Cho phép tàu FAREAST HONESTY cập cảng bốc dỡ hàng hóa

Chiều 17-7, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản gởi Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh; Chi cục Hải quan Bình Thuận; Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Công ty Cổ phần Hàng hải An Bình.

Tàu MV. FAREAST HONESTY

Theo đó, xét báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh ồng ý cho tiếp nhận thuyền viên và đưa tàu MV. FAREAST HONESTY vào Bến cảng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 để bốc dỡ hàng hóa nhằm bảo đảm việc cung cấp nhiên liệu cho hoạt động của nhà máy.

Giao Cảng vụ Hàng hải chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Chi cục Hải quan Bình Thuận, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Công ty Cổ phần Hàng hải An Bình (đại lý hàng hải cho tàu FAREAST HONESTY) thực hiện các biện pháp dẫn dắt, tiếp nhận tàu FAREAST HONESTY vào cập, rời Bến cảng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đúng quy trình; trong đó đặc biệt chú ý các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Như PLO đã thông tin, ngày 14-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Thuận có văn bản về tàu FAREAST HONESTY, quốc tịch Hong Kong vận chuyển hơn 55.000 tấn than, có 21 thuyền viên mang quốc tịch Trung Quốc do ông Zang Jiyou làm thuyền trưởng.

Con tàu xuất bến từ Indonesia ngày 8-7 đến Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (Bình Thuận) lúc 10 giờ ngày 12-7. CDC đã lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả thuyền viên trước khi tàu vào cảng bốc dỡ hàng hóa và đến 8 giờ ngày 13-7, kết quả có ba thuyền viên dương tính với SARS-CoV-2.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, không để lây lan vào đất liền, CDC Bình Thuận đề nghị không tiếp nhận tàu cập cảng và đề nghị tàu quay lại nơi xuất phát hoặc về nước sở tại để điều trị. CDC Bình Thuận đã căn cứ vào Nghị định số 77/2017 quy định về quản lý, bảo vệ an ninh trật tự tại cửa khẩu, cảng để ra văn bản trên để đảm bảo công tác phòng chống dịch là hoàn toàn đúng theo qui định pháp luật.

Sau khi nhận văn bản này, Công ty SUEK AG tại Hà Nội có trụ sở chính ở Thụy Sỹ có đơn kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND và Sở Y tế tỉnh Bình Thuận. Theo SUEK AG, họ là chủ hàng của lô hàng được vận chuyển bởi tàu FAREAST HONESTY cung cấp than Indonesia về cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (NMNĐ).

Công ty cho rằng theo yêu cầu của CDC Bình Thuận hiện đang làm phát sinh rất nhiều khó khăn và tổn thất cho các bên liên quan.

Từ đó đề xuất lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các thuyền viên; cách ly toàn bộ những người đã nhiễm virus ra địa điểm được chỉ định bởi CDC Bình Thuận; phun khử trùng toàn bộ tàu. Việc triển khai dỡ hàng hóa trên tàu phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch của Bộ Y tế Việt Nam. Trong trường hợp toàn bộ thuyền viên trên tàu nhiễm virut COVID-19, đề xuất đưa toàn bộ những người này đi cách ly sau đó phun khử trùng toàn tàu và chủ tàu sẽ thuê một đội thuyền viên mới tại Việt Nam để đảm nhận việc dỡ hàng.

Toàn bộ chi phí xét nghiệm và tất cả các chi phí liên quan đến hướng xử lý trên sẽ do Công ty Suek AG phối hợp cùng chủ tàu để chi trả…

Đến chiều 16-7, theo CDC Bình Thuận, qua theo dõi sức khỏe, 3 thuyền viên nhiễm COVID-19 trên tàu đã xuất hiện triệu chứng sốt, ho, mệt. Do đó CDC Bình Thuận đề nghị Sở Y tế cho phép CDC Bình Thuận lập phương án đưa các thuyền viên bị nhiễm vào đất liền điều trị đồng thời phun thuốc khử khuẩn tàu và các biện pháp phòng chống dịch theo qui định.

Đến 22 giờ ngày 16-7, 3 thủy thủ trên đã được Bộ đội Biên phòng đưa xuống ca nô chở vào đất liền và CDC Bình Thuận tiếp nhận đưa đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Bình Thuận điều trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm