Nga đang can thiệp vào chuyện chính trị nội bộ của nhiều nước trên toàn cầu – đây là một nội dung nổi bật trong chính sách an ninh quốc gia mới của Mỹ mà Tổng thống Donald Trump công bố ngày 18-12.
“Thông qua các hình thức mới của các chiến thuật lật đổ, Nga can thiệp vào chuyện chính trị nội bộ của nhiều nước khắp thế giới” – Reuters trích văn bản chính sách an ninh quốc gia mới của Mỹ mà ông Trump đọc tại tòa nhà Ronald Reagan ở thủ đô Washington trước khoảng 650 người, gồm các tham mưu trưởng quân đội, thành viên nội các, nghị sĩ, quân nhân và quan chức từ cộng đồng tình báo và nhiều cơ quan khác.
Dè chừng Nga, Trung Quốc
Đánh giá này phản chiếu cách nhìn nhận lâu nay của nhiều nhà ngoại giao Mỹ rằng Nga đang tích cực phá hoại quyền lợi Mỹ ở trong nước và nước ngoài, dù bản thân ông Trump có quan hệ ấm áp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một bức điện được giải mật của Bộ Ngoại giao mà Reuters thu thập được cho rằng “Nga cố làm suy yếu uy tín các cam kết của Mỹ ở châu Âu. Với các vụ đưa quân vào Georgia và Ukraine, Nga đã cho thấy ý muốn sử dụng vũ lực để thách thức chủ quyền các nước trong khu vực”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về chính sách an ninh quốc gia mới của Mỹ, tại Washington (Mỹ) ngày 18-12. Ảnh: REUTERS
Chính sách an ninh quốc gia mới tránh đề cập trực tiếp đến cáo buộc của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
“Nga sử dụng các chiến dịch thông tin như một phần của các nỗ lực tấn công mạng nhằm ảnh hưởng ý kiến công chúng toàn cầu. Các chiến dịch này kết hợp giữa các chiến dịch tình báo và đưa thông tin sai lệch trên truyền thông, qua trung gian thứ ba, chi tiền cho các người sử dụng mạng xã hội” – theo văn bản chính sách. Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Nga đã cố can thiệp bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump. Hiện Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra khả năng Nga thông đồng với đội ngũ tranh cử ông Trump can thiệp bầu cử.
Trong bài phát biểu, ông Trump có nói ông nhận được điện thoại của ông Putin trong ngày 17-12 nhằm cảm ơn việc tình báo Mỹ đã giúp phá một vụ đánh bom tại TP St. Peterburg, cho rằng quan hệ cộng tác với Nga đang diễn ra đúng hướng. Ông Trump vẫn thường xuyên nói muốn cải thiện quan hệ với ông Putin, dù Nga đang gây khó cho chính sách Mỹ ở Syria và Ukraine, cũng như không mặn mà giúp Mỹ kiềm chế Triều Tiên.
Ngoài Nga, chính phủ Trump cũng xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh đang cố tìm cách thách thức sức mạnh Mỹ và xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ. Reuters dẫn nhận định một quan chức cấp cao chính phủ Trump rằng Nga và Trung Quốc đang muốn củng cố ảnh hưởng của mình. Nga củng cố ở châu Âu với các cuộc đưa quân vào Ukraine và Georgia, Trung Quốc ở châu Á với hành động ở biển Đông.
Chỉ trích các chính phủ tiền nhiệm
Mỗi chính phủ Mỹ đều có chính sách an ninh quốc gia của mình. Theo CNN, chính sách mới hoàn thành sau 11 tháng và mới được ông Trump phê chuẩn trong một cuộc gặp với các thành viên nội các tuần trước.
Các trợ lý an ninh quốc gia của ông Trump đã bắt tay vào nghiên cứu soạn bài phát biểu chiến lược cho ông Trump không lâu sau khi ông vào Nhà Trắng, dựa vào các bài phát biểu trước đây của ông thời còn tranh cử cũng như với tư cách tổng thống.
Hai người tiền nhiệm của ông Trump, các Tổng thống Barack Obama và George W. Bush không trực tiếp phát biểu về chính sách mà công bố bằng văn bản. Theo các trợ lý, ông Trump cho rằng việc trực tiếp phát biểu về chính sách sẽ giúp nhắc nhở các cam kết tranh cử của ông bảo vệ quyền lợi Mỹ.
Chính sách an ninh quốc gia mới này được soạn thảo dựa vào chủ trương “Ưu tiên nước Mỹ” của ông Trump: bảo vệ nước Mỹ và biên giới Mỹ, xây dựng lại quân đội, thể hiện sức mạnh ở nước ngoài, theo đuổi các chính sách thương mại có lợi hơn cho Mỹ. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ liên quan đến quá trình soạn thảo chính sách cho biết chính sách mới của chính phủ Trump chịu ảnh hưởng lớn từ suy nghĩ của các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu hơn là chính bản thân ông Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Phó Tổng thống Mike Pence trong buổi trình bày chính sách an ninh quốc gia mới tại Washington (Mỹ) ngày 18-12. Ảnh: REUTERS
Một phần lớn bài phát biểu của ông Trump là dành nói về tăng trưởng kinh tế, chỉ trích những người tiền nhiệm làm hoại an ninh Mỹ.
“Trong nhiều năm, công dân của chúng ta chán ngán với các chính trị gia, hết lần này đến lần khác, đã có quá nhiều lãnh đạo không lắng nghe những tiếng nói mà mình phải tôn trọng, không để ý đến những quyền lợi mà họ phải bảo vệ”.
“Trên tất cả, các lãnh đạo của chúng ta đã rời xa các nguyên tắc của Mỹ, không để ý đến vận mệnh Mỹ, bỏ mất niềm tin vào sự vĩ đại của Mỹ. Hậu quả là người dân chúng ta cũng phải chịu mất mát. Họ mất niềm tin vào chính phủ và cuối cùng mất niềm tin vào tương lai chính mình”– ông Trump phát biểu.
Trong khi đưa ra một danh sách những thành tựu mình đã đạt được, ông Trump cho rằng nước Mỹ bị tụt lại là hậu quả của các quyết định từ các chính phủ trước, trong đó có về nhập cư, về thỏa thuận hạt nhân Iran, và các thỏa thuận thương mại.
Chính sách mới cũng loại bỏ nội dung từ chính phủ tiền nhiệm Obama, rằng biến đổi khí hậu là một đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Từ nhiều tháng trước ông Trump đã tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris nếu thỏa thuận này không được thay đổi theo hướng có lợi cho Mỹ hơn.
Ông Trump cho rằng việc ông được bầu làm tổng thống năm ngoái là tín hiệu cho thấy người dân Mỹ muốn chọn hướng đi khác.
“Chúng tôi sẽ đứng lên vì chúng ta, chúng tôi sẽ đứng lên vì đất nước chúng ta như chưa từng trước đó. Chúng tôi biết sự thành công của Mỹ không phải có sẵn, mà cần phải nỗ lực mới đạt được, và phải đạt được. Các đối thủ chúng ta rất khó đối phó, rất dai dẳng, và phải đối phó lâu dài, nhưng chúng ta sẽ thế”.