Chủ tịch CLB Sài Gòn là ông Nguyễn Giang Đông đã ký thư kiến nghị (thay cho khiếu nại vốn nằm trong quy định cấm) cho rằng “quyết định của trọng tài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả, gây thiệt thòi cho nỗ lực phấn đấu của cầu thủ và khả năng cạnh tranh thứ hạng của CLB ở mùa giải năm nay”.
Theo đó, phía CLB Sài Gòn chỉ ra tình huống ở phút 62, tiền đạo Patrick Cruz đánh đầu ghi bàn từ đường đá phạt của Ngọc Duy không bị việt vị. Tuy nhiên, tổ trọng tài Hoàng Anh Tuấn đã tước đi bàn thắng hợp lệ của họ khi trận đấu đang có tỉ số 1-1.
Thực chất pha bóng dẫn đến lá đơn kiến nghị ấy rất nhạy cảm và khó xác định bằng mắt thường của trọng tài với một quyết định ngay tức khắc nếu không xem lại góc quay camera thật chi tiết.
Lượt đi V-League, vấn đề nổi cộm nhất là công tác trọng tài. Ảnh: HUY PHẠM
Dĩ nhiên, Sài Gòn rất ấm ức với tình huống không rõ ràng cùng nghi vấn trọng tài thiên vị Thanh Hóa nên mới gửi đơn. Chính ông Giang Đông cũng nói ở lượt đi CLB của mình chịu nhiều thiệt thòi vì các quyết định sai của trọng tài.
Lần thứ tư ở mùa này, các đội bóng gây áp lực cho các nhà làm giải bằng công văn, một đơn kiện sai quy định của SL Nghệ An, Quảng Nam và hai đơn kiến nghị của HA Gia Lai, Sài Gòn.
Giảng viên Đoàn Phú Tấn cũng là giám sát ở V-League đã gọi động thái của các CLB qua những sự việc này “như cái chợ”. Bởi thực chất các thể loại đơn này không có trong quy định và không có tác dụng trong việc bắt buộc Ban Trọng tài VFF phải xem xét, trừ các nội dung khiếu nại theo điều lệ giải.
Có thể vì sai sót của trọng tài ở mùa giải này xảy ra nhiều quá, cùng cách xử lý hậu quả của Ban Trọng tài nhiều lúc chưa thỏa đáng khiến các CLB ngày càng bất phục trọng tài. Họ chỉ chờ chực một tình huống nhạy cảm xảy ra thì quy kết ngay cho sai lầm của trọng tài như một kiểu trốn tránh nói về sự yếu kém của đội bóng. Thậm chí “vua sân cỏ” còn bị lên án trong một hoàn cảnh éo le như mới đây, HLV Phan Thanh Hùng phê phán trọng tài lẽ ra nên phạt thẻ đỏ cho cầu thủ của ông vì phạm lỗi thô bạo chứ không phải thẻ vàng.
Lộ liễu nhất là Chủ tịch CLB TP.HCM Lê Công Vinh “la làng” về việc trọng tài sai và xử ép đội mình. Đội bóng không gửi đơn nhưng cá nhân Công Vinh phàn nàn với phó Ban Trọng tài vì những nghi ngờ mà anh ta cho rằng các phân công của cấp trên lẫn trọng tài có vấn đề. Trong khi đó ai cũng thấy rõ TP.HCM ở trận thua đậm đà 1-4 do trình độ lẫn cách chơi kém hơn đội khách Sanna Khánh Hòa, không phải vì sai lầm của trọng tài ở pha lọt lưới cuối trận.
Đáng nói là cái chợ ấy nhốn nháo và “cãi nhau như mổ bò” rất xôm tụ nhưng khán giả đi chợ thì ngày càng thưa thớt.
Nguy hiểm của bóng đá Việt Nam là các đội bóng từ lãnh đạo đến cầu thủ khi thua hay có thói quen quy trách nhiệm cho trọng tài. Thậm chí đến cả việc soi lý lịch, quê quán, gốc gác của trọng tài để cho rằng thổi có lợi cho đội bóng quê hương mình cũng là điều quá đáng và hoàn toàn không mang tính xây dựng. Chính ông Trần Duy Ly từng là trưởng Ban tổ chức V-League 2003 đã có lần chia sẻ về việc mình không tỉnh táo khi bị sức ép từ các đội nói trọng tài Võ Minh Trí có ông ngoại người Long An để buộc ban tổ chức thay trọng tài khác “ít nghiêm” hơn trọng tài Trí. Kết quả là vụ thay trọng tài đấy đã làm ảnh hưởng lớn đến đội Long An nhưng lại có lợi cho ngôi vô địch của đội khách. Đó là sự cố lớn đã xảy ra cách đây 14 năm nhưng cho thấy ở Việt Nam các đội bóng hay gây sức ép ngược và làm khó cho công tác điều hành trọng tài. Trọng tài vì thế có lúc bị xem là công cụ và lúc khó thì cứ dồn hết tội cho trọng tài bởi họ là cá nhân dễ “xử” nhất, còn các quan (đội bóng lẫn làm công tác điều hành) thì cứ tùy cơ ứng biến quanh chuyện trăm dâu đổ đầu… trọng tài. |