Chợ Bến Thành, Tân Định... có lợi thế phát triển nhờ metro

(PLO)- Các Sở An toàn thực phẩm (ATTP), QHKT TP.HCM, Phòng kinh tế quận 6…đều nhìn nhận chợ truyền thống đang dần bị thu hẹp nhưng không hề mất đi.

Ngày 27-3, Sở Công thương TP.HCM tổ chức tọa đàm “Định hướng phát triển đối với mô hình chợ trên địa bàn quận 1”.

Tại toạ đàm, các Sở An toàn thực phẩm (ATTP), QHKT TP.HCM, Phòng kinh tế quận 6…đều nhìn nhận chợ truyền thống đang dần bị thu hẹp nhưng không hề mất đi. Đồng thời đề xuất chuyển đổi mô hình chợ phát triển theo hướng văn minh hiện đại.

Chợ truyền thống khó cạnh tranh với chợ tự phát

Ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, khi được ủy quyền tiếp nhận quản lý chợ trên địa bàn, quận rất trăn trở làm sao chợ ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế quận nói riêng và TP.HCM nói chung.

Theo ông An, quận 1 có năm chợ truyền thống gồm chợ Bến Thành, Tân Định, Dân Sinh, Thái Bình, Đa Kao được người dân du khách dành tình cảm đặc biệt.

Các chợ được “bao bọc” 12 trung tâm thương mại (TTTM), 10 siêu thị, 147 cửa hàng tiện lợi 500 cửa hàng tạp hóa. Qua đó, cho thấy chợ truyền thống chịu sự cạnh tranh lớn với những kênh phân phối này.

Tuy nhiên, hiện nay chợ truyền thống trên địa bàn quận 1 vẫn thu hút người dân đến mua sắm nhờ các yếu tố như cơ sở hạ tầng, kiến trúc đặc thù, lịch sử phát triển.

Bên cạnh đó, ông An, nhìn nhận chợ truyền thống vẫn có một hạn chế như không có khuyến mãi, vệ sinh môi trường chưa tiện nghi, hiện đại như các siêu thị. Đối với các chợ gắn với yếu tố lịch sử lâu đời thì đến nay cơ sở vật chất có phần xuống cấp nhưng để sữa chữa tôn tạo…cơ chế phức tạp, khó khăn.

Ông Nguyễn Đại Ngọc, đại diện Sở ATTP cho biết, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, giá cả, hàng hóa đa dạng, sự tương tác xã hội là những yếu tố người dân chọn đến chợ truyền thống. Tuy nhiên, quan trọng cần xây dựng niềm tin của người dân về chất lượng hàng hóa ở chợ truyền thống.

Ngoài ra, các sở ngành khác cũng cần quan tâm, tránh tình trạng người dân vào chợ mua hàng gặp phải hàng giả. Mặt khác, cần tính toán có cơ chế làm sao cho bà con tiểu thương giảm bớt các chi phí.

"Đơn cử, tiểu thương kinh doanh trong chợ phải đóng nhiều phí nhưng nếu chỉ cần trải tấm bạt bên ngoài tất cả các chi phí đó không còn. Như vậy, giữa người bán trước chợ và trong chợ có sự khác biệt lớn, càng làm người dân giảm vào chợ truyền thống” - ông Ngọc nói.

Du khách mua sắm tại chợ Bến Thành. Ảnh: TÚ UYÊN

Chuyển đổi nâng cấp chợ truyền thống không dễ

Ông Trần Văn Bích, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết hiện nay siêu thị và chợ mỗi mô hình có lợi thế riêng. Chợ chưa bị thay thế bởi tính tiện lợi, sự đa dạng hàng hóa mà siêu thị không có được.

Tuy nhiên về mức độ tiện lợi, nếu phát triển chợ theo kiểu nhà lồng như hiện nay tiểu thương khó tồn tại do ngành thực phẩm tươi sống người kinh doanh có xu hướng lấn ra mặt tiền đường để đáp ứng sự tiện lợi cho người dân.

Theo ông Bích, sự tồn tại của chợ truyền thống là cần thiết nhưng cần chuyển đổi theo hướng đảm bảo ATTP, văn minh hiện đại.

Riêng địa bàn quận 1 có nhiều chợ nổi tiếng như Bến Thành, Tân Định…có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời không chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm mà gắn với phát triển du lịch. “Sắp tới một số chợ ở trung tâm quận 1 nâng tầm mô hình hoạt động theo hình thức kinh doanh trực tuyến, gắn với phát triển phục vụ du lịch cũng như gắn với phát triển kinh tế đêm” - ông Bích gợi ý.

Ngoài ra, ông Bích cho rằng việc đầu tư phát triển chợ truyền thống sẽ gặp khó đó là vấn đề quyền sử dụng sạp và vai trò của ban quản lý chợ. Ví dụ, mô hình siêu thị, TTTM, doanh nghiệp đầu tư sau đó cho các hộ kinh doanh thuê, mối quan hệ giữa người thuê và đi thuê rõ ràng.

Đối với chợ truyền thống, đặc biệt những chợ hình thành lâu đời, các tiểu thương có quyền hiểu nôm na “sở hữu sạp”. Như vậy, mỗi khi muốn nâng cấp, đầu tư chợ nếu không đạt sự đồng thuận của tiểu thương cũng sẽ khó khăn, phức tạp và thực tế đã chứng minh điều này.

Đại diện Sở QHKT TP.HCM cho biết, chợ truyền thống đang thu hẹp dần nhưng vẫn tồn tại. Tương lai gần, với nguồn kinh phí hạn hẹp các chợ có thể phải chỉnh trang. Về dài hạn cần biến đổi công năng các chợ và không gian chợ gắn với tái chỉnh trang phát triển đô thị.

"Trong quy hoạch đô thị, tất cả các tuyến metro bắt nguồn từ ga trung tâm chợ Bến Thành tỏa đi các hướng, chợ Tân Định trong tương lai nằm trong tuyến metro số 4. Đây là lợi thế hai chợ trong tái phát triển gắn với không gian đô thị TP.HCM" - vị này nói.

Chúng tôi trân trọng ghi nhận các ý kiến góp ý của sở ngành. Nhóm cam kết tiếp thu để làm sao đề án Phát triển hệ thống chợ tại TP.HCM thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế có tính thuyết phục, khả thi, giúp chợ truyền thống phát triển bền vững.

Ông Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Luật, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới