Chó cắn chết gà

Là hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” nhưng chỉ vì chuyện chó nhà này cắn gà nhà kia mà hai bên đã kéo nhau ra xã rồi mang nhau ra tòa để nhờ giải quyết...

Chết 17 con gà

Theo đơn khởi kiện của bà H., năm 2010, vợ chồng bà mua một số con gà để bán lại kiếm lời. Ngày 10-11-2010, trong lúc cả gia đình bà đi làm, bốn con chó của vợ chồng bà N. đã chạy qua cắn chết hai con gà nhà bà. Một tuần sau, chứng nào tật nấy, mấy con chó trên tiếp tục “hạ độc thủ” với bảy con gà nữa. Chưa dừng lại ở đó, ngày 26-11, chó nhà bà N. lại “xử” thêm tám con, nâng tổng số nạn nhân lên con số 17 (trong đó có tám con gà lớn và chín con gà choai).

Bà H. cho biết đã nhiều lần sang nhà bà N. nói chuyện với mong muốn bà N. bán hết chó để khỏi cắn gà, đồng thời phải bồi thường cho bà hơn 1,8 triệu đồng tiền thiệt hại nhưng bà N. không chấp nhận. Thấy hàng xóm không có thiện chí, bà nhờ xã hòa giải. Tuy nhiên, xã hòa giải cũng không xong. Không còn cách nào khác, bà khởi kiện ra huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

Được bồi thường 10 con

Qua các lần hòa giải, bị đơn cho rằng trong xóm có nhiều gia đình nuôi chó chứ không riêng hộ bà nên không thể nói chỉ có mỗi chó nhà bà cắn chết gà. Bà chỉ chấp nhận bồi thường cho nguyên đơn hai con gà bị chó cắn chết đầu tiên vì vụ việc trước đó đã được công an xã giải quyết. Còn sau khi xảy ra việc chó cắn gà, bà đã gọi người bán hai con chó lớn, tiếp đó mấy ngày lại bán thêm một con nữa. Riêng con chó nhỏ bà đã vứt đi nơi khác. Vì vậy, nguyên đơn yêu cầu bà bồi thường tất cả 17 con gà là không có cơ sở. Ngoài ra, bà thống nhất giá bồi thường như ý kiến nguyên đơn là gà lớn 120.000 đồng/con, gà choai 100.000 đồng/con.

Chó cắn chết gà ảnh 1

Tuy nhiên, ý kiến này của bị đơn đã không được phía nguyên đơn chấp nhận bởi các lần chó nhà bà N. cắn gà đều có người làm chứng chứ nguyên đơn không vu oan cho ai cả.

Hòa giải không xong, ngày 9-8, TAND huyện Duy Xuyên đã mở phiên xử. Tại tòa, một nhân chứng cho biết ngày 10-11-2010, khi đi làm về, ông thấy bốn con chó của bà N. cắn hai con gà lớn của bà H. Lần thứ hai vào ngày 18-11-2010, lúc ông đang ở nhà thì nghe chồng bà H. đuổi đàn chó bà N. Nghe lớn tiếng ông chạy sang, chồng bà H. đem bảy con gà bị chó vừa cắn chết cho xem. Ông khẳng định tại khu vực ông ở có rất nhiều gia đình nuôi chó để giữ nhà nhưng chó ăn gà và cắn gà là chó nhà bà N. Ông bảo: “Đã nhiều lần chó bà N. sang vườn nhà ông đuổi cắn gà, bị ông đuổi đánh nên không dám qua vườn như mọi khi”.

Một nhân chứng khác cho biết thêm, ngày 26-11-2010, bà thấy hai con chó cắn một con gà choai và thấy bà H. cầm trên tay. Còn bà H. nói bị mất tám con, quả thực bà không thấy.

Sau khi nghe các bên trình bày, HĐXX nhận định nguyên đơn cho rằng chó bà N. cắn gà vào ngày 10 và 18-11 làm chết chín con là phù hợp với lời khai của các nhân chứng. Riêng vụ ngày 26-11, nhân chứng chỉ thấy chó cắn chết một con nên tòa chỉ chấp nhận con số này. Tổng cộng chó đã cắn chết 10 con gà. Bà N. cho rằng đã bán chó nhưng kiểm tra lại, bà bán chó sau thời điểm xảy ra các sự cố. Do vậy, tòa chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc phía bị đơn phải bồi thường 10 con gà cho nguyên đơn với số tiền hơn 1,1 triệu đồng.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bà N. đã kháng cáo cho rằng chó nhà bà chỉ cắn chết hai con gà. Ngày 26-9, TAND tỉnh Quảng Nam xét xử phúc thẩm. Phiên tòa này nguyên đơn không có mặt. Sau khi xem xét, tòa cho rằng bị đơn kháng cáo nhưng không đưa ra được chứng cứ gì để chứng minh đã bán các con chó của mình trước khi gây ra hai sự cố tiếp theo và “chỉ cắn hai con gà của gia đình bà H.”. Do vậy, HĐXX quyết định bác kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm, buộc bị đơn phải bồi thường 10 con gà với số tiền hơn 1,1 triệu đồng.

Một nguyên tắc trong vụ kiện dân sự là các bên phải đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Nếu không đưa ra được chứng cứ thì tòa sẽ bác yêu cầu. Trong vụ án này, bên nguyên đơn đã đưa ra được con số thiệt hại, thời điểm xảy ra thiệt hại và có các lời khai của nhân chứng phù hợp với vụ việc để chứng minh rằng chó của bị đơn cắn chết gà mình… Bị đơn không đưa ra được chứng cứ nào cho rằng yêu cầu của nguyên đơn là không có cơ sở. Do vậy, tòa chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là phù hợp.

Tuy nhiên, trong vụ này tôi thấy tiếc là hai người hàng xóm đã không hòa giải được với nhau. Kéo nhau ra tòa sẽ có kẻ thắng người thua nhưng cái mà cả hai bên cùng mất, khó thể hàn gắn đó là tình cảm láng giềng...

Luật sư NGUYỄN THANH VĂN (Đoàn Luật sư TP.HCM)

CAO NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm