Ngày 11-8, nhiều hộ dân ở TP Vinh (Nghệ An) tiếp tục bị… mất nước máy hoặc nước chảy nhỏ giọt khiến cuộc sống bị đảo lộn do thiếu nước để ăn uống và tắm giặt. Đặc biệt tại BV Sản nhi Nghệ An cũng bị mất nước khiến người thân, bệnh nhân và cả y, bác sĩ gặp khó khăn.
Nước sông Lam (đoạn chảy qua huyện Nam Đàn) vào chiều 11-8.
Do thiếu nước máy tại các nhà tắm, nhà vệ sinh của bệnh viện bốc mùi hôi thối nồng nặc. Một số trường học, công ty, chung cư ở Vinh cũng khốn đốn khi bị thiếu nước máy. Nhiều gia đình ở phường Hưng Dũng (TP Vinh) phải đưa xô, chậu tích trữ từng giọt nước để có ăn uống, rửa mặt…
Trong khi đó, những ngày vừa qua, tại các huyện miền núi Nghệ An có mưa giông lớn, nước sông Lam ở hạ nguồn đang dâng cao.
Ông Hòa Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An, cho rằng do nhà máy sản xuất nước sạch không đủ nên phải cắt nước luân phiên. “Nước thô từ Công ty CP Cấp nước Sông Lam cung cấp cho Nhà máy nước Hưng Vĩnh và Cầu Bạch (thuộc Công ty Cấp nước Nghệ An) có bất thường, chỉ tiêu và độ đục quá lớn, ảnh hưởng đến sản xuất nước sạch cung cấp cho khách hàng. Do nước đục nên công suất máy không đáp ứng được 100% mà chỉ khoảng 60%. Ở Nhà máy nước Hưng Vĩnh dây chuyền 40.000 m3 nước/ngày thì xử lý được nhưng công suất chỉ xử ý được 28.000 m3/ngày. Còn dây chuyền 20.000 m3/ngày phải dừng, không xử lý được” - ông Hải nói.
Nước sông Đào (đoạn chảy qua xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An) chiều 11-8 cũng đục ngầu.
Một số người dân đặt nghi vấn Công ty CP Cấp nước Nghệ An vẫn mong muốn bơm nước sông Đào (nhánh nhỏ hạ nguồn sông Lam) để sản xuất nước máy bán. Trong khi đó, ngày 5-8, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Công ty Cấp nước Nghệ An chấm dứt ngay việc khai thác nước sông Đào trong sản xuất nước máy bán cho người dân ăn uống.
Theo ông Hải: “Nước sông Lam chảy vào sông Đào thì dòng chảy nhỏ, có độ lắng, đỡ đục hơn, nếu bơm lấy nước sông Đào thì Nhà máy Hưng Vĩnh có bể sâu lắng để lắng bùn đất xuống. Chúng tôi chưa nhận được văn bản từ UBND tỉnh Nghệ An cấm bơm lấy nước sông Đào nhưng qua báo chí, chúng tôi biết chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã họp và yêu cầu từ ngày 5-8 không được bơm nước sông Đào. Do vậy, chúng tôi tôn trọng chỉ đạo của chủ tịch tỉnh dừng bơm nước sông Đào”.
Trong khi đó, phía lãnh đạo Công ty Cấp nước Sông Lam cho biết: “Ba năm qua, nhiều mưa lụt, nước sông Lam đục thì phía Công ty Cấp nước Sông Lam vẫn xử lý cấp đủ nước cho dân”.
Theo kết quả quan trắc của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An thì độ đục của sông Lam và sông Đào gần tương đương nhau.
Trạm quan trắc nước tự động (của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An) đặt ngay bên bờ sông Lam, điểm bơm cấp nước thô sông Lam.
Ông Nguyễn Trường Giang, Quyền Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An, cho biết: “Sáng 10-8, tôi cùng với Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cùng hai công ty đã đến thực tế kiểm tra tại nhà máy. Nguồn nước sông Lam đục bất thường là do lụt lội từ đầu nguồn và các nhà máy thủy điện xả về. Một năm chỉ một số ngày xảy ra lũ lụt dẫn đến nước có đục hơn ngày thường. Trong ba dây chuyền của Công ty Cấp nước Nghệ An thì có một dây chuyền lạc hậu (từ năm 1987) nên không xử lý được ra nước sạch, đây là sự cố. Hai dây chuyền còn lại thì cần thời gian vận hành lâu hơn nên sản lượng giảm. Đây là sự cố do mưa lũ, chứ không phải do ai gây ra, cả hai công ty đều thiệt hại, công ty bán nước thô thì bán được số lượng ít hơn, công ty sản xuất nước máy bán cũng bán được ít hơn, nhân dân thì ảnh hưởng. Không trách được ai cả”.
Theo ông Giang, quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo làm quy hoạch tổng thể nước máy cả TP Vinh và vùng phụ cận. Sau đó phân vùng cấp nước mới xét điều kiện đầu tư của các công ty đầu tư là đầu tư bao nhiêu, nhà máy đặt ở đâu.
Ông Giang nói: “Quy hoạch không thể ngày một ngày hai mà bây giờ có chủ trương xong rồi mới xin cấp tiền để thuê tư vấn, khảo sát lập thì cũng mất nhiều tháng”.