Nguy cơ Trung Đông rơi vào vòng xoáy bạo lực

(PLO)- Nguy cơ “ăn miếng trả miếng” giữa Iran và Israel đang đẩy Trung Đông tới bờ vực một cuộc chiến mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-4, một quan chức Mỹ nói với hãng tin ABC News rằng tên lửa của Israel đã tấn công vào Iran. Hãng tin FARS của Iran đưa tin có tiếng nổ gần một căn cứ quân sự của Iran ở phía tây bắc TP Isfahan (Iran).

Người phát ngôn Cơ quan vũ trụ Iran - ông Hossein Dalirian nói trên nền tảng X (trước đây là Twitter) rằng Iran đã bắn hạ một số máy bay không người lái (UAV) và “hiện chưa có cuộc tấn công tên lửa nào” vào nước này, theo hãng tin AFP.

Trong khi đó, quân đội Israel nói với đài CNN rằng họ “không có bình luận vào lúc này". Còn tờ New York Times dẫn lời hai quan chức Israel rằng nước này đã tấn công Iran sáng sớm 19-4.

Leo thang nguy hiểm

Tính đến trưa 19-4 (giờ VN), Iran và Israel chưa lên tiếng chính thức về vụ việc trên. Tuy nhiên, CNN nhận định rằng động thái trên nhiều khả năng sẽ leo thang thêm xung đột ở Trung Đông.

Israel tấn công Iran.jpeg
Dân Iran xuống đường dự lễ tang của những người thiệt mạng trong vụ toà nhà lãnh sự thuộc Đại sứ quán Iran ở Syria bị không kích. Ảnh: AFP

“Đã đến lúc chấm dứt chu kỳ trả đũa đẫm máu. Đã đến lúc phải dừng lại. Cộng đồng quốc tế phải làm việc cùng nhau để ngăn chặn bất kỳ hành động nào có thể đẩy toàn bộ Trung Đông đến bờ vực, với tác động tàn khốc đối với dân thường. Hãy để tôi nói rõ: những rủi ro đang gia tăng trên nhiều mặt trận” - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.

Diễn biến mới nhất trong căng thẳng Iran-Israel xảy ra gần một tuần sau khi Tehran phát động cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào Israel. Phía Iran nói cuộc tấn công là màn đáp trả vụ toà nhà lãnh sự bên trong Đại sứ quán Iran ở Syria bị không kích đầu tháng 4, mà Tehran cáo buộc Tel Aviv đứng đằng sau.

Sau đó, cả Israel và Iran đều liên tục đưa ra những cảnh báo lẫn nhau về viễn cảnh "ăn miếng trả miếng". Kênh Channel 12 dẫn một báo cáo không chính thức rằng nội các chiến tranh Israel họp hôm 15-4 đã quyết định đáp trả “rõ ràng và mạnh mẽ” chống lại Iran nhằm gửi thông điệp rằng Israel “sẽ không cho phép một cuộc tấn công quy mô như vậy diễn ra mà không có phản ứng”.

Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu ngày 17-4 tuyên bố Tel Aviv sẽ tự đưa ra quyết định về cách tự vệ. "Tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi sẽ tự đưa ra quyết định và Israel sẽ làm mọi thứ cần thiết để tự vệ" - ông Netanyahu nhấn mạnh.

Đáp lại, các nhà lãnh đạo Iran cũng cảnh báo rằng nước này sẽ phản ứng mạnh mẽ trước bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel. Hôm 18-4, Ngoại trưởng Iran - ông Hossein Amir-Abdollahian cảnh báo Israel không thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Iran. “Trong trường hợp chế độ Israel bắt đầu chủ nghĩa phiêu lưu một lần nữa và có hành động chống lại lợi ích của Iran, phản ứng tiếp theo từ chúng tôi sẽ ngay lập tức và ở mức tối đa” - ông Abdollahian nói với đài CNN.

Ngày 17-4, Tổng thống Iran - ông Ebrahim Raisi cảnh báo rằng cuộc tấn công dù là “nhẹ nhất” của Israel vào Iran sẽ bị “xử lý quyết liệt và nghiêm khắc”. Thậm chí, ông Ahmad Haghtalab - chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) phụ trách an ninh hạt nhân cảnh báo rằng nước này xem xét lại “học thuyết hạt nhân” và nếu Israel hành động chống lại các cơ sở hạt nhân của Iran thì chắc chắn các cơ sở hạt nhân của Israel sẽ bị nhắm mục tiêu và tấn công bằng vũ khí tối tân.

