Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11-12 bất ngờ đến căn cứ không quân Hmeymim (Syria). Đây là lần đầu tiên ông Putin đến Syria kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào nội chiến nước này. 11-12 là ngày bận rộn với ông Putin khi công du con thoi qua cả ba nước: Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập chỉ trong một ngày. Có thể thấy ông Putin đang nóng lòng khuếch trương ảnh hưởng Nga có được ở Syria ra Trung Đông.
Nga tuyên bố chiến thắng
Tháp tùng nhà lãnh đạo Nga trong chuyến thăm là Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Gặp gỡ binh sĩ Nga tại căn cứ Hmeymim, ông Putin chỉ đạo các lực lượng Nga bắt đầu rút khỏi Syria. Ông Putin tuyên bố Nga và Syria đã đạt được mục tiêu tiêu diệt IS sau hai năm thực hiện chiến dịch không kích, mục tiêu sắp tới là hòa đàm, tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria.
Tại căn cứ, ông Putin được báo cáo quân đội đã bắt đầu rút về nước 25 máy bay, một biệt đội quân cảnh, một biệt đội đặc nhiệm, một bệnh viện quân đội dã chiến và một trung tâm tháo gỡ mìn. Nga sẽ duy trì hiện diện ở căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân ở cảng Tartous như trước khi chiến tranh nổ ra. Cả hai căn cứ này đều được các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến bảo vệ. Ông Putin khẳng định trong bất kỳ trường hợp nào khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) quay trở lại Syria, Nga cũng sẽ quay trở lại để ngăn chặn.
Tiếp nhà lãnh đạo Nga tại căn cứ Khmeimim, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cám ơn “sức người sức của” của Nga, tuyên bố ủng hộ bất kỳ bước đi nào của Nga miễn là đưa Syria đến hòa bình thật sự.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại căn cứ không quân Khmeimim (Syria) sáng 11-12. Ảnh: SPUTNIK
Tiếp tục hiện diện, Mỹ dễ gặp khó
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 11-12 giữ thái độ chừng mực về tuyên bố của ông Putin: “Các tuyên bố rút quân của Nga thường không đi kèm việc rút quân thật sự và không ảnh hưởng đến các ưu tiên của Mỹ tại Syria”. Trong khi ông Putin tuyên bố rút quân thì ngày 11-12, văn phòng liên quân quốc tế đánh IS do Mỹ dẫn đầu nói với Sputnik rằng liên quân vẫn sẽ tiếp tục hiện diện ở Syria để lùng đánh tàn dư IS ở thung lũng dọc sông Euphrates. Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây thừa nhận Mỹ đang có 1.700 binh sĩ hoạt động trên lãnh thổ Syria, gấp ba lần số Mỹ thường công bố trước đây.
Theo Russia Today, lý do Mỹ đưa quân sang Syria là để đánh IS không thuyết phục, Nga lâu nay không ngại cáo buộc Mỹ chỉ giả vờ đánh IS, âm thầm giúp đỡ IS tồn tại. Trong khi đó, Sputnik dẫn ý kiến nhiều nhà phân tích cho rằng việc Mỹ giữ quân lại Syria trong bối cảnh Nga rút quân về đe dọa hòa bình khu vực.
Theo chuyên gia về Trung Đông Jennifer Loewenstein tại ĐH Pennsylvania (Mỹ), một khi Nga đã thông báo rút quân mà Mỹ còn để quân lại Syria với lý do tiếp tục đánh IS là không hợp lý và chính đáng, và viễn cảnh này không có lợi cho hòa bình lâu dài ở khu vực. Bà cho rằng mục tiêu thật sự của Mỹ khi duy trì quân lại Syria là để phục vụ cho mục tiêu của hai đồng minh Saudi Arabia và Israel, Mỹ muốn duy trì sức mạnh ở Syria là để đe dọa và đối trọng với Iran.
Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm Vì hòa bình và tự do Ivan Eland tại Viện Độc lập (Mỹ), có thể Washington sẽ để một lực lượng tinh nhuệ ở Syria thực hiện các chiến dịch chính trị nhạy cảm, chống khủng bố bí mật.
Theo thống kê chính thức từ phía Nga, trong hơn hai năm thực hiện chiến dịch không kích ở Syria, Nga đã tiêu diệt hơn 54.000 phần tử IS, xóa sạch IS khỏi 90% lãnh thổ chúng chiếm được. Đã có hơn 50 quân nhân Nga thiệt mạng trong thời gian này. Tuy nhiên, theo các nhà thầu quốc phòng phương Tây, con số thật sự có thể cao hơn. __________________________ Câu hỏi lớn hơn là tại sao quân đội Mỹ vẫn ở đó, đặc biệt khi IS đã bị đánh bại? Chuyên gia về Trung Đông JENNIFER LOEWENSTEIN tại ĐH Pennsylvania (Mỹ) đặt câu hỏi. |