Mới đây, TAND TP Hải Phòng đã xử phúc thẩm vụ tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm giữa ông VVB với vợ chồng ông ĐHM do phía ông M. có kháng cáo.
Bị chó tấn công, té chấn thương sọ não
Theo đơn khởi kiện của ông B., rạng sáng 23-7-2017, cha ruột của ông B. đang đi bộ trong ngõ phố thì bị con chó của gia đình ông M. bất ngờ xông ra cắn vào chân tay, ngực, sau đó nhảy chồm lên cắn vào mặt, đẩy cha ông ngã ngửa, đập đầu xuống đường bê tông.
Ngay sau đó, cha của ông B. được đưa đi cấp cứu và làm các xét nghiệm. Bác sĩ chẩn đoán cha của ông B. bị chấn thương sọ não. Cha của ông B. được sơ cứu, điều trị trong suốt 55 ngày nhưng do vết thương quá nặng nên đã mất vào ngày 16-9-2017.
Theo ông B., chi phí điều trị cho cha của ông rất tốn kém trong khi điều kiện kinh tế của gia đình lại khó khăn. Gia đình ông đã nhiều lần yêu cầu vợ chồng ông M. bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do đã để vật nuôi gây thiệt hại đến tính mạng của cha ông nhưng phía ông M. thể hiện sự thiếu trách nhiệm, né tránh.
Vì vậy, ông B. đại diện gia đình khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông M. phải có trách nhiệm bồi thường các khoản thiệt hại sau: Chi phí cho việc cứu chữa vết thương hơn 65 triệu đồng, chi phí mai táng và cúng hơn 58 triệu đồng, thu nhập của cha ông bị mất trong thời gian điều trị 13,75 triệu đồng (55 ngày x 250.000 đồng), khoản tiền bù đắp về tinh thần 312 triệu đồng (bốn người x 60 tháng lương cơ bản).
Tòa mời làm việc, vợ chồng ông M. thừa nhận sáng sớm hôm đó, chó nhà ông bà nuôi bị tuột xích đã gây thương tích cho cha của ông B. Sự việc xảy ra là điều không may, không ai mong muốn. Quá trình cha của ông B. điều trị tại bệnh viện, vợ ông M. đã tích cực thăm nom, chăm sóc nhưng không may sau đó cha của ông B. không qua khỏi.
Theo vợ chồng ông M., do hoàn cảnh kinh tế gia đình ông bà rất khó khăn nên mới chi trả viện phí, thuốc men và tiền phúng viếng tổng cộng là 20 triệu đồng. Nay ông B. yêu cầu bồi thường số tiền trên, ông bà chỉ có khả năng vay mượn và bồi thường tiếp khoảng 40 triệu đồng nữa mà thôi.
Chủ chó phải có trách nhiệm quản lý
Sau khi tòa sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của ông B., buộc vợ chồng ông M. phải bồi thường cho phía ông B. gần 200 triệu đồng, vợ chồng ông M. đã kháng cáo.
Mới đây, xử phúc thẩm vụ án, TAND TP Hải Phòng nhận định: Nguyên nhân dẫn đến việc cha của ông B. bị chấn thương sọ não, sau đó tử vong là do con chó nhà vợ chồng ông M. bất ngờ tấn công cha của ông B. làm nạn nhân bị ngã dẫn đến chấn thương sọ não. Mặc dù người nuôi là vợ chồng ông M. không mong muốn điều này, là lỗi vô ý nhưng với trách nhiệm là người chiếm hữu, sử dụng súc vật, vợ chồng ông M. chưa thực hiện các biện pháp an toàn đối với vật nuôi để đảm bảo tính mạng cho người khác. Do đó, vợ chồng ông M. phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do để súc vật mà mình nuôi dưỡng gây thiệt hại cho người khác là phù hợp với quy định tại Điều 585, Điều 603 BLDS.
Theo tòa phúc thẩm, bản án sơ thẩm quyết định buộc vợ chồng ông M. phải bồi thường cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân là có căn cứ. Tuy nhiên, có những khoản tiền bản án sơ thẩm buộc vợ chồng ông M. bồi thường là chưa hợp lý và chưa có cơ sở. Vì vậy, cần chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, tính toán lại các khoản bồi thường cho phù hợp với lỗi vô ý của bị đơn là thiếu thận trọng trong việc quản lý vật nuôi dẫn đến hậu quả đáng tiếc và phù hợp với thiệt hại thực tế theo quy định tại khoản 2 Điều 308, Điều 309 BLTTDS.
Từ đó, tòa phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của vợ chồng ông M., tuyên buộc vợ chồng ông phải bồi thường cho các đồng thừa kế của nạn nhân số tiền tổng cộng hơn 170 triệu đồng. Do vợ chồng ông M. đã bồi thường 20 triệu đồng nên phải bồi thường tiếp với số tiền hơn 150 triệu đồng.
Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra 1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. 3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. 4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. (Theo Điều 603 BLDS 2015) |