Đối đầu trực diện

Trong nhiều thập niên qua Iran và Israel đã tránh được một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với nhau qua "cuộc chiến trong bóng tối”, tức sử dụng các lực lượng ủy nhiệm và các biện pháp trừng phạt như kinh tế, ngoại giao. Tuy vậy, cuộc tấn công chưa từng có của Iran vào Israel đã làm thay đổi đáng kể động lực của căng thẳng giữa hai nước và giờ đây nó trở nên nguy hiểm hơn, nhất là sau vụ tấn công vào Iran sáng 19-4, theo trang Business Insider.

CNN dẫn nhận định của ông Raz Zimmt - chuyên gia về Iran tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS, Israel): “Chúng ta chắc chắn đang ở một giai đoạn mới và một giai đoạn rất nguy hiểm trong cuộc đối đầu giữa Israel và Iran. Iran chắc chắn đã cố gắng thay đổi luật chơi với Israel và có thể sẽ có nhiều đợt tấn công trực tiếp hơn trong tương lai”.

Iran tấn công Israel.jpeg
Hệ thống phòng không Israel đánh chặn cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran hôm 14-4. Ảnh: REUTERS

Theo kênh Al Jazeera, Israel muốn tái lập khả năng răn đe và muốn có tiếng nói cuối cùng. Iran không muốn bị coi là yếu đuối hoặc không đáp trả trước các cuộc tấn công của Israel. Theo đó, ngay cả khi mỗi bên chỉ muốn điều đó chứ không muốn xảy ra một cuộc xung đột toàn diện, những tính toán sai lầm vẫn có thể xảy ra, đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến tranh toàn diện.

Chuyên gia Meir Litvak - Giám đốc Trung tâm liên minh Nghiên cứu Iran tại ĐH Tel Aviv (Israel) cảnh báo rằng nếu Israel phản ứng mạnh thì rất có thể tình hình sẽ leo thang trên diện rộng, hãng AFP đưa tin. Theo ông Litvak, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn phần lớn phụ thuộc vào phản ứng của Israel.

Vị chuyên gia này cũng lập luận rằng việc gây ra một cuộc chiến tranh khu vực với Iran trong khi Israel đang chiến đấu với Hamas ở Dải Gaza sẽ hoàn toàn không có lợi cho nước này, trong khi có thể vấp phải phản đối chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chính vì thế, vụ việc sáng 19-4 có thể nhằm mục đích vừa là biện pháp trả đũa vừa là một thông điệp cảnh cáo mà Israel dành cho Iran, theo Thiếu tướng đã về hưu của quân đội Mỹ Mark MacCarley. Ông MacCarley cho rằng bằng cách nhắm mục tiêu vào TP Isfahan - nơi có các cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran - Israel đang cảnh báo rằng nước này có thể dễ dàng áp đảo hệ thống phòng thủ của Iran, theo CNN.

"Tôi cho rằng nội các chiến tranh Israel đã tính toán rất cẩn thận" - ông MacCarley nói.

Mỹ, Anh trừng phạt Iran sau vụ tấn công Israel

Ngày 18-4, Mỹ và Anh thông báo các biện pháp trừng phạt mới lên Iran nhằm đáp trả cuộc tấn công của Tehran vào Israel cuối tuần rồi, theo hãng tin Reuters.

Các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành sản xuất tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran.

Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt lệnh trừng phạt lên 16 cá nhân và 2 thực thể hỗ trợ sản xuất UAV của Iran, bao gồm các loại động cơ cung cấp năng lượng cho các UAV Shahed, được Iran dùng trong cuộc tấn công vào Israel hôm 13-4.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt 5 công ty cung cấp nguyên liệu thành phần để sản xuất thép cho Công ty Thép Khuzestan (KSC) của Iran hoặc mua các sản phẩm thép thành phẩm của KSC.

Các lệnh trừng phạt mới của Washington cũng nhắm mục tiêu vào ba công ty con của Tập đoàn sản xuất ô tô Bahman của Iran. Tập đoàn này được cho là hỗ trợ vật chất cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Bộ Thương mại Mỹ cũng hạn chế hơn nữa quyền truy cập của Iran vào "công nghệ cấp thấp".

Trong khi đó, Anh thông báo trừng phạt 7 cá nhân và 6 thực thể, bao gồm Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Iran và Hải quân của IRGC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm