Khó lường địa chính trị Trung Đông và vai trò của Mỹ

(PLO)- Giới quan sát cho rằng đòn "ăn miếng trả miếng" của Israel và Iran gần đây sẽ làm thay đổi tình hình địa chính trị Trung Đông theo hướng khó lường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau vụ tòa nhà lãnh sự bên trong Đại sứ quán Iran ở Syria trúng không kích khiến 7 thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng, Iran ngày 14-4 đã phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào Israel với lý do đáp trả.

Chuỗi động thái “ăn miếng trả miếng” tiếp diễn khi quan chức Mỹ nói rằng Israel sáng 19-4 đã tấn công lãnh thổ Iran cũng bằng tên lửa và UAV. Tờ New York Times cũng dẫn lời hai quan chức Israel rằng nước này đã tấn công Iran sáng 19-4.

Trung Đông không còn như xưa sau các đòn ‘ăn miếng trả miếng’ Iran - Israel
Đốm sáng được cho là hỏa lực từ Israel tấn công Iran. Ảnh: IRGC

Nếu vụ việc sáng 19-4 được xác thực là do Israel thực hiện thì hai nước này đang đẩy Trung Đông vào một kỷ nguyên nguy hiểm mới khi vượt qua điều cấm kỵ về việc tấn công quân sự công khai vào lãnh thổ của nhau.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu yêu cầu thể hiện sự răn đe và giữ thể diện của mỗi bên đã thỏa mãn hay chưa, hay hai đại kình địch ở Trung Đông định bước vào một chu kỳ leo thang mới có thể khiến cuộc khủng hoảng trở nên nguy hiểm hơn.

Theo các quan chức Mỹ, vụ tấn công sáng 19-4 mang tính hạn chế vì không nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Các quan chức Mỹ cho rằng Israel chỉ muốn chứng minh khả năng của mình trong việc thâm nhập sâu vào Iran.

Dù vậy, các nhà phân tích cảnh báo việc Israel chọn mục tiêu bên trong Iran thay vì nhắm vào các lực lượng ủy nhiệm của Iran đã làm gia tăng đáng kể thế trận đối đầu và làm thay đổi tình hình địa chính trị Trung Đông.

Bức tranh địa chính trị đáng ngại

Theo giới quan sát, Israel hiện ở vào thế rất dễ bị tổn thương khi phải chiến đấu trên cả ba mặt trận: Chống lại Hamas ở Dải Gaza; đối đầu với nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon); và căng thẳng leo thang với Iran.

Mối đe dọa từ Hezbollah đặc biệt nghiêm trọng vì nhóm này có hàng chục nghìn quả rocket và tên lửa có thể tàn phá nặng nề các TP của Israel. Việc Hezbollah tham gia toàn diện vào cuộc xung đột để hỗ trợ Iran chắc chắn sẽ gây ra phản ứng lớn của Israel.

Thậm chí, các chuyên gia cho rằng ngay cả khi Trung Đông không rơi vào một cuộc chiến tranh quy mô lớn ngay bây giờ, khu vực cũng không còn như trước đây.

“Ngay cả khi vượt qua giai đoạn này mà không có sự trả đũa lớn của Iran, thì thực tế là Israel và Iran sẽ bị mắc kẹt trong cuộc đấu tranh cạnh tranh này. Không có giải pháp nào cho vấn đề lực lượng ủy nhiệm của Iran. Không có giải pháp nào cho thực tế rằng Iran là quốc gia có vũ khí hạt nhân. Và mối quan hệ căng thẳng này sẽ bao trùm khu vực và có lẽ cả cộng đồng quốc tế” - ông Aaron David Miller, nhà đàm phán về Trung Đông kỳ cựu của nhiều đời tổng thống Mỹ, nói với đài CNN.

Israel-2.jpg
Hệ thống phòng không Israel phản ứng trước cuộc tấn công đêm 13, sáng 14-4 của Iran vào Israel. Ảnh: REUTERS

Đồng quan điểm, ông Malcolm Davis - nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc cho rằng những diễn biến gần đây đã tạo tiền đề cho một chu kỳ leo thang dài hạn trong khu vực.

Và diễn biến này càng đáng ngại hơn khi có thông tin rằng Iran chỉ còn vài tuần nữa là có thể tự sản xuất vũ khí hạt nhân.

“Đó sẽ là một tình huống mà cả Israel và Mỹ đều không thể chấp nhận được, vì vậy mối nguy hiểm ngày càng gia tăng trong những ngày gần đây có thể chỉ là khởi đầu của những gì sắp xảy ra” - CNN dẫn nhận định của các chuyên gia.

Mỹ sẽ vẫn bảo vệ Israel?

Cuộc tấn công được cho là của Israel vào Iran cho thấy sự bác bỏ của Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu đối với lời khuyên của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng hãy coi việc đánh chặn thành công gần như tất cả UAV và tên lửa của Iran nhắm vào Israel hôm 14-4 là một chiến thắng.

Diễn biến trên đã đẩy ông Biden và ông Netanyahu xa cách hơn trong bối cảnh sự bất đồng quan điểm của của hai nhà lãnh đạo liên quan hoạt động quân sự của Israel ở Gaza vẫn chưa được giải quyết.

Israel-3.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại TP Tel Aviv (Israel) ngày 18-10-2023. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Biden lập luận rằng hoạt động phòng thủ quy mô lớn này đã chứng minh Iran không thể gây ra mối đe dọa cho an ninh của Israel và không cần phải trả đũa thêm.

Dù vậy, phía Mỹ không thể phủ nhận thực tế rằng Israel là một quốc gia có chủ quyền nên khó có thể cho phép một cuộc không kích hàng loạt nhắm vào lãnh thổ của mình mà không đáp trả. Mỹ giờ đây chỉ có thể tập trung vào một nỗ lực mới nhằm ngăn chặn căng thẳng gia tăng và “giữ khoảng cách” với các hành động của Israel.

Nhà Trắng trong những ngày gần đây đã nói rõ rằng nước này sẽ không tham gia bất kỳ hành động tấn công nào của Israel chống lại Iran. Tuy nhiên, lực lượng quân sự Mỹ gần như chắc chắn sẽ được huy động để bảo vệ Israel một lần nữa trong trường hợp Iran đi bước tiếp theo.

An ninh Trung Đông và rủi ro với ông Biden

Tổng thống Biden đang đứng trước nguy cơ bị kéo sâu hơn vào một cuộc xung đột quân sự ở Trung Đông mà ông đã nhiều lần cố gắng ngăn chặn. Và hậu quả chính trị từ xung đột này sẽ rất nghiêm trọng đối với đương kim tổng thống Mỹ khi ông đang chạy đua cho chiến dịch tái tranh cử vào Nhà Trắng.

Theo CNN, ông Biden đã trả giá đắt cho những căng thẳng ở Trung Đông thời gian qua với việc các cử tri cấp tiến, trẻ tuổi và cử tri người Mỹ gốc Ả Rập đã không bỏ phiếu cho đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ vì sự ủng hộ của ông Biden cho Israel.

Ngoài ra, bất kỳ sự tăng vọt nào của giá dầu xuất phát từ bất ổn ở Trung Đông trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể làm giá xăng lên cao và dẫn đến một cái giá đau đớn cho nhà lãnh đạo Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm