Mỹ lên kế hoạch thúc đẩy tương tác với ASEAN theo chiến lược AĐD-TBD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nối lại nỗ lực tương tác với các nước Đông Nam Á nhằm thúc đẩy một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới.

Diễn biến trên đến trong bối cảnh có nhiều ý kiến cho rằng chiến lược hiện tại của Mỹ chưa đạt được những tiêu chuẩn kì vọng trong lĩnh vực thương mại, tờ South China Morning Post đưa tin.

Phó trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ - bà Pamela Phan. Ảnh: CSIS

Phó trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ - bà Pamela Phan – ngày 6-4 đã thảo luận các mục tiêu liên quan tại Hội nghị Mỹ - Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, D.C.

Theo bà Phan, chính quyền Mỹ muốn lên kế hoạch cho một cuộc gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ASEAN "trong vài tháng tới", gọi đây là "một phần quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ".

Trước đó, cuộc gặp này dự kiến sẽ diễn ra tại Washington vào tuần trước, nhưng Nhà Trắng đã hoãn vô thời hạn vì các lí do liên quan lịch trình.

Mỹ cũng hy vọng sẽ ký một bản ghi nhớ hợp tác với Malaysia về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng khi bộ trưởng thương mại Malaysia thăm Washington vào tháng 5.

Vào tháng 6 tới, Mỹ sẽ cử một phái đoàn năng lượng sạch tới Indonesia, Việt Nam và có thể là Philippines.

Năng lượng sạch, các chuỗi cung ứng và liên minh mạnh mẽ hơn là trọng tâm của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), nhằm duy trì thương mại tự do và rộng mở ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường, mạng và lao động trong khu vực.

“Đây không phải là một hiệp định thương mại tự do truyền thống. Vì vậy, có rất nhiều câu hỏi đặt ra về hiệp định này sẽ trông như thế nào” – bà Phan cho hay.

“Đầu tiên và quan trọng nhất, với Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chúng tôi đang xem xét các cuộc thảo luận về cơ sở hạ tầng, phi cacbon hóa và năng lượng sạch như một lĩnh vực trọng tâm chính. Càng có thể hòa nhập với IPEF, chúng ta càng có nhiều quốc gia trong khu vực tham gia vào các vấn đề này” – bà Phan nói thêm.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ John Cornyn – thành viên đảng Cộng hòa – là một trong số những người chỉ trích chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền ông Biden, gọi IPEF là "một sự thay thế yếu cho đồ thật", theo South China Morning Post.

Ông Cornyn cho rằng khuôn khổ này quá dài liên quan tiêu chuẩn lao động và môi trường, đồng thời còn thiếu sót trong các các thỏa thuận tiếp cận thị trường.

Trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện hôm 6-4, Dân biểu Colin Allred – thành viên đảng Dân chủ - cũng bày tỏ quan điểm tương tự về tiếp cận thị trường.

“Tuy hiểu rằng IPEF sẽ vượt ra ngoài một hiệp định thương mại truyền thống, nhưng tôi muốn thấy chúng ta có một hiệp định thương mại” – ông Allred nói với Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman.

“Các quốc gia khác hiện đang tiến về phía trước mà không có chúng ta và tôi nghĩ rằng có một sự thiếu vắng của Mỹ ở đó. Và theo nhiều cách, Trung Quốc muốn lấp đầy khoảng trống đó” - ông Allred nói thêm.

South China Morning Post dẫn lời ông Zack Cooper – thành viên cấp cao tại Viện Doanh nhân Mỹ - cho rằng Mỹ hiện đầu tư chưa đủ vào khu vực.

“Nếu nghĩ trong dài hạn về những quốc gia mà Mỹ có thể làm được nhiều hơn những gì mà họ đang làm, tôi nghĩ rằng rất nhiều quốc gia đó nằm ở khu vực Đông Nam Á” – ông Cooper cho hay, nói thêm rằng những gì khu vực này muốn có lẽ nhiều hơn một chút so với IPEF.

"Những gì khu vực muốn là tự do hóa thương mại ở một mức độ nào đó, và đó không phải là những gì Mỹ đang mang lại" – ông Cooper nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm