Căng thẳng ở Trung Đông đang rất nóng trong bối cảnh có tin Israel đã phóng tên lửa vào một địa điểm ở Iran để đáp trả việc Iran tuần trước phát động một cuộc tấn công quy mô lớn bằng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào Israel.
Vậy Iran có thể tự vệ hiệu quả đến mức nào nếu một cuộc tấn công trả đũa xảy ra? Dưới đây là một số năng lực phòng thủ mà Iran hiện có để ứng phó một cuộc tấn công tiềm tàng vào Cộng hòa Hồi giáo này, theo kênh Al Jazeera.
Máy bay chiến đấu nội địa
Trong nhiều thập niên, Iran đã dựa vào năng lực nội địa để duy trì nền kinh tế của mình trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây, và năng lực nội địa cũng được nhìn thấy trong lĩnh vực quân sự của Tehran.
Sau nhiều thập niên bị trừng phạt và cấm vận, ưu thế trên không của Iran chịu thách thức nặng nề với một số máy bay chiến đấu và thiết bị đã có từ trước cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.
Iran hiện chủ yếu vận hành các máy bay chiến đấu Sukhoi và MiG có từ thời Liên Xô. Lực lượng không quân Iran cũng đang chế tạo máy bay phản lực của riêng mình, như Saeqeh và Kowsar, dựa trên thiết kế của Mỹ, nhưng chúng được cho là không sánh kịp với một số máy bay chiến đấu hàng đầu mà Israel đang sử dụng như F-35.
Cuối năm 2023, Iran đã hoàn tất thủ tục mua tiêm kích Sukhoi Su-35 và trực thăng tấn công Mi-28 từ Nga - diễn biến có thể giúp Tehran hồi sinh đáng kể lực lượng không quân.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa
Iran đã cố gắng bù đắp yếu điểm của các máy bay chiến đấu nội địa cũ kỹ bằng các chương trình tên lửa đầy tham vọng.
Bên cạnh việc ẩn giấu các căn cứ không quân, kho tên lửa và cơ sở hạt nhân sâu trong núi để bảo vệ khỏi nguy cơ bị đạn phá boongke của các đối thủ tấn công, Iran cũng đặc biệt tập trung vào việc cải thiện hệ thống phòng không.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa nhất mà Iran đang vận hành là hệ thống Bavar-373 do chính Tehran phát triển. Bavar-373 được đưa vào sử dụng vào năm 2019 sau một thập niên phát triển và thử nghiệm. Đến nay, hệ thống này đã được cải tiến đáng kể.
Vào tháng 11-2022, các quan chức Iran đã trưng bày một chiếc Bavar-373 cải tiến mà họ cho biết có thể phát hiện các mục tiêu trên không từ 350-450 km và được trang bị tên lửa đất đối không Sayyad 4B tiên tiến.
Theo các quan chức Iran, hệ thống này có thể khóa mục tiêu (bao gồm tên lửa đạn đạo tầm xa, máy bay không người lái (UAV) và máy bay chiến đấu tàng hình) ở khoảng cách lên tới 400km, đồng thời có thể theo dõi 60 mục tiêu và tấn công sáu mục tiêu cùng một lúc ở cự ly lên tới 300 km.
Truyền thông nhà nước Iran cho biết hệ thống Bavar-373 vượt trội so với hệ thống S-300 do Nga sản xuất ở một số khía cạnh và thậm chí có thể so sánh với các tổ hợp S-400 - một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới.
Bavar-373 chưa từng tham chiến mà chỉ mới tham gia các cuộc tập trận quân sự ở Iran, nhưng các chuyên gia coi hệ thống này là một trong những mạng lưới phòng không chặt chẽ nhất thế giới.
Ngoài ra, Iran cũng đang sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa S-300. Iran có S-300 từ năm 2016. Đây là hệ thống phòng không do Liên Xô phát triển và đưa vào hoạt động lần đầu tiên vào cuối những năm 1970.
S-300 có thể bắn hạ máy bay, UAV cũng như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình đang bay tới ở khoảng cách lên tới 150 km.
Các lớp phòng thủ tên lửa phía sau
Iran vận hành nhiều loại tổ hợp phòng thủ tên lửa sản xuất nội địa, sử dụng nhiều hệ thống để xây dựng các lớp phòng thủ phía sau các hệ thống phòng thủ tầm xa.
Các hệ thống phòng thủ tầm trung có thể kể đến như Arman, Strategic Sayyad và Khordad-15 với khả năng bảo vệ bầu trời Iran khỏi các mục tiêu ở phạm vi lên tới 200 km.
Arman ra mắt vào tháng 11-2022, được gắn trên lưng xe tải quân sự và sẵn sàng triển khai trong vòng vài phút. Hệ thống này có hai phiên bản là bộ quét radar chủ động và thụ động.
Hệ thống Arman cũng được trang bị tên lửa nhằm chống lại các loại đạn phá hầm ngầm của đối phương.
Chưa dừng lại ở đó, nếu các mối đe dọa có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tầm trung, chúng sẽ phải đối mặt với các khẩu đội tầm ngắn của Iran, bao gồm Azarakhsh, Majid và Zoubin.
Azarakhsh, được ra mắt cùng lúc với Arman, là một hệ thống nhỏ gọn dùng cho các cuộc giao chiến ở độ cao thấp nhằm chống lại các mối đe dọa như UAV và máy bay bốn cánh. Hệ thống này có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 50 km.
Iran đang có kế hoạch ra mắt thêm hệ thống phòng thủ tên lửa trong năm nay.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và quân đội Iran cũng sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có tầm bắn lên tới 2.000 km, cùng với nhiều loại UAV trinh sát và tấn công - một số trong số này đã được sử dụng cuộc tấn công của Iran vào Israel cuối tuần qua.
Chống lại hành động phá hoại và tấn công mạng
Trong hơn một thập niên chiến tranh trong bóng tối với Iran, Israel được cho là đã dựa vào các hoạt động đặc biệt để nhắm vào lợi ích của Tehran.
Theo đó, Israel được cho là đã nhiều lần phá hoại các cơ sở hạt nhân lớn của Iran, ám sát các nhà khoa học hạt nhân bằng cách sử dụng bom và súng máy điều khiển bằng vệ tinh, phóng máy bay bốn cánh chứa chất nổ vào các cơ sở quân sự và cho nổ tung một đường ống dẫn khí đốt của đối phương.
Iran cũng cáo buộc Israel đứng sau nhiều cuộc tấn công mạng quy mô lớn, bao gồm cả những cuộc tấn công vào mạng lưới quốc gia tại các cảng, sân bay và trạm xăng lớn ở Iran.
Và sau nhiều năm hứng chịu những đòn tấn công kiểu này, Iran đã học được cách đáp trả và xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc hơn.
Tổ chức Phòng thủ tại chỗ Quốc gia - cơ quan chịu trách nhiệm ngăn chặn các cuộc tấn công mạng ở Iran cho biết đã chống lại hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn vụ tấn công mạng mỗi ngày.
Ngược lại, tin tặc Iran cũng bị nghi ngờ đứng sau một số cuộc tấn công mạng nhằm vào lợi ích của Israel trong những năm qua.