
Thượng nghị sỹ John McCain - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ. Ảnh: SCMP
Sau khi đã được Hạ viện thông qua hồi tuần trước, dự luật này không còn trở ngại nào mà chỉ còn chờ ông Trump ký thành luật.
Lỏng tay hơn với Trung Quốc
Đạo luật chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa 2019 có các biện pháp kiểm soát những hợp đồng giữa chính phủ Mỹ với Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Trung Hưng (ZTE) và Tập đoàn Công nghệ Huawei của Trung Quốc vì lo ngại cho an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, những biện pháp kiềm chế lại yếu hơn các “phiên bản” NDAA trước đó và điều này đã “chọc giận” các nghị sỹ Mỹ muốn áp đặt lại các biện pháp trừng phạt cứng rắn với ZTE để trừng phạt tập đoàn Trung Quốc này vì vận chuyển trái phép sản phẩm đến Iran và Triều Tiên.
Logo Tập đoàn Công nghệ Huawei của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Nhưng trong một hành động khác nhắm vào Trung Quốc, NDAA sẽ củng cố Ủy ban về Đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS)- cơ quan có trách nhiệm thẩm định các khoản đầu tư nước ngoài xem chúng có đe dọa đến an ninh quốc gia hay không.
Các nghị sỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ từng có những bất đồng sâu sắc với Tổng thống Trump về việc ông dỡ bỏ lệnh cấm các công ty Mỹ mua bán với ZTE, một quyết định đã mở đường cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc khôi phục kinh doanh.
Nhưng trong bối cảnh Mỹ sẽ bầu cử Quốc hội tháng 11 tới và vì các nghị sỹ trong cùng đảng của ông Trump kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện, đảng Cộng hòa đã né tránh viễn cảnh đối đầu với Nhà Trắng chỉ vì muốn NDAA có các điều khoản khắt khe hơn với Trung Quốc.
Khắt khe với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ
Theo Reuters, NDAA 2019 cho phép quân đội Mỹ chi tới 7,6 tỉ USD để mua 77 chiến đấu cơ F-35 của tập đoàn Lockheed Martin. Nhưng Mỹ lại cấm chuyển giao những tiêm kích hiện đại này cho đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất cho đến khi có các báo cáo từ nhà sản xuất. Đây là một biện pháp cho thấy sự khắt khe hơn với Thổ Nhĩ Kỳ so với những “phiên bản” NDAA trước đó.
Tiêm kích F-35 Mỹ. Ảnh: Business Insider
Giới chức Mỹ đã cảnh báo Ankara rằng hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ tính mua không thể tương thích với hệ thống phòng thủ tên lửa và trên không của NATO. Mỹ cũng không vui về vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam mục sư Andrew Brunson với cáo buộc ủng hộ vụ đảo chính bất thành năm 2016.
Không rút quân khỏi Hàn Quốc
NDAA 20189 nhấn mạnh khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ hiện đóng quân ở Hàn Quốc là một minh chứng cho cam kết của Washington đối với quan hệ đồng minh này, theo Yonhap.
Do vậy, việc “điều động bớt một số lượng đáng kể” binh sỹ Mỹ ở Hàn Quốc là “một điều khoản không thể đàm phán” vì nó có liên quan đến tiến trình “phi hạt nhân hóa hoàn toàn có thể xác minh và không thể đảo ngược được” của Triều Tiên, NDAA cho biết.
Lực lượng Mỹ. Ảnh: AP
Trong một báo cáo đi kèm đạo luật này, Quốc hội Mỹ cũng cấm sử dụng ngân sách quốc phòng Mỹ để giảm số quân ở Hàn Quốc xuống dưới 22.000 mà không có sự chứng nhận của Bộ trưởng Quốc phòng rằng “việc giảm quân số như vậy là phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ và không làm suy yếu đáng kể an ninh của đồng minh ở khu vực này”.
Bộ trưởng Quốc phòng cũng được yêu cầu phải “tham vấn hợp lý với các đồng minh của Mỹ, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, về động thái giảm quân như vậy”.
Điều khoản ngăn cấm giảm quân ở Hàn Quốc được đưa vào NDAA 2019 trong bối cảnh Tổng thống Trump từng nhiều lần nêu ý định sẵn sàng rút lực lượng khỏi Hàn Quốc để tạo điều kiện cho các đàm phán với Triều Tiên. Những người chỉ trích ông Trump cho rằng động thái đó có thể có lợi cho Trung Quốc và Triều Tiên khi hai nước này thở phào nhẹ nhõm vì lính Mỹ rút khỏi khu vực biên giới.