Đài Loan thúc chính quyền Biden cho tham gia kế hoạch kinh tế đối phó ảnh hưởng Trung Quốc

(PLO)- Trung Quốc coi sáng kiến của Mỹ thành lập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một nỗ lực nhằm tạo ra “các câu lạc bộ độc quyền”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một quan chức cấp cao của Đài Loan đã thúc ép Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đưa hòn đảo này vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) sắp tới của Washington.

Tháng trước, bà Tai từ chối cho biết liệu Đài Loan có được mời tham gia kế hoạch kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden hay không, khiến Thượng viện chỉ trích rằng việc loại trừ hòn đảo này sẽ là một cơ hội bị bỏ lỡ, theo hãng tin Reuters.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. Ảnh: RTI

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. Ảnh: RTI

Đài Loan đã bày tỏ mong muốn trở thành “thành viên đầy đủ” trong IPEF, vốn là một phần trong nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm chống lại những gì họ nói là sự ép buộc kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Trong cuộc đàm phán trực tuyến kéo dài một giờ hôm 18-4, trưởng đoàn đàm phán thương mại của Đài Loan Đặng Chấn Trung đã nhắc lại với bà Tai rằng hòn đảo này ủng hộ khuôn khổ và mong muốn tham gia, ông Tiêu Thần Vinh, một quan chức tại văn phòng của ông Đặng, nói với Reuters hôm 19-4.

“Các vấn đề thương mại khu vực đều được cả hai bên quan tâm” – ông Tiêu nói, đồng thời cho biết thêm rằng hai bên nhất trí giữ liên lạc về các vấn đề cùng quan tâm.

Một tuyên bố ngắn gọn từ văn phòng của bà Tai không đề cập IPEF mà chỉ cho biết hai bên đã trao đổi về những tiến bộ đạt được trong các vấn đề thương mại song phương và “lợi ích chung của họ trong việc cùng nhau giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm trong khu vực và tại các tổ chức đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới" .

Trung Quốc, nước lâu nay xem Đài Loan là một phần lãnh thổ và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất, đã lên án nỗ lực của Mỹ, nói rằng Washington đang tạo ra “các câu lạc bộ độc quyền”.

Bất kỳ sự tham gia nào của Đài Loan về lĩnh vực kinh tế đều có thể sẽ làm căng thẳng thêm quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó Bắc Kinh dễ dàng “nổi đóa” với bất kỳ sự ủng hộ nào của Washington đối với Đài Bắc.

Theo Phó trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ Pamela Phan, Mỹ có thể khởi động IPEF vào tháng tới.

Hiện Mỹ đang soạn lập các chi tiết với một loạt quốc gia trong khu vực, bao gồm Nhật, Singapore, Malaysia, New Zealand, Hàn Quốc và Ấn Độ, theo tờ Nikkei Asia.

IPEF sẽ tập trung vào bốn trụ cột chính: tạo thuận lợi thương mại, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và khử cacbon, thuế và chống tham nhũng. Mỹ có kế hoạch ký kết các hiệp định với nhiều nhóm quốc gia khác nhau cho từng trụ cột, nhưng những quốc gia tìm kiếm thuận lợi hóa thương mại sẽ phải ký kết cả bốn.

Washington không tham gia những hiệp định thương mại khu vực quan trọng như Đối tác kinh tế toàn điện khu vực (RCEP) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trước đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ ủng hộ Đài Loan trở thành thành viên của CPTPP. Hòn đảo này và Trung Quốc đã cùng nộp đơn xin gia nhập khối thương mại này vào tháng 9 năm ngoái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm