Đông Nam Á: Mở cửa sau dịch, nhất thiết phải kích hoạt các cơ chế chống khủng bố

(PLO)- Khủng bố trong khu vực Đông Nam Á đã giảm mạnh giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành, song liệu việc mở cửa biên giới có dẫn đến sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đại dịch COVID-19, khủng hoảng khí hậu, chính biến Myanmar, chiến sự Nga-Ukraine và cạnh tranh Mỹ-Trung đã làm mối quan ngại chủ nghĩa khủng bố bị lu mờ. Trong những năm gần đây, chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á đang có xu hướng giảm dần. Dựa trên Atlat quân sự Đông Nam Á do Trung tâm Nghiên cứu Bạo lực Chính trị và Khủng bố Quốc tế (ICPVTR) thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) phát triển, số vụ khủng bố bạo lực lên mức cao nhất vào năm 2019, nhưng đã giảm mạnh sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020.

Theo tờ The Diplomat, các nhóm khủng bố trong khu vực, đặc biệt là ở Philippines và Indonesia, đã chịu tổn thất đáng kể dưới tay chính quyền các địa phương. Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) đã triệt tiêu hang ổ và chế ngự các nhóm khủng bố. Tại Indonesia, Densus 88 (D88), đội chống khủng bố quốc gia, đã tích cực phá vỡ các âm mưu, triệt phá các cơ sở khủng bố địa phương, và giảm đáng kể tần suất các cuộc tấn công. Nhìn chung, những nỗ lực tích cực chống khủng bố khu vực dường như đã được đền đáp.

Các nhóm khủng bố “im lặng” để “chờ thời”?

Trong những năm đại dịch hoành hành, các nhóm khủng bố ở Đông Nam Á đã tạm ngừng hoạt động và dường như kín tiếng hơn nhằm tránh gây chú ý khi tái lập các nhóm mới. Các nhà phân tích lưu ý rằng đây là bước chuẩn bị cho việc triển khai thánh chiến. Bước chuẩn bị này có thể bao gồm các hoạt động như đào tạo thể chất, võ thuật, gây quỹ, mua vũ khí.

Các nhóm khủng bố như Jemaah Islamiyah đã bắt đầu thâm nhập vào bộ máy nhà nước, xã hội dân sự và các học viện Indonesia để thực hiện các mục tiêu chính trị của mình. Đáng chú ý, Anung Al-Hamat, thành viên cấp cao của Partai Dakwah Rakyat Indonesia (PDRI), một đảng chính trị Hồi giáo Indonesia, đã tham gia vào giới học thuật và đã xuất bản một cuốn sách tranh luận về giáo dục thánh chiến bắt buộc ở Indonesia.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Jakarta, Indonesia năm 2016. Ảnh: GLOBAL RISK INSIGHTS

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Jakarta, Indonesia năm 2016. Ảnh: GLOBAL RISK INSIGHTS

Tại Philippines, nhóm khủng bố Dawlah Islamiyah-Maute (DIMG) đã ngừng các hoạt động tấn công chủ động và ưu tiên tuyển mộ. Do đụng độ giữa Lực lượng vũ trang Philippines, các nhóm chiến binh đang trở nên yếu thế và khá túng thiếu nên khó có thể phát động một cuộc tấn công lớn trong tương lai gần, nhưng các dấu hiệu của việc phục hồi và tập hợp lại đang hiện hữu.

Theo ông Kenneth Yeo - chuyên gia tại ICPVTR, chủ nghĩa cực đoan sẽ còn tồn tại, các nhóm khủng bố đang làm mọi thứ để sinh tồn và trỗi dậy mạnh mẽ. Do đó, theo ông, sự vắng mặt các cuộc tấn công khủng bố gần đây không đồng nghĩa với việc mối đe dọa đã mất đi. Chuyên gia nhấn mạnh rằng toàn cầu hóa cũng chính là “huyết mạch” của chủ nghĩa khủng bố. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, chủ nghĩa khủng bố có thể sẽ trỗi dậy khi hoạt động du lịch toàn cầu được nối lại. Ông lưu ý rằng trong khi dần dần mở cửa biên giới, chúng ta phải luôn trong tâm thế cảnh giác.

Khủng bố xuyên biên giới ở Đông Nam Á

Theo The Diplomat, vụ khủng bố 11-9-2001 đã được lên kế hoạch và phối hợp thực hiện ở nhiều quốc gia. Khalid Sheikh Mohammed, kẻ chủ mưu vụ tấn công, đã liên lạc với Riduan Isamuddin (có bí danh là Hambali), thủ lĩnh hoạt động của nhóm Jemaah Islamiyah, bàn về hoạt động vận chuyển các đặc nhiệm của lực lượng khủng bố al-Qaeda qua Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia).

Hambali tiếp tục dàn xếp triển khai vụ đánh bom ở Bali (Indonesia) năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng. Trong lời thú nhận, Hambali chia sẻ rằng al-Qaeda đã hỗ trợ phần tử này 30.000 USD để thực hiện vụ tấn công và thưởng thêm 100.000 USD cho “kết quả hài lòng”.

Về mặt tổ chức, nhóm Jemaah Islamiyah có tham vọng mở rộng mạng lưới của mình trên toàn khu vực. Nhóm này được thành lập tại Malaysia vào năm 1993, và hiện đã chuyển địa bàn hoạt động chính sang Indonesia và Singapore. Năm 1999, lãnh đạo tinh thần của nhóm là Abu Bakar Bashir đã thành lập Hội đồng Mujahidin quốc tế (Rabitatul Mujahidin) gồm đại diện các nhóm Hồi giáo ở Indonesia, Malaysia và Singapore để tạo ra một mạng lưới chiến binh Hồi giáo trong khu vực, nhằm mục đích tập hợp nguồn lực và phối hợp hoạt động trong các đợt tấn công.

Mối quan ngại lớn nhất về các nhóm khủng bố

Tuy nhiên, các cuộc tấn công địa phương chỉ là một phần các quan ngại. Mối quan tâm hàng đầu của các nhà chức trách là các phần tử khủng bố nước ngoài.

Đông Nam Á đã chứng kiến 3 lần các nhóm khủng bố tấn công ở nước ngoài. Đầu tiên, các phần tử khủng bố ở Đông Nam Á tham gia cuộc xung đột Liên Xô-Afghanistan. Ông Thomas Hegghammer - chuyên gia về khủng bố tại Cơ sở Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy (FFI) - ước tính có khoảng 5.000-20.000 phần tử nước ngoài ủng hộ các phần tử thánh chiến Afghanistan. Nhóm phần tử Đông Nam Á sau đó đã tận dụng kinh nghiệm và mạng lưới xuyên quốc gia của mình để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố tại địa phương hoặc trong khu vực.

Thứ hai, các nhóm phiến quân Đông Nam Á bị kéo vào cuộc chiến của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Sau khi Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao IS, tuyên bố thành lập IS vào năm 2014, hàng nghìn phần tử khủng bố trên toàn thế giới đã đến Syria để tham gia vào cuộc nội chiến. Dựa trên báo cáo năm 2017 của Trung tâm Soufan - một tổ chức phân tích an ninh phi lợi nhuận có trụ sở ở Mỹ, hơn 53.000 phần tử khủng bố từ 146 quốc gia đã gia nhập lực lượng IS ở Syria, trong đó có hơn 1.000 người đến từ Đông Nam Á.

Cuối cùng, việc huy động các phần tử Hồi giáo vào năm 2016 đã dẫn đến làn sóng khủng bố ở nước ngoài lần thứ 3, hay còn được gọi là cuộc khủng hoảng Marawi. Cuộc xung đột kéo dài 5 tháng này đánh dấu cuộc chiến tàn khốc nhất ở Philippines kể từ Thế chiến II. Mặc dù xung đột Marawi chỉ diễn ra ở Philippines, nhưng đây là một hoạt động trong cả khu vực. Có khoảng 100 phần tử khủng bố nước ngoài đã đến Marawi để hỗ trợ IS trong cuộc xung đột.

Vấn đề đáng quan ngại chính là khi các nhóm phiến quân tham chiến ở nước ngoài, họ có thể sẽ mang kinh nghiệm đó và tận dụng mạng lưới khủng bố quốc tế của mình để phát động các cuộc tấn công tại quê nhà. Theo ông Kenneth Yeo, bỏ qua mối nguy từ phần tử nước ngoài sẽ là một sai lầm lớn. Tuy vậy, các nước hiện vẫn chưa thống nhất việc quản lý các nhóm này như thế nào.

Các biện pháp bảo vệ khu vực trước chủ nghĩa khủng bố

Các chính phủ Đông Nam Á nhận ra rằng mối đe dọa xuyên quốc gia đòi hỏi một phản ứng đa phương. Ngoài các nỗ lực thực thi tại địa phương và các thỏa thuận dẫn độ và tình báo song phương, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tạo ra các cơ chế tăng cường ứng phó với chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia. Khủng bố xuyên biên giới là một trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN.

Các sáng kiến ​​tiểu vùng có mục tiêu cũng được thành lập để chống lại chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia. Ví dụ, Thỏa thuận Hợp tác Ba bên (TCA) được thực hiện vào tháng 6-2017 nhằm mục đích hạn chế các hoạt động hàng hải bạo lực tại biển Sulu-Celebes. TCA cũng đóng vai trò là một cơ chế tăng cường biên giới vì biển Sulu-Celebes là tuyến đường chính đi từ Malaysia đến Philippines của các chiến binh khủng bố.

Năm 2018, các nước ASEAN đã thành lập sáng kiến ​​Our Eyes (OEI) để giải quyết các vấn đề liên quan đến khủng bố. Một số thành viên ASEAN đã đồng ý họp hai tuần một lần để trao đổi thông tin tình báo về các nhóm chiến binh và phát triển cơ sở dữ liệu chung về chống khủng bố. Tháng 11-2019, ASEAN cũng thành lập nhóm công tác tài trợ chống khủng bố khu vực Đông Nam Á (SEA CTWFG) nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến các hoạt động tài trợ khủng bố xuyên quốc gia. Nhóm công tác bao gồm các đơn vị tình báo tài chính của Philippines, Indonesia và Australia.

Mặc dù các sự kiện địa chính trị khác hiện đã làm lu mờ mối đe dọa khủng bố, nhưng mối đe dọa này không nên bị xem nhẹ. Khi nối lại các hoạt động đi lại quốc tế, khả năng các nhóm khủng bố tái hợp và thực hiện các cuộc tấn công cũng tăng cao. Các nhóm khủng bố quốc tế có thể tìm cách hỗ trợ các cuộc tấn công địa phương và các chiến binh tham chiến nước ngoài có kinh nghiệm chiến đấu có thể tìm cách trở về địa phương.

Các cơ quan thực thi trong khu vực đang tích cực hạn chế sự gia tăng và lan rộng của chủ nghĩa khủng bố. Các nước trong khu vực hiện đang nỗ lực tăng cường kiểm soát biên giới, chia sẻ thông tin tình báo và chặn nguồn tài trợ cho khủng bố. Tuy nhiên, theo ông Kenneth Yeo, các nhà hoạch định chính sách cần phải cập nhật, phục hồi và tái khởi động các cơ chế đa phương này để giảm thiểu rủi ro khủng bố trong khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm