Chịu trách nhiệm: Bản lĩnh đổi mới của Đảng

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 (HP) vừa có hiệu lực đã hiến định một nội dung rất quan trọng: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” (khoản 2 Điều 4).

Trong câu chuyện đầu năm với Pháp Luật TP.HCM, TS triết học Hồ Bá Thâm, nguyên Trưởng ban Triết học và Khoa học chính trị, Viện Nghiên cứu xã hội TP.HCM, bình luận: Đây là nội dung hiến định cực kỳ quan trọng, gắn liền với yêu cầu của thực tiễn hiện nay, nhất là khi HP xác định rõ việc Đảng chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Nội dung này được thực hiện với những cơ chế cụ thể sẽ làm Nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh lãnh đạo của Đảng, trong khả năng đưa đất nước tiến lên hội nhập; khắc phục tối đa nạn tham nhũng, lãng phí cũng như việc đưa ra những quyết sách tùy tiện, những biểu hiện quay lưng lại với dân của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên hiện nay.

Chịu trách nhiệm: Bản lĩnh đổi mới của Đảng ảnh 1

Lòng dân càng vững tin hơn khi HP xác định rõ việc Đảng chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, TP Hà Nội trong ngày phát động Tết trồng cây nhớ Bác - Xuân Giáp Ngọ 2014. Ảnh: TTXVN

Đổi mới quan niệm về Đảng

. Phóng viên: Thưa ông, so với việc “chịu trách nhiệm” như bấy lâu nay thì nội dung hiến định mới này có những đổi mới nào về chất?

+ TS Hồ Bá Thâm: Vấn đề mới ở đây là xác định ngay trong HP việc Đảng chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Tất nhiên trước đây tuy không ghi trong HP, Đảng vẫn chịu trách nhiệm trước dân, Đảng cũng tự nhận thức như thế và dân cũng hiểu như thế. Nhưng điều quan trọng là lần này ghi rõ trong HP như thế, đó chính là sự đổi mới quan niệm về Đảng. Đây là một trong những điểm mới nhất và quan trọng nhất về phương diện thực tiễn. Vấn đề là phải xác định chịu trách nhiệm như thế nào, tức là nội dung của nó, phương thức của nó, cơ chế để hiện thực hóa nó ra sao. Cơ chế ta hiện nay còn có trường hợp ra quyết định nhưng đứng ngoài vòng trách nhiệm. Việc xử lý trách nhiệm của ta bấy lâu nay còn chưa phân định một cách rành mạch giữa trách nhiệm tập thể và cá nhân, còn nặng về quy trách nhiệm tập thể còn cá nhân là chưa rõ; hay như việc xử lý trách nhiệm không tới nơi tới chốn, dưới nặng trên nhẹ… Tất cả vấn đề này cần phải được nhìn nhận thấu đáo để có hướng khắc phục khi đã đưa nội dung này vào HP.

. TS nói đây là sự đổi mới quan niệm về Đảng, vậy cần hiểu về sự đổi mới này như thế nào?

+ Khi đã khẳng định như thế trong HP, không chỉ xác định Đảng được làm gì mà điều quan trọng hơn là dân có quyền gì đối với Đảng. Trước đây ta hay nhấn mạnh những điều được làm gì của các chủ thể quyền lực nhưng gần đây ngày ta càng nhận thức rõ cái quan trọng nhất trong HP là vấn đề kiểm soát quyền lực. Nói cách khác, HP đã thể hiện được trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trước dân và dân có quyền cụ thể trong việc kiểm soát quyền lực, với vị trí là chủ thể quyền lực. Nghĩa là khi nói Đảng phục vụ dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân thì phải gắn ngay với việc dân có quyền gì với Đảng, trong góp ý xây dựng để Đảng nghiêm minh làm, sửa chữa mà tránh các nguy cơ như Đảng đã nhận thấy.

Tăng hàm lượng ý dân trong chủ trương của Đảng

Chịu trách nhiệm: Bản lĩnh đổi mới của Đảng ảnh 2

TS triết học Hồ Bá Thâm, nguyên Trưởng ban Triết học và Khoa học chính trị, Viện Nghiên cứu xã hội TP.HCM

. Theo ông, khi đã xác định “Đảng chịu sự giám sát của Nhân dân và chịu trách nhiệm trước Nhân dân về các quyết định của mình” thì đồng nghĩa Nhân dân có quyền gì đối với Đảng?

+ Cần phải thực sự tăng hàm lượng tiếng nói của người dân vào trong những chủ trương, chính sách của Đảng. Hiện nay, quyền phản biện của người dân được thực hiện thường xuyên ở các chính sách, pháp luật của Nhà nước, còn đối với các chủ trương, chính sách của Đảng còn hạn chế hoặc tham gia ở phạm vi hẹp. Ngoài việc đóng góp cho dự thảo văn kiện ở các đại hội đại biểu toàn quốc thì cần phải tăng cường hơn đóng góp của người dân ở các hội nghị trung ương. Cụ thể là cần xác định quyền của dân để họ có thể phản biện, đóng góp cho Đảng. Từ đây dân mới giám sát tiếp việc đó thực hiện như thế nào chứ không phải khi nào quyết định sai thì mới chịu trách nhiệm, nói thế tôi cho là không đúng.

Một quyền khác cũng rất quan trọng là quyền biểu lộ ý kiến về một quyết sách nào đó. Anh có thể tiến hành điều tra dư luận xã hội để biết ý dân đối với quyết sách đó thế nào, còn nếu vấn đề lớn thì tổ chức trưng cầu dân ý. Từ đây Đảng có thể tiếp thu ý dân một cách chân thực hơn. Cũng cần nhận thức rằng quyền phản đối của người dân về một vấn đề nào đó là bình thường, tất nhiên là trong hòa bình chứ không phải lợi dụng để có những động cơ không đúng. Vấn đề ở đây là ta phải tính toán để giữ ổn định chính trị nhưng không thể không thực hiện các cơ chế để mở rộng dân chủ, kiểm soát quyền lực. Còn một mình một chợ là dẫn đến tình trạng chuyên quyền, đặc quyền, đặc lợi, chủ quan duy ý chí.

Nói tóm lại là ta cần phải chấp nhận những ý kiến khác nhau để không dẫn đến một chiều. Và cái cao nhất vẫn là phát huy quyền làm chủ của dân. Nói đến cùng là ý Đảng phải dựa vào ý dân, ý dân phải là gốc, trước hết và trên hết. Nếu ngược với ý dân là không ổn.

. Vậy để những quy định trong HP sống trong thực tiễn với đầy đủ những nội dung và ý nghĩa của nó thì những việc phải làm ngay lúc này là gì, thưa ông?

+ Điều trước hết cần phải khẩn trương thực hiện là đưa ra các cơ chế cụ thể để quyền giám sát của dân đối với Đảng và nội dung Đảng “chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” đi vào cuộc sống. Đồng thời, các quyền con người, quyền công dân mà HP sửa đổi lần này đã hiến định phải được hiện thực hóa nhanh chóng. Bên cạnh đó, phải tạo một môi trường năng động hơn, mang tính đối thoại hơn để người dân mạnh dạn, chủ động góp ý cho Đảng.

Tôi rất mừng là trong các thông điệp gửi đi đầu năm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, vấn đề cải cách thể chế, phát huy quyền làm chủ của người dân đã được đề cập một cách sâu sắc. Cần phải hiện thực hóa điều đó một cách cụ thể và khẩn trương để thể hiện sự lãnh đạo này của Đảng là xuất phát từ quyền làm chủ của dân và vì dân. Trong công tác quản lý của mình, Nhà nước cũng phải thể hiện như thế.

. Xin cảm ơn ông.

 

Phải vượt qua ngọn núi trong lòng mình

Tình trạng lạm quyền hiện nay rất phức tạp, có người nói “quyền lực như xe không phanh”. Vậy cái phanh bây giờ là ở đâu? Ngoài đổi mới tư duy về sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới công tác xây dựng Đảng thì điều quan trọng hơn là phải thấy cái gì ngăn cản được sự tha hóa, suy thoái mà Đảng đã “bắt bệnh” trong Nghị quyết Trung ương 4. Rõ ràng muốn chống suy thoái, một mình cũng chống được nhưng sẽ rất khó, mà đòi hỏi phải có “bác sĩ”. Vấn đề là bản thân mình phải vượt lên ngọn núi trong lòng mình, mà lực lượng quyết định cuối cùng, quyết định một cách rộng lớn, lâu dài là dựa vào dân.

Tôi thấy hai năm sau khi Nghị quyết Trung ương 4 ra đời, Đảng càng ngày càng tự giác hơn để chỉnh đốn sửa đổi mình. Người dân cũng đưa ra những tiếng nói, tạo ra sức mạnh dư luận để Đảng thực hiện điều đó một cách mạnh mẽ hơn. Rõ ràng ta nhấn mạnh việc Đảng tự đổi mới nhưng nếu không thực hiện được cơ chế toàn dân tham gia vào việc giám sát Đảng thì rất khó.

TS HỒ BÁ THÂM 

Tạo điều kiện để nhân dân góp ý cho Đảng

Cuối năm 2013, Ban Bí thư đã ban hành quy định về việc MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Theo đó, đối tượng góp ý là cán bộ, đảng viên và tất cả tổ chức Đảng, bao gồm cả Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban Đảng trung ương, các tổ chức Đảng trực thuộc trung ương cùng QH, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, kiểm toán, cơ quan nhà nước các cấp và công chức, viên chức.

Hình thức góp ý có thể là theo định kỳ hoặc thường xuyên, đột xuất; có thể bằng văn bản hay đối thoại trực tiếp. Cấp ủy, chính quyền phải chủ trì, phối hợp với MTTQ và các đoàn thể, tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở địa phương với nhân dân và lấy ý kiến của nhân dân nơi cư trú với cán bộ, đảng viên. Hằng năm cấp ủy, chính quyền phải báo cáo kết quả tiếp thu ý kiến lên cấp trên và MTTQ, đoàn thể cùng cấp để theo dõi, giám sát.

MINH CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm