Hai ngày nay (3 và 4-9), nhiều bệnh viện, trường học và nhà dân trên địa bàn TP Vinh, Nghệ An vẫn chưa có nước máy (nước sạch) để dùng khiến cuộc sống bị xáo trộn.
Trong khi đó, từ chiều tối 3-9, với lý do nước sông Lam đục, ông Nguyễn Trường Giang, Quyền Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An, đã ký công văn cho phép Công ty CP Cấp nước Nghệ An tạm ngừng lấy nước thô từ sông Lam, bơm nước sông Đào (một nhánh nhỏ hạ nguồn sông Lam) để sản xuất nước máy, cung cấp cho người dân TP Vinh và vùng phụ cận.
Bệnh viện Ung bướu Nghệ An phải hứng lấy nước mưa từ trên mái nhà chảy vào ống nhựa để dùng.
Ông Giang nói: “Tình thế bất khả kháng phải cho bơm nước sông Đào làm nước máy. Không thể để dân thiếu nước uống và sinh hoạt”.
Trong khi một số bệnh viện, nhà dân đã có nước để dùng thì ở BV Giao Thông (đóng tại TP Vinh) vẫn thiếu nước chạy thận và nước để vệ sinh, sinh hoạt. Phía bệnh viện đã phải cho hứng lấy nước mưa lụt và cho xe bồn chở nước máy về bệnh viện.
Tương tự, BV Ung bướu tỉnh Nghệ An và BV Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An cũng bị cắt nước máy những ngày qua. Do thiếu nước máy nên các nhà vệ sinh của bệnh viện đã bốc mùi khó chịu; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không có nước để sinh hoạt.
Trước tình hình này, ngày 4- 9, BV Ung bướu Nghệ An đã phải hứng lấy nước mưa rồi bơm ngược nước mưa lên bể dự trữ để có nước dùng. Nhiều hộ dân ở TP Vinh phản ánh từ ngày 2-9 đến nay vẫn chưa có nước máy để sinh hoạt, nhiều hộ có nước máy nhưng chỉ nhỏ giọt.
Người dân ở TP Vinh phải hứng nước mưa để dùng.
Trong khi đó, tại TP Vinh thì tình hình mưa lũ đang diễn ra, người dân rất cần nước sạch.
Chiều 4-9, trả lời câu hỏi vì sao tỉnh Nghệ An đã cho phép công ty bơm nước sông Đào để sản xuất nước máy nhưng nhiều bệnh viện vẫn chưa có nước máy dùng, ông Hoàng Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An, cho biết: “Do cắt nước máy những ngày qua nên dù nhà máy đã hoạt động nhưng do nhu cầu người dân rất lớn dẫn đến một số khu vực vẫn chưa có nước”.
Theo ông Hải, hệ lụy là do thủy điện xả lũ dẫn đến nước sông đục, nước thô có độ đục nên nhà máy khó xử lý. Trong khi công suất nhà máy sản xuất ra nước máy không thể nâng cao lên ngay lúc này.
“Hiện nay hồ thủy điện Nhà máy thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương) và Nhà máy thủy điện Chi Khê (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) đang xả lũ. Vì vậy, nhà máy nước máy không chạy được công suất 100% vì nước thô có độ đục 60-61, chạy 2 vạn khối nước/ngày là không xử lý được” - ông Hải lý giải.
Ông Hải cũng cho biết sẽ kiểm tra và tăng cường nước máy cho các bệnh viện để kịp thời cấp cứu, phục vụ chữa trị các bệnh nhân.