Chờ Mỹ làm rõ Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

(PLO)- Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN sắp tới khả năng sẽ bàn nhiều nội dung liên quan đến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông báo từ Nhà Trắng, tại Mỹ ngày 12 và 13-5 tới sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN với sự tham gia của Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo Nhà Trắng, hội nghị sẽ thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với ASEAN, công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong việc đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách nhất của khu vực và kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ - ASEAN.

Nhà Trắng khẳng định ưu tiên hàng đầu của chính quyền ÔNG Biden là trở thành một đối tác mạnh, đáng tin cậy ở Đông Nam Á. Khát vọng chung của Mỹ đối với khu vực là sẽ tiếp tục củng cố cam kết chung của Mỹ nhằm thúc đẩy mục tiêu một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD) tự do và cởi mở, an toàn, kết nối và linh hoạt.

Dù có IPEF nhưng Mỹ vẫn nên có một hiệp định thương mại với khu vực để tránh nguy cơ Trung Quốc lấp “lỗ hổng” thiếu vắng Mỹ ở đây - nghị sĩ Dân chủ Colin Allred - thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.

Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN sắp tới khả năng sẽ bàn đến một nội dung quan trọng, là Khuôn khổ kinh tế AĐD-TBD (IPEF), vốn được nhiều người coi là nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á - TBD, theo báo South China Morning Post.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên TBD (TPP) cách đây năm năm, các đối tác AĐD-TBD đã kêu gọi Mỹ có một chiến lược kinh tế khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực. Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời lời kêu gọi đó bằng cách đề xuất Khuôn khổ kinh tế IPEF, theo trang tin The Hill.

Đến tháng 2, Nhà Trắng công bố Chiến lược AĐD-TBD của Mỹ, trong đó có một trụ cột kinh tế là IPEF nhằm đạt được sự thịnh vượng của khu vực. Những tháng sau đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã đến thăm nhiều nước ở châu Á - TBD trong nỗ lực vận động các nước tham gia khuôn khổ.

Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) và Bộ Thương mại Mỹ đã giải thích rộng rãi khái niệm về khuôn khổ kinh tế nhưng các chi tiết, bao gồm cả hình thức và phương pháp đàm phán, vẫn chưa được công bố. Những điều này khả năng sẽ được đề cập trong hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN tới đây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ được tổ chức trực tuyến ngày 26-10-2021. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ được tổ chức trực tuyến ngày 26-10-2021. Ảnh: AP

Mỹ đang vận động các nước khu vực tham gia IPEF

Thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố nhưng IPEF khác với một khối thương mại truyền thống dựa trên các hiệp định thương mại tự do. Không giống như một hiệp định thương mại truyền thống, IPEF được hình dung như một nền tảng cho các cuộc đàm phán về nhiều vấn đề kinh tế được sắp xếp theo bốn lĩnh vực: Thương mại công bằng và bền vững; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và khử cacbon; thuế và chống tham nhũng.

Tại hội nghị Mỹ - AĐD-TBD hằng năm đầu tiên do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tổ chức tại Washington trong hai ngày 5 và 6-4, Phó Đại diện Thương mại Mỹ Sarah Bianchi nói rõ các nước không nhất thiết phải tham gia vào tất cả bốn hạng mục nhưng phải tuân theo những gì họ đã đồng ý và không có ngoại lệ khi họ chọn các hạng mục cụ thể.

Trong bốn lĩnh vực của IPEF, được chú ý nhất là thương mại. USTR cho biết lĩnh vực này sẽ bao gồm các cam kết ràng buộc và cấp cao về lao động, môi trường và biến đổi khí hậu, kinh tế kỹ thuật số, nông nghiệp, tính minh bạch của các quy định, quy tắc cạnh tranh và thương mại thông suốt. Nhưng bà nói rõ rằng danh mục thương mại sẽ không liên quan đến việc mở cửa thị trường.

Mỹ mong muốn các đồng minh như Nhật, Hàn Quốc và Úc cũng như các nước chủ chốt ở Đông Nam Á tham gia IPEF. Mặc dù tập trung vào AĐD-TBD nhưng vẫn chưa rõ liệu Ấn Độ có tham gia hay không. Các cuộc đàm phán dự kiến ​​sẽ bắt đầu trong những tháng tới, nhằm mục đích thiết lập cơ sở cho khuôn khổ ​​vào năm 2023.

Theo SCMP, IPEF được coi là phản ánh tham vọng của Mỹ trong việc củng cố quan hệ với các nền kinh tế chủ chốt ở châu Á - TBD bằng cách xây dựng một chuỗi cung ứng. Trước mắt Mỹ hy vọng sẽ ký một bản ghi nhớ hợp tác với Malaysia về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo thăm Washington vào tháng 5.•

Mỹ nghiêm túc trong cam kết với ASEAN

Trang web USChamber.com nói rõ rằng Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN và Phòng Thương mại Mỹ ủng hộ mạnh hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN sắp tới.

“Chính quyền ông Biden tiếp tục thể hiện cam kết của mình với các bạn bè và đối tác ASEAN, ngay cả khi đang xử lý khủng hoảng ở Đông Âu. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ mong đợi hội nghị thượng đỉnh này như một cơ hội quan trọng để tăng cường quan hệ kinh tế và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ ở AĐD-TBD” - USChamber.com dẫn lời Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, Đại sứ Ted Osius.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ kiêm Trưởng phòng Các vấn đề quốc tế Myron Brilliant, “thực tế, làm như vậy vào thời điểm này chứng tỏ sự nghiêm túc trong cam kết của Mỹ đối với Đông Nam Á”. Theo ông, tương tác với các quốc gia này rất quan trọng để khôi phục và mở rộng quan hệ trên khắp AĐD-TBD, khu vực trung tâm của các lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm