Đại tá Trần Thế Đề kể về trận đánh đồi A1. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chiến thắng Điện Biên Phủ qua ký ức của người lính - Bài 1

Trận đánh đồi A1 - những khoảnh khắc không thể quên

(PLO)- Vượt qua bao khó khăn và thử thách, Đại tá Trần Thế Đề cùng những người lính tham gia trận đánh đồi A1 năm ấy đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một trong những chiến thắng to lớn và vĩ đại nhất của quân dân Việt Nam. Đó cũng sẽ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử dân tộc, non sông đất nước ta. 70 năm đã đi qua nhưng những ý nghĩa, bài học lịch sử từ chiến thắng ấy vẫn còn nguyên giá trị, tiếp thêm sức mạnh to lớn để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng quê hương ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

*****

70 năm sau ngày chiến dịch Điện Biên Phủ, những người lính tham gia cuộc chiến ngày ấy, người còn người mất nhưng những hình ảnh về một thời máu lửa, hào hùng dường như vẫn vẹn nguyên trong ký ức của họ.

Trong căn nhà nhỏ nằm trên đường Trần Phú (quận 5, TP.HCM), Đại tá Trần Thế Đề (96 tuổi), nguyên Chánh văn phòng Đoàn chuyên gia 478, nguyên Chính trị viên Đại đội 16, Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316), chia sẻ với chúng tôi về những năm tháng chiến đấu hào hùng ở Điện Biên Phủ.

tran-danh-doi-a1-nhung-khoanh-khac-khong-the-quen.jpeg
Đại tá Trần Thế Đề kể về trận đánh đồi A1. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thay nhau làm “thang” để vượt đèo dốc

Mở đầu câu chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Trần Thế Đề kể ông đã trở thành anh vệ quốc đoàn khi mới 15 tuổi và là một trong những chiến sĩ đầu tiên đánh thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1946 tại Hải Phòng. Khi Pháp gây xung đột với ta ở Hải Phòng, ông có tên trong đơn vị chủ lực (Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316).

Được lệnh lên chiến dịch Điện Biên Phủ, ông và mọi người trải qua một cuộc hành quân gian nan chưa từng có, vừa vác gạo vừa cầm súng vượt đường rừng 400 km suốt ngày đêm.

Vị đại tá bảo cuộc hành quân cũng là cuộc thi đua chiến đấu bảo vệ quân số nên bàn chân dù có phồng rộp cũng không được phép dừng lại.

Anh em chiến sĩ chúng tôi khi đó thay nhau làm “thang” để vượt đèo dốc. “Chiến sĩ chúng tôi lúc đó không có từ “sợ đói”, “sợ chết”, biết chết không sợ, biết đói chẳng màng” - Đại tá Đề nhấn mạnh.

tran-danh-doi-a1-3.jpg
tran-danh-doi-a1-4.JPG
tran-danh-doi-a1-5.JPG
tran-danh-doi-a1-6.JPG
Những hồi ký ghi lại những năm tháng chiến đấu của Đại tá Trần Thế Đề cùng đồng đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt

Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm nhưng riêng thời gian đánh đồi A1 của quân ta đã mất tới 39 ngày đêm với biết bao hy sinh, mất mát nhưng vô cùng kiên cường.

Đại tá Trần Thế Đề kể tại khu vực đồi A1, cuộc chiến đấu của Đại đội 16, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) diễn ra không thuận lợi. Do mất liên lạc với đại đoàn ngay từ đầu nên không nhận được lệnh tiến công. Sau khoảng 30 phút so với kế hoạch ban đầu, ông cùng đồng đội nổ súng tiến công. Lúc này, quân địch chống trả quyết liệt, hỏa lực của phía địch cũng bắn tới tấp khiến lực lượng của ta không thể vượt qua được.

tran-danh-doi-a1-8.JPG
17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, pháo binh của ta tấn công cứ điểm Him Lam thuộc phân khu Bắc, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh chụp từ triển lãm TP.HCM.

Trước tình thế nguy hiểm, ông nhận ra điểm mấu chốt sau mỗi lần đạn pháo của địch nổ lại có mấy giây gián đoạn do phải thao tác phần tử và nạp đạn. Tận dụng thời cơ này, ông đã chỉ huy đơn vị xung phong từng đoạn ngắn và nhờ đó đơn vị qua được tiền duyên tiến vào đồn địch.

Trong đợt tiến công thứ hai, Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) đảm nhiệm tiến công hướng chủ yếu thay Trung đoàn 174 chuyển sang hướng thứ yếu. Đêm 31-3, hướng chủ yếu nổ súng tiến công. Hai bên giao tranh quyết liệt. Nhiều đồng đội hy sinh trên giao thông hào, ông Đề cũng bị thương và ngất đi. Khi tỉnh lại, trên người ông là những người đồng đội đã hy sinh, họ “bao bọc” ông nên ông may mắn còn sống sót.

Anh2_baichinhP12.jpeg
Một phần bức tranh panorama tái hiện trận chiến Điện Biên Phủ. Ảnh chụp lại: QUANG HUY

“Đó là khoảnh khắc không bao giờ quên trong cuộc đời tôi” - Đại tá Trần Thế Đề nhớ lại rồi nói cuộc chiến đấu khi ấy diễn ra vô cùng ác liệt. Khi địch rút vào hầm ngầm, bộ chỉ huy chiến dịch của ta quyết định đào đường hầm, chui sâu vào lòng đất rồi dùng bộc phá lớn đặt dưới chân hầm ngầm của địch.

Tuy nhiên, do đất đồi A1 quá rắn, các chiến sĩ đào hầm 14 ngày đêm nhưng vẫn chưa tới đích. Kế hoạch đề ra đã quá hạn, không thể chờ đợi thêm nên quân ta quyết định cho nổ khối bộc phá nặng 960 kg. Dù khối nổ còn cách hầm ngầm của địch khoảng 30 m nhưng sức công phá dữ dội, chính điều này đã tạo điều kiện cho quân ta xung phong tiêu diệt và bắt sống quân địch trên đồi A1.

tran-danh-doi-a1-7.JPG
Đại tá Trần Thế Đề thăm lại chiến trường xưa - nơi ông đã cùng đồng đội mình trải qua những năm tháng gian khổ nhưng đầy tự hào. Ảnh: TƯ LIỆU

Khi nước nhà thống nhất, Đại tá Trần Thế Đề lại cấp tốc cùng đồng đội lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ròng rã 10 năm giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot.

Hơn 40 năm trong quân ngũ, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.

****

Truyền đi những bài học quý báu về lòng yêu nước

Chính quyền địa phương luôn trân trọng và thường xuyên có các hoạt động tri ân những công lao của Đại tá Trần Thế Đề, đồng thời có sự quan tâm với gia đình ông. Dù tuổi đã cao nhưng Đại tá Trần Thế Đề vẫn hăng say tham gia các hoạt động do phường tổ chức. Ông đã truyền tải lòng yêu nước của mình cũng như của các đồng đội đến gần hơn với thế hệ con cháu.

Mọi người luôn thấy ở ông là một tấm gương mẫu mực, hình ảnh một người chiến sĩ Điện Biên kiên trung, giàu lòng yêu nước. Đó là những bài học quý giá cho thế hệ trẻ hôm nay để luôn vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu học tập, hoàn thành các công việc được giao và cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển của đất nước.

DIỆC TUYẾT MAI, Chủ tịch UBND phường 4, quận 5

Đọc thêm